Internet sắp bị kiểm duyệt?

Internet sắp bị kiểm duyệt?
TP - Những cuộc đàm phán bí mật liên quan hàng chục quốc gia đang được tổ chức trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc (LHQ) về viễn thông quốc tế.

Theo đó, các nước có thể sẽ hạn chế vai trò của Internet đối với tăng trưởng kinh tế và ngăn cản dòng chảy tự do của thông tin.

Hơn 190 quốc gia thành viên của LQH sẽ tham dự Hội nghị Viễn thông Quốc tế vào tháng 12 tại Dubai, nhằm sửa đổi bản hiệp ước toàn cầu mang tên Quy tắc viễn thông quốc tế (ra đời năm 1988), bị cho là đã lỗi thời, không bắt kịp đà phát triển của Internet.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Nga - Mỹ đối đầu

Trong các cuộc họp kín, Nga đề xuất các quốc gia thành viên phải đảm bảo người dân được tiếp cận và sử dụng không giới hạn các dịch vụ viễn thông quốc tế, “trừ trường hợp các dịch vụ viễn thông quốc tế được sử dụng vào mục đích can thiệp vào công việc nội bộ hoặc ảnh hưởng chủ quyền, an ninh quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và sự an toàn của người dân tại quốc gia khác, hoặc nhằm tiết lộ thông tin nhạy cảm”, theo tài liệu của LHQ đưa ra nhằm sửa đổi hiệp ước.

Cách diễn đạt như vậy có thể cho phép một quốc gia đàn áp lực lượng chính trị đối lập mà họ cho là không tuân theo hiệp ước của LHQ.

Nó cũng mâu thuẫn với Điều 19 của Tuyên bố chung về nhân quyền của LHQ, trong đó nói rằng mọi người phải có quyền tiếp cận thông tin “thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào, không kể biên giới nào”.

Một số nhà làm luật nghi ngờ Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẽ tận dụng mối quan hệ với Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU), tiến sĩ Hamadoun Toure, để đề xuất của Nga được chấp thuận.

Ông Toure, người Mali, tốt nghiệp ngành điện tử và viễn thông tại các trường đại học ở Mátxcơva và Leningrad (Nga). ITU thuộc LHQ là tổ chức giám sát hiệp ước.

Phái đoàn của Mỹ tới tham dự Hội nghị hứa hẹn sẽ ngăn chặn đề xuất của Nga hoặc bất kỳ nước nào mà họ tin rằng sẽ đe dọa cấu trúc quản lý hiện tại của Internet hay ngụ ý chấp nhận Internet sẽ bị kiểm duyệt.

Tuy nhiên, những bảo đảm này vẫn không đủ khiến nhiều người thôi lo sợ rằng, bản hiệp ước sẽ được sửa đổi để làm hỏng phương tiện trao đổi thông tin mạnh nhất thế giới hiện nay vốn đang tạo ra nhiều việc làm, và thậm chí tiến hành nhiều cuộc cách mạng.

Các mạng xã hội đóng vai trò chủ chốt trong những cuộc nổi dậy mang tên Mùa xuân Ảrập hồi năm ngoái, khiến các chế độ ở Ai Cập và Tunisia bị lật đổ.

Đề xuất bắt Google, Facebook…trả tiền

Quy tắc viễn thông quốc tế được đề ra năm 1988 để điều chỉnh các hệ thống điện tín và điện thoại, hồi đó thường được các nhà nước quản lý.

Tại hội nghị sắp diễn ra ở Dubai do ITU tổ chức, hiệp ước sẽ được xem xét sửa đổi lần đầu tiên trong 20 năm qua.

Theo các chuyên gia, hiệp ước đã lỗi thời, không thích nghi và tự điều chỉnh phù hợp với đà phát triển quá nhanh của Internet.

“Chúng tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể vẫn áp dụng mô hình quản lý từ năm 1988 đối với hệ thống điện thoại lỗi thời để quản lý Internet ngày nay”, Sally Shipman Wentworth, nhà quản lý cấp cao về chính sách công của Hiệp hội Internet, nói.

Hiệp hội các nhà cung cấp mạng viễn thông châu Âu đề xuất gây áp lực buộc các nhà cung cấp nội dung như Google, Facebook, Netflix… phải bù đắp các chi phí cung cấp dữ liệu qua Internet cho những người sử dụng cuối cùng. Dữ liệu cung cấp qua Internet bao gồm các video ngốn băng thông rộng.

Hiệp hội cho rằng, chi phí đầu tư để mở rộng và nâng cao chất lượng truyền dữ liệu phải được chia sẻ bởi các nhà mạng và nhà cung cấp nội dung.

Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đề xuất này là không hợp lý, và sẽ gây nhiều hậu quả khó lường, khiến Đại học Havard, Học viện Công nghệ Massachusetts và nhiều trường đại học khác không thể đưa các khoá học, bài giảng miễn phí lên mạng, cản trở mọi người tiếp cận nền giáo dục tốt.

Gia Tùng
Theo AP, CNET News, CNN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG