IPU 132: Hợp tác nghị viện chống khủng bố

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên thảo luận chung IPU 132 ngày 30/3 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Phiên thảo luận chung IPU 132 ngày 30/3 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
TP - Ngày 30/3, trong phiên họp chung của Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) lần thứ 132, các đại biểu đưa ra nhiều đề xuất tăng cường vai trò của nghị viện trong lập pháp và giám sát thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ khủng bố, giúp thanh niên tránh bị các tổ chức khủng bố lôi kéo…

Trong phiên thảo luận về chủ đề khẩn cấp “Hợp tác của các nghị viện trong việc chống lại Nhà nước Hồi giáo IS và nhóm khủng bố Boka Haram”, đại diện của 14 nước bày tỏ thái độ công phẫn đối với các hành động khủng bố, nói rằng cần tăng cường cảnh giác với các hình thức, lực lượng khủng bố mới ngày càng gia tăng.

Các đại biểu cho rằng, để giải quyết vấn đề, cần xác định rõ nguyên nhân sâu xa dẫn đến khủng bố và đưa ra các đề xuất nhằm tăng cường vai trò của nghị viện trong lập pháp và giám sát thực hiện các biện pháp ngăn ngừa nguy cơ khủng bố, từ chính trị, kinh tế, tài chính tới văn hóa, giáo dục, chính sách cho thanh niên, giúp những người trẻ tuổi tránh bị lôi kéo bởi các tổ chức khủng bố.

Các đại biểu nhất trí rằng, chống khủng bố cần sự hợp tác toàn cầu, trong đó có hợp tác phát triển. Các đại biểu khẳng định, cần biến những lời nói trong nghị quyết chống khủng bố thành hành động. Dự thảo nghị quyết về chủ đề khẩn cấp đang tiếp tục được hoàn thiện.

Cùng ngày, Ủy ban Thường trực về Hòa bình và An ninh quốc tế kết thúc thảo luận dự thảo Nghị quyết “Chiến tranh mạng - Mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và an ninh thế giới”. Các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ vai trò, những đóng góp của nghị viện trong định nghĩa và khái niệm khung của chiến tranh mạng, đặc biệt là thông qua các biện pháp cụ thể trong tương lai gần.

Các đại biểu thống nhất cao về sự cần thiết trong việc hoàn thiện một công ước quốc tế về Internet, nhằm ngăn chặn các thế lực khủng bố có thể sử dụng mạng toàn cầu để thực hiện tội ác, đặc biệt là việc quyên góp nguồn tiền cho các hoạt động khủng bố, chiêu mộ và đầu độc cộng đồng bằng những ý tưởng bạo lực. Đề xuất của đoàn Việt Nam về việc bổ sung nội dung chống chiến tranh mạng vào cơ chế thảo luận và kiểm soát của Liên Hợp Quốc đã nhận được sự ủng hộ của các đoàn.

Giải quyết thách thức an ninh

Trong phiên họp của Đại hội đồng chiều 30/3 về chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”, các đại biểu nhất trí về sự cần thiết nâng cao vai trò và trách nhiệm của nghị viện trong việc thúc đẩy thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.

Phát biểu về tổng quan chính sách đối ngoại của Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng vai trò, tiếng nói của các thể chế, diễn đàn đa phương đối với các vấn đề an ninh, phát triển của khu vực và thế giới. “Chúng tôi cho rằng, tất cả các nước cần tăng cường xây dựng lòng tin chiến lược, thúc đẩy hợp tác tìm giải pháp lâu dài, thỏa đáng cho các thách thức đối với hòa bình và an ninh khu vực, nhất là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo”, Phó Thủ tướng nói.

“Các nước lớn cần thể hiện rõ vai trò và trách nhiệm của mình, tôn trọng các lợi ích chính đáng của các nước vừa và nhỏ, tránh những hành động làm phức tạp thêm tình hình khu vực”, Phó Thủ tướng phát biểu. Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh cũng được mời phát biểu về vai trò của ASEAN và hợp tác nghị viện Đông Nam Á.

Hôm qua, phiên họp của Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền hoàn chỉnh và thông qua dự thảo Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người” với 37 phiếu thuận, 3 phiếu chống và 10 phiếu trắng.

Dự thảo đề cập 3 nội dung quan trọng là luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người; nhấn mạnh các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và coi luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nguyên tắc chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế tương thích với chủ quyền quốc gia; các quốc gia khẳng định quyền tự quyết và chống lại sự can thiệp của nước ngoài.

Văn kiện này khẳng định, luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn lấy quyền con người làm trung tâm. Trao đổi với báo giới sau phiên thảo luận,  ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Luật pháp của Quốc hội, đại diện Việt Nam tại Ủy ban, khẳng định, Việt Nam ủng hộ nghị quyết này do đã được thảo luật tại Geneva và Ủy ban dự thảo nghị quyết đã cố gắng tham vấn các bên về nội dung dự thảo.

“Việt Nam cho rằng, đây là nghị quyết rất có ý nghĩa do nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và bảo vệ nhân phẩm, quyền con người. Tuy nhiên, Việt Nam thấy còn nhiều điểm có thể cải thiện được để các nước có cơ hội thảo luận thêm, chia sẻ ý kiến nhiều hơn”, ông Thông nói.

Ngày 30/3, Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị Nữ nghị sĩ diễn ra dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hội nghị Nữ nghị sĩ, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Các nữ nghị sĩ cùng ký Lời kêu gọi hành động để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các trẻ em gái của Chủ tịch Ủy ban Điều phối Hội nghị Nữ nghị sĩ Margaret Williams.

Chiều 30/3, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Chủ tịch Quốc hội Lào Pany Yathotou, Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Sumitra Mahajan. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng hội đàm Chủ tịch Quốc hội Lào, tiếp Chủ tịch Quốc hội Pakistan, tiếp Chủ tịch Thượng viện Ma-rốc, tiếp Chủ tịch Hạ viện Indonesia, tiếp Chủ tịch Hạ viện Sudan, tiếp Chủ tịch Hạ viện Algeria. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp Phó Chủ tịch Quốc hội và Phó Thủ tướng Hungary; Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn tiếp Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc Triều Tiên...

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.