Iran đòi Mỹ và Đan Mạch xin lỗi

Iran đòi Mỹ và Đan Mạch xin lỗi
Liên quan đến việc báo chí một số nước đăng tải bức biếm họa nhà tiên tri Muhammad, biểu tình phản đối vẫn tiếp tục diễn ra hôm 12.2.
Iran đòi Mỹ và Đan Mạch xin lỗi ảnh 1

Biểu tình phản đối trước Đại sứ quán Pháp ở Tehran ngày 13/2.

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, hơn 2.500 người biểu tình đã ném trứng vào Lãnh sự quán Pháp tại Istanbul, lớn tiếng kêu gọi "trả thù". Trong khi đó, cuộc khẩu chiến giữa Mỹ với Iran vẫn không hề lắng dịu.

Phát biểu trên chương trình truyền hình "This Week" của kênh truyền hình Mỹ ABC, Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice đã buộc tội Iran và Syria xúi giục phản đối bạo lực ở nhiều nước liên quan đến bức biếm hoạ. "Nếu người ta cứ tiếp tục kích động kiểu này, tình hình sẽ vượt ra ngoài tầm kiểm soát" - bà Rice nói.

Bà cho rằng, Iran và Syria đã lợi dụng sự phẫn nộ của người Hồi giáo "cho mục đích riêng của mình" là giải quyết những món nợ với phương Tây, vì vậy thế giới phải ngăn chặn điều đó. Khi ABC hỏi đâu là bằng chứng, bà Rice trả lời rằng, thực tế cho thấy, hầu hết những gì diễn ra ở các nước này đều phải có sự cho phép của chính phủ: "Tôi có thể nói rằng người Syria kiểm soát chặt chẽ xã hội của họ và người Iran còn chặt chẽ hơn".

Tương tự, Thủ tướng Đan Mạch Anders Fogh Rasmussen, trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình CNN hôm 12.2, cũng đồng ý với bình luận của bà Rice về vai trò của Iran và Syria trong việc xúi giục bạo lực.

Phản ứng lại các phát biểu của Ngoại trưởng Mỹ và Thủ tướng Đan Mạch, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hamid Reza Asefi đã yêu cầu Mỹ và Đan Mạch phải lên tiếng xin lỗi. Ông Asefi nói rằng, những gì xảy ra là phản ứng hết sức tự nhiên, và lời xin lỗi từ phía Mỹ cũng như Đan Mạch có thể giúp xoá bỏ căng thẳng.

Trong khi đó, phản ứng bằng hành động, tờ báo Hamshahiri - một trong những tờ báo lớn nhất của Iran, hôm 13.2 đã mở cuộc thi vẽ tranh biếm họa về vụ thảm sát người Do Thái ở trại tập trung của phátxít Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Còn Tổng Thư ký LHQ Kofi Annan cho là các bức biếm họa "rất thiếu nhạy cảm và có tính chất phỉ báng", nhưng ông kêu gọi các bên cùng đối thoại để giải quyết căng thẳng hiện nay.

Về vấn đề hạt nhân của Iran, hôm 13.2, các thanh tra vũ khí của Tổ chức Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA đã lên đường tới Tehran để kiểm tra niêm phong và thiết bị tại các nhà máy hạt nhân của Iran.

Tổng thống Iran Ahmadinejad hôm 11.2 đe doạ rằng Iran sẽ sớm rút khỏi Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), song một ngày sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Asefi nói Iran vẫn tuân thủ hiệp ước, có điều họ không muốn NPT bị sử dụng như một công cụ chính trị.

Liên quan đến căng thẳng giữa Mỹ và Iran, sự phản ứng trong nội bộ nước Mỹ về cách ứng xử của Chính phủ Mỹ với người Arab đang gia tăng. Tại Diễn đàn Kinh tế Jidda tổ chức ở Saudi Arabia hôm 12.2, cựu Phó Tổng thống Mỹ Al Gore đã chỉ trích Chính phủ Mỹ hà hiếp người Arab sau các vụ khủng bố 11.9.2001.

Ông Al Gore nói, chính quyền Bush đã sai lầm khi cản trở cấp thị thực nhập cảnh cho người Arab, vây ráp và giam giữ họ: "Điều tồi tệ nhất chúng ta có thể làm là cắt đứt các mối liên hệ và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Saudi Arabia và Mỹ".

Ông nhấn mạnh: "Tôi muốn các bạn hiểu rằng điều này không thể hiện mong muốn hoặc tình cảm của đa số người dân Mỹ". Ngoài ra, ông Al Gore đã chỉ trích sự tham nhũng trong giới giáo chức và chính giới ở Iran, đồng thời kêu gọi người Arab hãy phản đối chương trình hạt nhân của Iran.

Theo Vĩnh Nguyên 
Lao động

MỚI - NÓNG