IS cài điệp viên vào phiến quân do Mỹ hậu thuẫn như thế nào

Chiến binh IS. Ảnh: Nashir
Chiến binh IS. Ảnh: Nashir
IS có cơ quan tình báo riêng, với thủ đoạn tinh vi nhằm cài người vào "phía sau chiến tuyến địch", trong đó có cả phiến quân Syria được Mỹ hỗ trợ.

Theo The Daily Beast, Abu Khaled, từng thuộc "ban an ninh" của Nhà nước Hồi giáo (IS), nhận nhiệm vụ huấn luyện chiến binh jihad và các tay súng nước ngoài. Anh ta tiết lộ đơn vị an ninh của IS bao gồm 4 nhánh riêng biệt, với nhiệm vụ riêng.

Amn al-Dakhili có nhiệm vụ tương tự như "bộ nội vụ" của IS, phụ trách đảm bảo an ninh cho các thành phố.

Amn al-Askari, hay tình báo quân đội của IS, làm nhiệm vụ trinh sát và phân tích vị trí, năng lực chiến đấu của kẻ thù.

Amn al-Kharji là đơn vị tình báo "nước ngoài", với các nhân viên mật được cài cắm vào "phía sau chiến tuyến địch" để tiến hành hoạt động tình báo, lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch khủng bố. Nhưng "chiến tuyến địch" không chỉ là các quốc gia và thành phố phương Tây, mà còn là bất kỳ khu vực nào tại Syria do Quân giải phóng Syria (FSA) hoặc chính quyền Tổng thống Syria Assad kiểm soát. FSA là phiến quân chống chính phủ tại Syria được Mỹ hậu thuẫn và cung cấp vũ khí.

Điều này có ý nghĩa then chốt trong cách thức tổ chức này "mở rộng" tại Syria và Iraq. Chúng phái những phần tử nằm vùng tuyển mộ những nhân viên mật hoặc kẻ cung cấp thông tin, về các nhóm đối thủ. Abu Khaled nhấn mạnh rằng, chính nhờ những mánh lới cài người, đã giúp IS mở rộng lãnh địa với tốc độ chóng mặt và kiểm soát chúng, và chẳng cần dùng hành động vũ lực.

Vài tháng trước, tờ Der Spiegel của Đức có bài viết dựa trên những tài liệu nội bộ của IS bị thu giữ, cho thấy sự phân chia nhiệm vụ tỉ mỉ trong các cơ quan an ninh của nhóm cực đoan.

"Các 'điệp viên tình báo' của IS hoạt động như sóng tín hiệu địa chấn, được phát đi để lần tìm những vết rạn nứt nhỏ nhất, cũng như những đứt gãy lâu ngày nằm sâu trong lòng xã hội. Tóm lại, chúng tìm kiếm bất kỳ thông tin nào có thể được sử dụng để gây chia rẽ hoặc khuất phục dân cư địa phương", bài báo trên Der Spiegel có đoạn. "Những gia đình thượng lưu ở đâu? Họ kiếm tiền bằng cách nào? Có đứa con trai nào của họ giấu chuyện mình là người đồng tính không? Có thể làm gì để tống tiền, khiến họ phải phục tùng?".

Toàn bộ những cơ quan này được trao những quyền bán tự chủ nhất định, thường được giao nhiệm vụ giám sát xem những cơ quan còn lại làm gì. "Một phòng tình báo tổng hợp báo cáo thông tin lên "thủ lĩnh an ninh" khu vực. Thủ lĩnh này lại quản lý cấp phó tại các quận, huyện. Những tên phó thủ lĩnh nhận báo cáo từ những kẻ đứng đầu mỗi nhóm điệp viên bí mật và các viên quản lý tình báo ở trong quận đó. Mục đích của hệ thống phân cấp này là tất cả đều chịu sự giám sát của người khác".

Cấu trúc này khiến người ta liên tưởng tới cơ quan tình báo Liên Xô KGB hoặc tình báo Đông Đức cũ (Stasi). Đây không phải sự trùng hợp ngẫu nhiên bởi nhiều quan chức hàng đầu IS là các cựu thành viên lực lượng tình báo của chính quyền Saddam Hussein trước đây. Không ít trong số này được đào tạo trong các cơ quan an ninh khối Hiệp ước Warsaw. Haji Bakr, kẻ đặt nền móng cho IS tại Syria, trước khi bị tiêu diệt từng là đại tá trong cơ quan tình báo phòng không của Saddam. Abu Khaled khẳng định cơ quan đáng sợ mà Haji Bakr xây dựng đã lớn mạnh rất nhiều từ đó.

"Một tuần trước khi tôi đào tẩu, tôi đã ngồi cùng Abu Abd Rahman al-Tunisi, kẻ đứng đầu Amn al-Kharji. Họ biết rõ điểm yếu của FSA. Al-Tunisi nói với tôi rằng: 'Chúng ta sẽ huấn luyện những người chúng ta biết như các tuyển mộ viên, người dân Syria…Chúng ta thu nạp, huấn luyện, điều họ trở về quê nhà và cho họ 200.000 - 300.000 USD. Do họ có tiền, FSA sẽ phân họ vào những vị trí quan trọng'".

"Đây chính là cách IS kiểm soát Syria", Abu Khaled nói. "Chúng có xưởng tại những ngôi làng và khu vực mà FSA kiểm soát, và người của chúng cũng nằm vùng trong FSA".

Nói cách khác, không phải toàn bộ những người được xem là đồng minh của Mỹ thực sự đúng như vẻ bề ngoài, Abu Khaled nói. Một số người bị thao túng bởi những kẻ bí mật làm việc cho IS.

Phản gián

Abu Khaled là thành viên của Amn al-Dawla, hay "cơ quan an ninh quốc gia" của IS. Đây là lực lượng chịu trách nhiệm triển khai các chiến dịch phản gián, như loại trừ mọi điệp viên của FSA, chính quyền Assad, phương Tây hoặc các nước khác trong khu vực. Amn al-Dawla cũng nghe lén liên lạc nội bộ (các cuộc điện thoại hoặc kết nối Internet), và duy trì chương trình giam giữ khét tiếng của tổ chức này.

Mohammed Emwazi, kẻ sinh ra tại Anh, được truyền thông gán biệt danh "phiến quân John" vì hắn là người cầm dao xuất hiện trong video chặt đầu con tin phương Tây, cũng là thành viên của Amn al-Dawla.

"Khi bất kỳ ai trong 4 nhánh này làm nhiệm vụ, họ đều bịt mặt", Abu Khaled nói. Nhưng đôi khi sự hào hứng với truyền thông khiến IS nhận hậu quả. Theo Khaled, danh tính của Emwazi được xác nhận sau khi một kẻ cung cấp tin cho một nước trong khu vực có được đoạn băng ghi lại cảnh tên khủng bố người Anh chạy quanh Raqqa mà không che mặt. Hình ảnh này sau đó được gửi tới London.

Trong khi các đặc vụ trong 4 nhánh an ninh thường là người Syria, thủ lĩnh của chúng lại là người nước ngoài. Abu Khaled không thể lí giải điều này, nhưng kẻ cầm đầu lực lượng an ninh thường là người Palestine đến từ dải Gaza.

Cũng giống như bất kỳ chính quyền hành chính nào, việc phân chia lãnh địa khiến chủ nghĩa bè phái nảy nở cùng với sự đấu đá nội bộ. "Chúng tôi chia thành quân đội và lực lượng an ninh", Abu Khaled nói. "Hai bên không hề ưa nhau. Khi tôi huấn luyện với bên an ninh, bạn bè tôi bên quân đội thường nói 'giờ cậu làm việc cho lũ bội đạo à?'".

Nhiệm vụ chính của Abu Khaled là huấn luyện lực lượng an ninh địa phương ở tiền tuyến cho thành phố Al-Bab. Việc này diễn ra tại một trại huấn luyện nằm cách thành phố khoảng 5 km về phía bắc và công việc rất căng thẳng. Tỉnh dậy lúc 5h30 sáng, các chiến binh cùng nhau rèn thể lực trong một giờ. Abu Khaled đến nơi huấn luyện lúc 7h và giảng dạy cho tới chiều. Y dạy các chiến thuật trên chiến trường và kiến thức tác chiến, như làm cách nào để đảm bảo an toàn vòng ngoài hoặc thực hiện một cuộc tấn công.

Sau đó, các chiến binh được nghỉ ngơi hai giờ trước khi trở lại huấn luyện. Đến 17h30, chúng được cho nghỉ, nhưng không trở về trại lính. "Những người đó sẽ quay trở lại nơi họ đã ngủ, bởi qua đêm trong trại không an toàn", Abu Khaled giải thích.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG