Indonesia: Núi lửa lại phun, 79 người thiệt mạng

Binh lính Indonesia khiêng thi thể nạn nhân sau vụ núi lửa phun Ảnh: Reuters
Binh lính Indonesia khiêng thi thể nạn nhân sau vụ núi lửa phun Ảnh: Reuters
TP - Ngày 5-11, Merapi, núi lửa dễ phun trào nhất ở Indonesia, hoạt động mạnh hơn dự đoán, đốt cháy nhiều nhà cửa ở rìa khu vực nguy hiểm làm ít nhất 79 người thiệt mạng và khiến việc sơ tán hỗn loạn.

>>Núi lửa Indonesia lại phun trào, gần 100 người chết

Binh lính Indonesia khiêng thi thể nạn nhân sau vụ núi lửa phun Ảnh: Reuters
Binh lính Indonesia khiêng thi thể nạn nhân sau vụ núi lửa phun.
Ảnh: Reuters.

Hôm qua, các binh sĩ tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn ở làng Bronggang cách Merapi 15km, lôi ra ít nhất 79 thi thể từ những ngôi nhà cháy rừng rực. 156 người, trong đó có nhiều trẻ em, bị thương với quần áo, chăn, đệm bốc cháy dưới tác động của đám mây khí nóng 7500C được cáng ra. Đường sá quanh núi lửa (khu vực giáp ranh tỉnh Trung Java và thành phố Yogyakarta) ngập trong 30cm tro bụi.

Sau đợt phun trào mới, chính quyền địa phương tăng bán kính khu vực nguy hiểm từ 15km lên 20km. Vụ phun trào trước nửa đêm ngày 5-11 mạnh gấp 6 lần đợt phun trào đầu tiên hôm 26-10, mạnh nhất kể từ những năm 1870, khiến nhiều dân làng bị bụi bám đầy người. Họ cuống cuồng phóng xe máy theo sườn dốc đi sơ tán. Theo sau là xe tải chở phụ nữ và trẻ em khóc như ri. Quan chức địa phương đeo khẩu trang, bắc loa kêu gọi người dân nhanh chóng sơ tán, trong khi đá và mảnh vụn đất, gỗ… từ trên trời rơi xuống rào rào.

Mặt dính đầy tro bụi, người dân đi sơ tán. Ảnh: AP
Mặt dính đầy tro bụi, người dân đi sơ tán. Ảnh: AP.

“Đầu tiên là một tiếng nổ kinh hoàng, rồi tình hình càng lúc càng tồi tệ. Tro bụi, đất đá rơi xuống như mưa. Xung quanh chúng tôi nóng khủng khiếp, khói trắng khắp nơi”, Niti Raharjo vừa nói vừa đèo con trai 19 tuổi chạy trốn núi lửa phun trào.

Tro bụi màu trắng bao phủ đường băng của sân bay thành phố Yogyakarta, buộc sân bay này đóng cửa ngày 5-11. “Không rõ khi nào sân bay mở cửa trở lại”, Agus Andriyanto, một quan chức sân bay, nói.

Trước đây, người ta dự đoán rằng, hàng chục vụ nổ lớn diễn ra sau đợt phun trào đầu tiên ngày 26-10 sẽ giảm áp suất ở khu vực magma trong núi lửa Merapi. Tuy nhiên, các vụ phun trào ngày càng mạnh. “Tôi không muốn dự đoán rằng sẽ có một vụ phun trào mạnh hơn. Nhưng đúng là giai đoạn này không có dấu hiệu nào cho thấy núi lửa sẽ hạ sốt trong tương lai gần”, Syamsu Rizal, chuyên gia núi lửa của Indonesia, nói. Thậm chí các nhà khoa học công tác tại trạm theo dõi Merapi được yêu cầu sơ tán. Họ đang vật lộn với việc sửa chữa 4 trong tổng số 5 máy ghi địa chấn bị mưa bụi làm hỏng.

Tuần qua, hơn 75.000 người sống dọc các sườn núi màu mỡ của Merapi được sơ tán tới các lán trại tập thể. Khi núi lửa ngừng phun, một số trở về nhà để chăm sóc gia súc. Trước ngày 5-11, số nạn nhân của Merapi là 44, hầu hết chết trong vụ phun trào ngày 26-10.

Merapi phun trào nhiều lần trong thế kỷ qua. Năm 1994, núi phun trong vòng 7 ngày khiến 60 người thiệt mạng. Năm 1930, dung nham núi lửa tàn phá hơn chục ngôi làng, giết chết 1.300 người. Indonesia nằm trong vành đai lửa Thái Bình Dương nên thường xuyên bị động đất và núi lửa phun trào.

Thái An (Theo AP, BBC)

Sau khi Merapi phun trào mạnh, các nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam ở Yogyakarta đã sơ tán đến vùng Solo cách đó 70km. Theo một lưu học sinh, tất cả 10 nghiên cứu sinh và sinh viên Việt Nam đang theo học ở Trường Đại học Gadjah Mada và Trường Đại học Sanata Drama ở thành phố Yogyakarta vẫn an toàn. Yogyakarta cách thủ đô Jakarta hơn 800km và cách núi lửa 20km về phía nam.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.