IS bôi trơn đế chế dầu mỏ lậu như thế nào

IS đang kiếm hàng triệu USD mỗi ngày từ buôn bán dầu lậu. Ảnh: Sputnik
IS đang kiếm hàng triệu USD mỗi ngày từ buôn bán dầu lậu. Ảnh: Sputnik
Một lái buôn tiết lộ, ở giai đoạn cao điểm mỗi ngày có tới 3000 tấn dầu thô được đưa sang vùng lãnh thổ người Kurd. Từ đây, dầu bí mật được đưa vào Thổ Nhĩ Kỳ và có thể cả Iran.

Sau khi làm chủ một vùng lãnh thổ rộng lớn tại Iraq, các phần tử cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang thu về hàng triệu USD mỗi tuần từ các hoạt động buôn bán dầu mỏ, giới chức Mỹ cho biết. Các cuộc không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nhằm vào các xe chở dầu và cơ sở lọc dầu do IS kiểm soát hầu như không ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của IS, chưa nói đến chuyện ngăn chặn.

Tiền thu từ dầu mỏ là lý do chính nhóm này có khả năng duy trì sự cai trị tại các khu vực IS chiếm đóng. Với nguồn tài chính để tái thiết cơ sở hạ tầng và trả thù lao hậu hĩnh cho các chiến binh, IS có khả năng đối chọi với các nhóm đối địch trên mặt đất, cũng như hơn một năm không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu.

IS thậm chí có thể thuê thiết bị và chuyên gia kỹ thuật từ nước ngoài tới để hỗ trợ hoạt động khai thác dầu mỏ, AP khẳng định. Hiện mỗi ngày nhóm này khai thác khoảng 30.000 thùng dầu thô tại Syria, để bán lậu cho những kẻ trung gian tại Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Iraq, nhóm này sản xuất từ 10.000 - 20.000 thùng một ngày, chủ yếu từ hai giếng dầu bên ngoài thành phố Mosul, Ibrahim Bahr al-Oloum, thành viên ủy ban năng lượng quốc hội Iraq, cựu bộ trưởng dầu mỏ cho biết.

Tổng cộng, nhóm này được tin thu về 40 - 50 triệu USD mỗi tháng từ bán dầu mỏ, ông al-Oloum khẳng định. Một báo cáo mới đây của Diwan al-Rakaaez, cơ quan được mệnh danh là "bộ tài chính" của IS, cho thấy riêng trong tháng 4/2015, doanh số bán dầu tại Syria đạt 46,7 triệu USD. "Bộ tài chính" của IS cho biết, nhóm này đang kiểm soát 253 giếng dầu tại Syria, trong đó 161 đang hoạt động. Có 275 kỹ sư và 1107 công nhân vận hành các giếng dầu này.

Hầu hết dầu mỏ IS khai thác tại Iraq được bán vào khu tự trị của người Kurd với giá thấp hơn thị trường rất nhiều. Sau đó, dầu tiếp tục được bán lại cho các thương nhân Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Nhờ nguồn thu này, IS có thể chi trả chi phí chiến tranh ngày một tăng. Mỗi chiến binh được trả lương 500 USD một tháng, trong khi mỗi chỉ huy được hưởng thù lao tháng là 1.200 USD.

Mỹ từng gây sức ép để các lãnh đạo người Kurd trấn áp hoạt động buôn lậu này, nhưng hiệu quả rất hạn chế. Dầu vẫn đang tìm được đường vào Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria, do IS khôn khéo chuyển từ thị trường này sang thị trường khác, một số kẻ buôn lậu dầu tiết lộ. Những loại dầu thô giá rẻ nhất được đưa sang Jordan.

"Chúng tôi mua một xe chở dầu, khối lượng từ 26 - 28 tấn với giá 4.200 USD. Chúng tôi bán lại tại Jordan với giá 15.000 USD. Mỗi đầu nậu chuyển khoảng 8 xe bồn mỗi tuần", Sami Khalaf, một đầu nậu từng là cựu nhân viên tình báo chính quyền Saddam Hussein tiết lộ với tờ Guardian.

Bôi trơn

Khalaf, sống tại thủ đô Amman của Jordan, cho biết các tay buôn lậu thường chi tiền bôi trơn cho các quan chức biên giới ở mức 650 USD để qua mỗi cửa khẩu.

Các quan chức tình báo Iraq xác nhận việc IS sử dụng tỉnh Anbar, có đường biên giới với Jordan, làm điểm trung chuyển dầu lậu chính. IS kiểm soát ba giếng dầu lớn tại Iraq, gồm Ajeel ở phía bắc Tikrit, Qayara, và Himrin.

Một quan chức tại khu vực Kirkuk do người Kurd kiểm soát cho biết, 435 tấn dầu thô từ mỏ Ajeel tại tỉnh Salahuddin, mới đây được chuyển tới Anbar. Từ đây, dầu được đưa sang Amman, thủ đô Jordan.

Người phát ngôn bộ dầu mỏ Iraq Asim Jihad khẳng định không biết tới hoạt động buôn lậu dầu của IS sang Jordan, nhưng thừa nhận IS xuất khẩu dầu sang Thổ Nhĩ Kỳ từ Syria. "Chúng tôi đã gây sức ép để Thổ Nhĩ Kỳ dừng hoạt động buôn bán này do nó giúp IS trở nên mạnh hơn", Jihad khẳng định.

"Những kẻ trung gian, công ty thương mại, cơ sở lọc dầu, công ty vận tải, và tất cả những ai khác tiếp nhận dầu của IS nên biết rằng chúng tôi luôn nỗ lực tìm ra họ, và rằng chúng tôi có công cụ để ngăn chặn họ", David Cohen, thứ trưởng tài chính Mỹ phụ trách tình báo và chống khủng bố từng tuyên bố.

Trước khi bị IS chiếm giữ, các giếng dầu tại Iraq có thể cung cấp 400.000 -500.000 thùng mỗi ngày, một quan chức tại công ty dầu mỏ nhà nước Iraq North Oil tiết lộ. Đây là công ty từng quản lý các mỏ dầu tại khu vực trước khi bị IS chiếm giữ. Một lái buôn tiết lộ, ở giai đoạn cao điểm mỗi ngày có tới 3000 tấn dầu thô (25.350 thùng) được đưa sang vùng lãnh thổ người Kurd. Từ đây, dầu bí mật được đưa vào Thổ Nhĩ Kỳ và có thể cả Iran.

IS bôi trơn đế chế dầu mỏ lậu như thế nào ảnh 1

Đường IS tuồn dầu giá rẻ sang các nước (chi tiết). Đồ họa: Jihad Money

Sức ép của cộng đồng quốc tế đã khiến hoạt động buôn bán này sụt giảm, nhưng một thành viên quốc hội người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ thừa nhận chưa hoàn toàn chấm dứt.

"Tôi cho rằng các giao dịch phi pháp đã giảm khoảng 50%. Chúng tôi đã bắt giữ một số người có liên quan đến việc mua dầu từ IS. Những người đó từng cung cấp xăng cho IS cùng 250 xe bán tải", ông Mahmoud Haji Omar tiết lộ. Ông cũng cho biết ngay cả các chiến binh dòng Shiite đang chiến đấu chống lại IS cũng hưởng lợi từ đánh thuế các xe chở dầu đi qua lãnh thổ họ kiểm soát.

Karim Hassan, một lái xe 47 tuổi người Arab Hồi giáo dòng Sunni, tiết lộ một thủ lĩnh IS có tên Saud Zarqawi là kẻ được giao phụ trách hoạt động buôn bán dầu. Zarqawi đã thỏa thuận với các thủ lĩnh bộ lạc dòng Sunni, cùng các cá nhân có ảnh hưởng khác tại khu vực Mosul. Các thủ lĩnh này khôi phục những mạng lưới lái buôn người Kurd sẵn có để đưa dầu vào Mosul, Iraq.

Với hơn 13 năm kinh nghiệm vận chuyển dầu, Hassan cho biết ông vẫn ngạc nhiên trước việc IS có thể nhanh chóng đưa các giếng dầu vào hoạt động. Sau khi hỏi dò các mối liên lạc trong ngành tại Mosul, Hassan được biết IS đã đưa 2 kỹ sư dầu mỏ từ Syria sang Iraq, giúp khôi phục hoạt động các giếng dầu.

"Những lái buôn người Kurd chấp thuận mua dầu với giá bằng một nửa giá thế giới, và chi 1.500 USD cho mỗi xe chở dầu đi qua các chốt kiểm soát của chiến binh người Kurd tại khu vực Kirkuk, Makhmour, Daquq và Tuz Khormato", Hassan cho biết.

Bản thân Hassan cũng được những người làm ăn với IS trả tới 300 USD mỗi chuyến khứ hồi, so với giá 120 - 150 USD trước đây. Dầu sau đó được bán cho thương lái Thổ Nhĩ Kỳ và Iran.

Trong khi đại đa số chiến binh người Kurd đang chiến đấu chống IS tại miền bắc Iraq, một số sỹ quan tham nhũng trong lực lượng này lại tiếp tay cho hoạt động buôn lậu dầu của IS.

Nihad Ghafar, người có hơn 7 năm kinh nghiệm vận chuyển dầu thô, cho biết ông đã nhận dầu từ khu vực Hemrin do IS kiểm soát, và đưa tới Qoshtapa - một huyện cách thủ phủ Erbil của người Kurd khoảng 30 km về phía nam. Đây là nơi hầu hết dầu lậu được đưa tới để lọc.

"Chúng tôi không dừng lại khi đi qua chốt kiểm soát của người Kurd, bởi các thương nhân người Kurd đã có thỏa thuận trước với chỉ huy các chốt kiểm soát", Ghafar nói.

Ahmad Askari, một thành viên ủy ban an ninh của hội đồng tỉnh Kirkuk cho biết, những người đã mua dầu từ IS có thể bị kết tội theo luật chống khủng bố, với án phạt cao nhất là tử hình. Dù vậy, một quan chức an ninh tại miền nam Kirkuk tiết lộ cấp trên chưa có hành động nào đối với những người dính líu đến mua bán dầu lậu, do không muốn làm xấu hình ảnh chiến binh người Kurd.

Các cuộc không kích tại Iraq và Syria nhằm vào các cơ sở lọc dầu, cùng việc trấn áp buôn bán dầu lậu đã dẫn tới giá nhiên liệu và xăng tại Mosul tăng. Đây chính là thách thức lớn cho lực lượng chiến binh người Kurd trong việc kiểm soát khu vực trung tâm đô thị lớn nhất của nhóm này.

"Có nhiều xe tải và xe chở dầu đậu bên lề mọi con đường tại Mosul, bán đủ loại xăng: màu đen, đỏ, trắng và vàng với chất lượng thấp", một cư dân Mosul cho biết. Khi được hỏi liệu có nhiều người trong các đường dây buôn lậu bị bắt, lái buôn người Kurd cho biết: "Những con cá nhỏ luôn bị bắt, nhưng cá lớn thì luôn trốn thoát".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.