IS cho phép thu hoạch nội tạng nạn nhân

IS đã mở rộng hoạt động sang cả Afghanistan. Ảnh: Getty Images
IS đã mở rộng hoạt động sang cả Afghanistan. Ảnh: Getty Images
TP - Lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) cho phép thu thập nội tạng từ con tin còn sống, dẫn đến lo ngại nhóm cực đoan này đang tham gia buôn bán tạng  người, Reuters công bố một điều tra đặc biệt.

Theo một tài liệu đề ngày 31/1/2015, IS cho phép lấy nội tạng từ con tin còn sống để cứu mạng người Hồi giáo, cho dù hành động này dã man với nạn nhân. Reuters hiện chưa thể xác thực tài liệu mà giới chức Mỹ nói là được đặc nhiệm nước này tìm thấy trong đợt đột kích ở miền đông Syria hồi tháng 5/2015.

“Mạng sống và nội tạng của những kẻ bội giáo không đáng được tôn trọng và có thể bị tước đoạt”, tài liệu viết. Tài liệu được in dưới hình thức án lệnh và có nguồn gốc từ Hội đồng Nghiên cứu và Án lệnh Nhà nước Hồi giáo (IS). Theo bản dịch từ chính phủ Mỹ, án lệnh số 68 “không cấm lấy những loại nội tạng có thể khiến con tin mất mạng”. Án lệnh số 64 đề ngày 29/1/2015 quy định chi tiết về cưỡng hiếp, mô tả khi nào một người đàn ông Hồi giáo có thể hoặc không thể quan hệ tình dục với nữ nô lệ.

Nhưng tài liệu không cung cấp bằng chứng chứng tỏ IS thực sự tham gia thu thập hay buôn bán nội tạng. Nó cho thấy IS ủng hộ hành động này, vốn bị phần lớn người Hồi giáo phản đối. Iraq từng cáo buộc IS thu thập nội tạng người rồi buôn lậu để kiếm lời. Tài liệu cũng không định nghĩa “kẻ bội giáo” là gì dù IS đã sát hại hoặc bỏ tù nhiều người không theo Hồi giáo như Cơ đốc giáo, thậm chí Hồi giáo dòng Shiite và cả người Hồi giáo dòng Sunni không tuân theo tư tưởng cực đoan.

Trong đợt đột kích ở Syria hồi tháng 5, đặc nhiệm Mỹ đã tiêu diệt trùm tài chính IS Abu Sayyaf và bắt vợ tên này, thu giữ nhiều dữ liệu lưu trữ trong ổ cứng máy tính, USB, CD, DVD cũng như trên giấy tờ. Ông Brett McGruk, Đại sứ đặc biệt của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Liên minh quốc tế chống IS, cho biết, Abu Sayyaf là phiến quân người Tunisia, tên thật là Fathi ben Awn ben Jildi Murad al-Tunisi. Mỹ đã chia sẻ với các đồng minh một số thông tin thu được trong cuộc đột kích này để tăng cường hiểu biết về IS.

Ông William McCants, học giả Viện Brookings (Mỹ), nói quy định của IS về nội tạng con người và nô lệ không phải là cách diễn giải Hồi giáo hiện đại. Giới chức Mỹ nhận định, các tài liệu thu được trong đợt đột kích giúp Washington có cái nhìn sâu về cách thức IS tổ chức, kiếm tiền và áp đặt pháp luật lên các thành viên.

Ông Mohamed Ali Alhakim, Đại sứ Iraq ở Liên Hợp Quốc, cho rằng, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên xem xét tài liệu như bằng chứng chứng tỏ IS có thể đang buôn lậu nội tạng để kiếm tiền. Trước đó, ông Alhakim kêu gọi Hội đồng Bảo an điều tra cái chết của 12 bác sĩ trong thành phố Mosul - nơi đang bị IS kiểm soát. Ông Alhakim cho rằng, họ bị hành quyết vì từ chối cắt bỏ nội tạng con tin của IS. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Iraq Nickolay Mladenov cho biết, ông không thể xác thực thông tin nhưng sẽ điều tra. Liên Hợp Quốc hiện chưa cập nhật thông tin về quá trình này.

IS tấn công ở Pakistan, Afghanistan?

New York Times đưa tin, quân đội Iraq đang khép chặt vòng vây và chuẩn bị giải phóng thành phố Ramadi. Đây là thủ phủ của Anbar, tỉnh lớn nhất Iraq, nơi có đông đảo người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống. IS chiếm được Ramadi sau một chiến dịch tấn công nhanh hồi tháng 5, và biến thành phố này thành một trong những sào huyệt ở Iraq - nơi phiến quân nhận được sự ủng hộ không nhỏ của nhiều người dân Sunni bản địa. Để mất Ramadi sẽ là một thất bại nặng nề đối với IS, nhất là khi phiến quân vừa phải rút khỏi nhiều khu vực lớn ở Iraq.

Hôm qua, hãng thông tấn Hồi giáo Afghanistan có trụ sở tại Pakistan đưa tin, IS vừa công bố một đoạn video quay 12 vụ tấn công và các vụ việc liên quan tại Pakistan và Afghanistan. Đoạn video dài 12 phút có tiêu đề “Khorasan: Nghĩa địa của những kẻ bội giáo - 1” được đăng trên mạng xã hội. Một lãnh đạo NATO nói rằng, các tay súng nước ngoài từ Syria và Iraq đang tăng cường gia nhập IS hoạt động ở Afghanistan, nhằm thành lập một căn cứ ở phía đông thành phố Jalalabad, tỉnh Nangarhar, giáp biên giới với Pakistan.

MỚI - NÓNG