Iran sẽ phá giới hạn trong thỏa thuận hạt nhân

Mỹ cố gắng đổ lỗi cho Iran về vụ tấn công tàu dầu. Ảnh: Reuters
Mỹ cố gắng đổ lỗi cho Iran về vụ tấn công tàu dầu. Ảnh: Reuters
TP - Sau 10 ngày tới, Iran sẽ bỏ giới hạn dự trữ và làm giàu urani theo quy định của thỏa thuận hạt nhân mà nước này đạt được với các cường quốc thế giới, phát ngôn viên cơ quan năng lượng nguyên tử Iran hôm qua tuyên bố, trong bối cảnh Mỹ cáo buộc Iran gây ra vụ tấn công 2 tàu chở dầu trên vịnh Oman.

Hôm qua, ông Behrouz Kamalvandi, người phát ngôn cơ quan năng lượng nguyên tử Iran, đưa ra thông báo mới trong cuộc họp với báo chí địa phương tại cơ sở nước nặng Arak của Iran. Ông Kamalvandi nói Iran sẽ cần urani làm giàu đến tỷ lệ 20%, mức gần hơn cấp độ đủ để chế tạo vũ khí hạt nhân, AP đưa tin. Thỏa thuận hạt nhân quy định mức độ làm giàu urani mà Iran được phép là 3,67%.

Thông báo này cho thấy, Iran quyết phá bỏ thỏa thuận hạt nhân mang tính lịch sử mà nước này đạt được với các cường quốc thế giới năm 2015, sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận từ năm ngoái và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế cứng rắn lên Iran.

Ông Kamalvandi thừa nhận Iran đã tăng gấp bốn lần sản lượng urani và sẽ tăng mức độ làm giàu urani “dựa trên nhu cầu của đất nước”.

Iran cần làm giàu lên mức 5% để nhà máy điện hạt nhân của họ ở cảng Busherh hoạt động, và cũng cần mức 20% để chạy một lò phản ứng hạt nhân ở Tehran, phát ngôn viên cho biết.

Tuần trước, Mỹ cáo buộc Iran dùng mìn nam châm tấn công 2 tàu chở dầu trên vịnh Oman. Mỹ đưa ra đoạn phim đen trắng để khẳng định một tàu của lực lượng Vệ binh cách mạng Iran đang gỡ mìn chưa nổ từ tàu chở dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản.

Bị đồng minh hoài nghi

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox News hôm Chủ nhật vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng tình báo Mỹ có “nhiều số liệu và bằng chứng” cho thấy Iran liên quan đến vụ tấn công, nhưng ông không nói cụ thể như thế nào. Ngoại trưởng Mỹ nói rằng các vụ tấn công vào tàu vận tải “là một thách thức quốc tế, quan trọng đối với toàn cầu”.

Ông Pompeo cho biết ông đã thực hiện nhiều cuộc điện đàm để thuyết phục các lãnh đạo ở châu Á và châu Âu rằng Iran đứng sau các vụ tấn công tàu chở dầu trên tuyến vận tải dầu chủ chốt của Trung Đông, rằng đó là vấn đề mà cả cộng đồng quốc tế, chứ không chỉ riêng Mỹ, cần xử lý.

Nhưng các đồng minh của Mỹ thúc giục chính quyền Trump cần đưa ra bằng chứng cụ thể hơn để chứng tỏ Iran đã tấn công 2 tàu chở dầu nói trên.

Hôm qua tại Brussels, các ngoại trưởng EU nói rằng họ vẫn đang tìm kiếm thông tin xem ai đứng sau vụ tấn công lần này. Đức và các nước khác khẳng định họ cần có một bức tranh rõ ràng hơn trước khi tham gia vào xung đột ngoại giao có thể gây hậu quả nghiêm trọng lên tình hình Trung Đông.

Ngoại trưởng Đức Heiko Maas nói rằng tình báo Mỹ và Anh cần so sánh thông tin với các đồng minh. “Chúng ta cần rất thận trọng”, ông Maas nói.

Bà Federica Mogherini, quan chức phụ trách đối ngoại của EU, nói rằng giờ chưa phải lúc để hành động khi chưa có thông tin chính xác. “Kiềm chế tối đa và khôn ngoan là điều cần thiết”, bà nói.

Chính phủ Nhật Bản cũng cảm thấy chưa đủ thuyết phục. Báo chí Nhật Bản cho biết Tokyo đã đề nghị Washington cung cấp bằng chứng cụ thể hơn để kết luận Iran phải chịu trách nhiệm. “Giải thích của Mỹ chưa giúp chúng tôi vượt qua khỏi suy đoán”, Japan Times dẫn lời một quan chức cấp cao của Nhật. Hoài nghi nổi lên khi Mỹ cáo buộc Iran dùng mìn tấn công 2 tàu chở dầu, trong đó có 1 tàu của Nhật, nhưng các thủy thủ trên tàu của Nhật phủ nhận khả năng tàu bị tấn công bằng mìn. Họ nói con tàu đã bị “các vật thể bay” tấn công.

Tâm lý này các đồng minh của Mỹ xuất phát từ sự hoài nghi vốn có của họ đối với ông Trump, người đã đưa ra nhiều tuyên bố gây nhầm lẫn trước đây. Một số cũng nghi ngờ cố vấn an ninh quốc gia John Bolton hay Ngoại trưởng Pompeo. Ông Bolton là người ủng hộ cuộc xâm lược của Mỹ vào Iraq năm 2003 dựa trên khẳng định sai lầm rằng, nhà lãnh đạo Saddam Hussein sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt.

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
Một bà nội trợ vừa trúng Vietlott 25 tỷ đồng
TPO - Nhận cuộc gọi từ Vietlott thông báo trúng giải 25 tỷ đồng trong lúc chăm sóc con nhỏ tại bệnh viện, chị M. ở Kiên Giang quyết định sẽ sử dụng một phần tiền để trả nợ, chữa bệnh cho con và đón bố mẹ về phụng dưỡng.