Indonesia dừng tiêm vaccine ngoại cho trẻ em

Indonesia dừng tiêm vaccine ngoại cho trẻ em
TP - Bộ trưởng Y tế Indonesia vừa đưa ra tuyên bố gây sốc, nói rằng Jakarta muốn dừng tiêm vaccine ngoại phòng bệnh viêm màng não, quai bị và một số bệnh khác cho trẻ em Indonesia.
Indonesia dừng tiêm vaccine ngoại cho trẻ em ảnh 1
Bộ trưởng Y tế Indonesia Siti Fadillah Supari. Ảnh: dailìe.com

Họ sợ rằng các Cty sản xuất tân dược nước ngoài sử dụng nước đông dân nhất Đông Nam Á này làm nơi thử nghiệm vaccine.

Hồi năm 2007, bà Bộ trưởng Y tế Indonesia Siti Fadillah Supari lần đầu tiên khiến giới chuyên môn sửng sốt khi tuyên bố tẩy chay chương trình chia sẻ hiểu biết về virus do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chủ trì trong suốt 50 năm qua.

Hôm 24/3 vừa qua, bà Siti Fadillah Supari lại tuyên bố rằng bà muốn có kết quả chứng minh khoa học rằng tiêm những vaccine ngoại ngừa các bệnh như viêm phổi, thủy đậu, cúm gia cầm, rubella và thương hàn là có ích lợi thực sự.

Bộ trưởng Siti Fadillah Supari khẳng định: "Không có kết quả chứng minh như vậy. Việc tiêm vaccine ngoại ngừa các bệnh nói trên phải bị dừng lại. Chúng tôi không muốn nước chúng tôi là nơi thử cho các vaccine đó, giống như người ta từng thử như vậy ở châu Phi".

Bộ trưởng Y tế Indonesia nói rằng, bản thân bà vẫn cổ vũ cho việc làm miễn dịch hóa đối với các bệnh sởi, bại liệt, vi trùng uốn ván, viêm gan siêu vi B, và lao. Tuyên bố nói trên của bà Bộ trưởng Siti Fadillah Supari được đưa ra đúng  lúc Indonesia đang nỗ lực khống chế các loại bệnh có thể phòng ngừa được ở trẻ em.

Tình trạng thiếu tài chính triền miên và các nỗ lực phi tập trung hóa rối rắm ở Indonesia từ năm 1998 khi Tổng thống Suharto bị lật đổ buộc nhiều cơ sở y tế tại các địa phương nghèo nhất Indonesia phải thu hẹp các hoạt động y tế cộng đồng.

Bà Anne Vincent làm việc tại UNICEF nói tổ chức tiếp tục hỗ trợ chính phủ Indonesia với tư cách những đối tác kỹ thuật trong những chương trình có cơ sở rõ ràng của Indonesia.

Tình trạng trên buộc Indonesia phải rút ngắn thời gian và giảm chi tiêu cho giáo dục và tiêm chủng thường xuyên. Số ca mắc bệnh sởi, lao, và các loại bệnh khác ở Indonesia, vì thế, tăng lên chóng mặt. Đặc biệt trong số đó có bệnh bại liệt ở trẻ em sau nhiều thập kỷ bị dập tắt hoàn toàn ở Indonesia bỗng lại bùng phát trở lại hồi năm 2005.

Trước quyết định của Jakarta ngừng tiêm vaccine ngoại ngừa bệnh trẻ em ở Indonesia, UNICEF nói rằng tổ chức bảo vệ trẻ em của Liên Hợp Quốc này muốn chờ cho đến khi nào Indonesia chính thức thay đổi chính sách về tiêm chủng nhằm miễn dịch hóa và ngừa bệnh trẻ em thì mới đưa ra bình luận.

Cách đây hai năm, bà Siti Fadillah Supari ngăn cản việc chia sẻ hiểu biết về virus cúm gia cầm với cộng đồng quốc tế. Bà kêu gọi các cơ quan nghiên cứu y tế Indonesia thực hiện việc nghiên cứu DNA virus cúm gia cầm H5N1 không cần dựa vào các nguồn tài trợ nước ngoài để tránh bị các nước phát triển bóc lột sức lao động.

Theo bà Siti Fadillah Supari, chủng virus cúm gia  cầm H5N1 ở Indonesia có độc tính mạnh nhất nên các Cty tân dược nước ngoài muốn Jakarta cung cấp giống virus H5N1 giúp nghiên cứu chế ra các loại vaccine tốt hơn để ngừa bệnh cúm gia cầm.

Bộ trưởng Y tế Indonesia cho rằng, Indonesia hoàn toàn có thể tự nghiên cứu và sản xuất được vaccine này mà không phải phụ thuộc nước ngoài.

Đ.P
Tổng hợp

MỚI - NÓNG
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
Chi tiết gói viện trợ Mỹ sắp chuyển cho Ukraine
TPO - Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 24/4 đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine, trị giá ước tính khoảng 1 tỷ USD. Động thái này diễn ra ngay sau khi Thượng viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ nước ngoài trị giá 95 tỷ USD, bao gồm gần 61 tỷ USD dành cho Ukraine.