Iran có tổng thống mới theo đường lối ôn hòa

Iran có tổng thống mới theo đường lối ôn hòa
TP - Việc ông Hassan Rouhani được lựa chọn trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa diễn ra ở Iran được mô tả là “chiến thắng của chủ nghĩa ôn hòa trước chủ nghĩa cực đoan”.

> Tổng thống Assad tại vị: Âu - Mỹ lo, Iran mừng
Phong trào xã hội hay chính đảng?

Ông Hassan Rouhani (đeo kính) đánh bại 5 ứng viên để giành chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống ngày 14/6. Ảnh: Getty Images
Ông Hassan Rouhani (đeo kính) đánh bại 5 ứng viên để giành chiến thắng tại cuộc bầu cử tổng thống ngày 14/6. Ảnh: Getty Images.

Vị giáo sĩ được lòng những người ủng hộ cải tổ giành chiến thắng với hơn 50% số phiếu bầu. Đông đảo người Iran hôm qua đổ xuống đường ăn mừng và hô vang khẩu hiệu ủng hộ cải tổ khi kết quả bầu cử được công bố.

Khoảng 72,2% phiếu trong tổng số 50 triệu phiếu bầu được xác định là hợp lệ để bầu ra người kế nhiệm ông Mahmoud Ahmadinejad, người đã lãnh đạo Iran hai nhiệm kỳ liên tiếp.

Tổng thống mới đắc cử Hassan Rouhani sinh năm 1948 trong một gia đình tôn giáo ở thành phố Sorkheh, tỉnh Semnan. Ông có bằng cử nhân luật của Đại học Tehran, bằng thạc sĩ và tiến sĩ luật của Đại học Glasgow Caledonian (Scotland). Ông từng lãnh đạo Ủy ban Quốc phòng và Ủy ban Chính sách Đối ngoại của Quốc hội, từng là chỉ huy Không quân Iran và Phó Tổng chỉ huy các lực lượng vũ trang Iran.

Sau khi trúng cử, ông Rouhani ra thông báo nói rằng “cơ hội mới đã được tạo ra cho những người thực sự đề cao dân chủ, dung hòa và tự do đối thoại”. “Tôi cảm ơn Đức Thánh rằng Iran một lần nữa có cơ hội đi theo con đường hợp lý và ôn hòa… Chiến thắng này là chiến thắng của trí tuệ, sự ôn hòa và trưởng thành… trước chủ nghĩa cực đoan”, ông Rouhani tuyên bố.

Tuy nhiên, vị Tổng thống đắc cử cũng cảnh báo: “Những nước coi trọng dân chủ và tự do đối thoại nên nói chuyện với người dân Iran bằng sự tôn trọng và thừa nhận các quyền của nước Cộng hòa Hồi giáo”.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống gần đây nhất vào tháng 6/2009, hàng triệu người dân Iran đổ ra đường đòi bầu cử lại, nhưng nhà lãnh đạo tối cao của nước này bác bỏ đòi hỏi của người dân và cáo buộc của 3 ứng viên tổng thống rằng cuộc bầu cử có gian lận.

Cuối tuần qua, nhiều người dân hô khẩu hiệu đòi thả tù nhân chính trị - chính sách mà ông Rouhani tỏ ra ủng hộ. Một trong những cam kết chính của ông Rouhani trong cuộc chạy đua lần này là nỗ lực giảm bớt trừng phạt quốc tế đối với Iran vì chương trình hạt nhân. Thời gian qua, Iran vấp phải nhiều khó khăn kinh tế, khiến tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, đồng tiền mất giá và lạm phát tăng mạnh.

Quyền lực vẫn trong tay các giáo sĩ?

Tuy từng nắm giữ nhiều vị trí trong Quốc hội Iran và là Trưởng đại diện đàm phán hạt nhân của Iran, ông Rouhani trước đó không được coi là ứng viên sáng giá.

Sự ủng hộ dành cho ông tăng vọt sau khi ông Mohammad Reza Aref, ứng viên theo đường lối cải tổ duy nhất trong cuộc chạy đua, tuyên bố hồi giữa tuần trước rằng ông rút lại lời khuyên của cựu Tổng thống theo đường lối cải cách Mohammad Khatami. Từ đó, ông Rouhani bước vào cuộc bầu cử với sự ủng hộ của hai cựu Tổng thống Khatami và Akbar Hashemi Rafsanjani.

Nhưng dù ông Rouhani cam kết sẽ tham gia nhiều hơn với các cường quốc phương Tây, một số chuyên gia cho rằng, quyền lực vẫn nằm trong tay các giáo sĩ cầm quyền và lực lượng Vệ binh Cách mạng.

Phản ứng của các cường quốc

Mỹ bày tỏ lo ngại về tình trạng “thiếu minh bạch” và “kiểm duyệt”, nhưng hoan nghênh chiến thắng của người dân Iran. Washington nói rằng sẽ để Iran “tham gia trực tiếp” vào quá trình tìm kiếm “giải pháp ngoại giao nhằm giải tỏa tất cả quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran”.

Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thúc giục cộng đồng quốc tế tiếp tục gây sức ép để Iran kiềm chế chương trình hạt nhân. “Cộng đồng quốc tế không được mơ tưởng hay bị cám dỗ dẫn đến việc nơi lỏng áp lực để Iran ngừng chương trình hạt nhân”, ông Netanyahu nói trước nội các Iran.

Bộ Ngoại giao Anh thúc giục ông Rouhani “tạo dựng một tiến trình hoàn toàn khác cho tương lai của Iran, bằng cách giải tỏa những quan ngại của cộng đồng quốc tế về chương trình hạt nhân của nước này…, cải thiện tình hình nhân quyền và chính trị cho người dân”.

Pháp tuyên bố “sẵn sàng làm việc” với nhà lãnh đạo mới của Iran, còn Tổng thống Nga Vladimir Putin bày tỏ mong muốn ông Rouhani sẽ xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Mátxcơva.

Trúc Quỳnh
Theo PressTV, BBC

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.