Indonesia: Núi lửa Merapi phun trào dữ dội

Indonesia: Núi lửa Merapi phun trào dữ dội
TP - Ngày 15/5, núi lửa Merapi phun ra tro bụi, đất đá, và khí nóng ra xung quanh ở mức độ cao nhất kể từ khi núi lửa này trở lại hoạt động vài tuần qua.
Indonesia: Núi lửa Merapi phun trào dữ dội ảnh 1

Miệng núi lửa Merapi lúc sắp phun trào Ảnh: A.P

Nhà nghiên cứu núi lửa Ratdomopurbo cho biết, trước khi miệng núi nứt ra chuẩn bị phun trào, núi lửa Merapi gây ra nhiều tiếng nổ liên tiếp.

Tiếp theo là đất đá, cát, bụi lăn xuống sườn phía Tây của núi dài tới hơn 3 km. Đến lúc này, những cư dân gan lỳ nhất sống dưới sườn núi lửa Merapi cũng phải vội vã chất đồ đạc cùng gia đình lên các loại phương tiện vận tải để sơ tán khỏi nơi nguy hiểm.

Cách đó hai ngày, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo nguy cơ núi lửa Merpi hoạt động mạnh trở lại, nhờ đó chính quyền địa phương đã tổ chức sơ tán xong 4.500 người dân sống ở gần miệng núi lửa hoặc gần những con suối để phòng tránh nham thạch phun trào.

Những người dân đi sơ tán hiện đang phải lánh tạm tại các nhà thờ Hồi giáo, trường học hoặc các tòa nhà của các cơ quan nhà nước. Hiện còn khoảng 18.000 người khác sống dưới chân núi chưa chịu đi sơ tán bất chấp những khuyến cáo và báo nguy khẩn cấp của các nhà nghiên cứu núi lửa.

Những người dân bám trụ này hôm 15/5 thay vì đi sơ tán đã bày cỗ gồm cơm, trái cây, rau, quả để tế Trời rồi đổ xuống sông suối bên sườn núi lửa Merapi cầu nguyện cho thần núi giúp đẩy lùi thiên tai.

Đa số người dân Indonesia theo Hồi giáo và nhiều người vẫn giữ sự tín ngưỡng cổ truyền cứ vào ngày rằm hàng tháng người ta leo lên gần miệng núi lửa tìm những khe nứt để đổ cơm, gạo, đồ trang sức, và gia súc xuống để tế thần núi lửa.

Làm được như vậy, người dân địa phương tin rằng cuộc sống của họ sẽ được thần núi che chở vì “chỉ có Thánh Allah mới biết khi nào núi lửa phun trào”.

Merapi là một trong số 129 núi lửa đang hoạt động ở Indonesia. Núi lửa Merapi hồi năm 1930 từng phun trào nham thạch làm chết 1.300 người. Gần đây nhất là lần phun trào năm 1994 của núi lửa này làm chết 60 người.

Indonesia nằm trong vành đai núi lửa ven bờ Thái Bình Dương – khu vực bị tác động mạnh bởi địa chấn do các mạch đứt gẫy trải dài từ Tây bán cầu tới Nhật Bản và Đông Nam Á. 

MỚI - NÓNG