Indonesia: Bạo loạn tạm thời lắng dịu ở Papua

 Ô tô bị đốt cháy ở Jayapura, Papua, Indonesia, ngày 30/8 Ảnh: Antara Foto/Gusti Tanati/ via REUTERS
Ô tô bị đốt cháy ở Jayapura, Papua, Indonesia, ngày 30/8 Ảnh: Antara Foto/Gusti Tanati/ via REUTERS
TP - Cảnh sát Indonesia đã ra lệnh cấm các cuộc biểu tình bạo lực và các bài phát biểu cổ vũ tư tưởng ly khai ở vùng cực đông của Papua, khu vực đã bị chấn động bởi các cuộc biểu tình phản đối trong suốt hai tuần qua, người đứng đầu lực lượng cảnh sát và hãng thông tấn nhà nước nói hôm qua.

Trong ngày 2/9, trật tự có vẻ đã được vãn hồi ở khắp Papua khi cảnh sát làm việc với một số nhân vật trong khu vực nhằm kiểm soát tình hình.

Papua đang trải qua thời kỳ bất ổn xã hội nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua mà nguyên nhân cốt lõi được cho là bắt nguồn từ tình trạng phân biệt chủng tộc. Theo một bản tin của CNA, một số người biểu tình đã yêu cầu một cuộc trưng cầu dân ý về việc độc lập, khả năng đã bị chính phủ bác bỏ.

Cuối tuần qua, cảnh sát Papua đã ban hành 6 thông báo, bao gồm lệnh cấm biểu tình và một danh sách các tội danh hình sự có thể được đem ra chống lại những người biểu tình, bộ trưởng An ninh Wiranto nói tại một cuộc họp báo.

“Mọi cá nhân, mọi tổ chức bị cấm thực hiện hay truyền bá tư tưởng ly khai trong khi bày tỏ ý kiến tại nơi công cộng và vi phạm điều này sẽ đối mặt với các chế tài nghiêm khắc”, hãng tin nhà nước Antara dẫn các thông báo của cảnh sát Indonesia.

Cảnh sát cũng nói trong các thông báo rằng phát tán tin giả là một tội sẽ bị trừng trị, theo Antara.

Cảnh sát đã bắt giữ 41 người tại nhiều thành phố của vùng Papua mà theo lời bộ trưởng An ninh Wiranto, là do họ đã phá hoại công trình công cộng và trộm cắp.

Trong một sự kiện khác, hai sinh viên bị bắt ở thủ đô Jakarta và bị buộc tội phản quốc. Bốn người Australia bị trục xuất sau khi bị cáo buộc tham gia biểu tình.

Khoảng 6.000 cảnh sát và binh lính đã được đưa đến Papua, theo lời cảnh sát trưởng quốc gia Tito Karnavian là để củng cố một khu vực vốn đã có sự hiện diện của đông đảo lính quân đội, vì khu vực này trong nhiều thập kỷ đã diễn ra các cuộc xung đột với tư tưởng ly khai ở cấp độ thấp.
“Nếu cần thiết tôi sẽ triển khai thêm quân”, ông Karnavian nói với các phóng viên và rằng ông đã lên kế hoạch ở lại Papua trong tuần này để theo dõi tình hình.

Giữa tuần trước, hơn 1.000 người biểu tình đã ném gạch đá, đốt các cửa hàng và một toà nhà chính quyền ở thủ phủ Jayapura.

Vụ việc xảy ra một ngày sau cuộc đụng độ chết người ở một vùng khác của hòn đảo giáp ranh với Papua New Guinea này. 

Indonesia giành quyền kiểm soát Papua, vùng đất từng là thuộc địa của Hà Lan, từ năm 1969 sau một cuộc trưng cầu dân ý mà một số người cho là giả mạo. 

Trong ngày hôm qua, trật tự có vẻ đã được vãn hồi ở khắp Papua khi cảnh sát làm việc với một số nhân vật trong khu vực nhằm kiểm soát tình hình, theo người phát ngôn cảnh sát quốc gia Dedi Prasetyo.

Hãng tin Antara dẫn lời cảnh sát trưởng thành phố nói đã có 4 người bị giết ở Jayapura trong các cuộc biểu tình phản đối hồi tuần trước. Trong khi đó, ít nhất một quân nhân và 5 thường dân thiệt mạng ở thị trấn vùng nông thôn Deiyai hồi tuần trước, theo lời người phát ngôn cảnh sát Papua. Việc mạng intermet bị chặn ở Papua càng khiến thông tin khó được kiểm chứng.
Ông Wiranto đã hứa sẽ rút bớt binh lính và dỡ bỏ lệnh chặn mạng internet “khi tình hình hoàn toàn trở lại bình thường”.

Các cuộc biểu tình được cho là khởi phát sau khi một số sinh viên Papua bị đàn áp bằng hơi cay và bắt giữ tại thành phố Surabaya trên đảo Java vào ngày 17/8. Số sinh viên này bị cho là đã có hành vi xúc phạm quốc kỳ Indonesia.

MỚI - NÓNG