IS thả con tin với giá rẻ vì túng tiền

Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) diễu hành trên đường phố Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters.
Phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) diễu hành trên đường phố Raqqa, Syria. Ảnh: Reuters.
Nhà nước Hồi giáo hiện phải giảm lương của chiến binh, yêu cầu dân chúng trả phí sinh hoạt bằng USD chợ đen, thậm chí đồng ý thả con tin với giá rẻ vì thiếu tiền.

Theo lời kể từ cư dân Raqqa, trung tâm đầu não của Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nhóm cực đoan ngày nào từng mạnh miệng tuyên bố đúc đồng tiền riêng để phục vụ mọi hoạt động của nhà nước tự xưng lúc này phải chật vật đối phó với khủng hoảng tài chính. Đòn không kích dồn dập của Nga và liên quân do Mỹ dẫn đầu, kết hợp với một số biện pháp khác, đã khiến IS thiệt hại hàng triệu USD, góp phần làm suy giảm nguồn tiền nuôi sống tổ chức.

Lúc tiềm lực còn dồi dào, IS không ngại ngần vung tiền lôi kéo thành viên bằng mức lương trên trời, các kỳ nghỉ xa xỉ hoặc những vật dụng đắt tiền. Nhưng nay, tất cả không còn nữa. Nhóm thậm chí còn ngừng cung cấp miễn phí cả nước tăng lực hay những thanh kẹo chocolate rẻ tiền.

Tại trung tâm các vùng đô thị nơi IS chiếm đóng, tình trạng lạm phát và thiếu thốn nhu yếu phẩm rất phổ biến, AP dẫn lời những người bỏ trốn khỏi tổ chức cho biết. Theo các nhà phân tích, trước tình cảnh khó khăn, IS đang ráo riết tìm kiếm nguồn tiền thay thế để trang trải cho các hoạt động tốn kém của mình. Libya là một mục tiêu trong tầm ngắm.

"Không chỉ các chiến binh IS mà cả những viên chức làm việc tại tòa án hay trường học cũng bị cắt 50% lương", một nhà hoạt động có đầu mối liên lạc ở Raqqa cho hay. Ông này hiện sống ở thành phố Gaziantep, Thổ Nhĩ Kỳ.

Nhưng số tiền tiết kiệm được vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì IS phải bỏ ra để trả cho các thành viên và thay thế một lượng lớn vũ khí bị phá hủy hay hư hỏng trên chiến trường. Hai khoản chi này chiếm tới 2/3 ngân sách IS, ông Aymenn Jawad al-Tamimi, nhà nghiên cứu tại Diễn đàn Trung Đông, chuyên theo dõi các tài liệu của IS, ước tính.

IS hai tuần gần đây bắt đầu áp dụng luật chỉ nhận USD khi đi thu các loại "thuế" hay phí điện nước, nhà hoạt động ở Raqqa với mật danh Abu Ahmad, cho hay. "Tất cả đều phải trả bằng USD", ông nói.

Một tài liệu do IS công bố cũng nêu rõ "để đối phó với tình thế hiện tại, tổ chức quyết định giảm nửa lương chiến binh, không ai được miễn trừ, bất kể cấp bậc, chức vụ".

Theo giới quan sát, khó khăn lớn nhất mà IS phải đối mặt lúc này là việc giá dầu thế giới sụt giảm sâu. Trong khi đó, tiền kiếm từ hoạt động buôn lậu dầu mỏ là một trong những nguồn thu chính của nhóm. Ngoài ra, chiến dịch không kích của phương Tây thời gian qua cũng đã phá hủy nhiều kho tiền, cắt đứt các tuyến hậu cần huyết mạch, khiến IS càng lâm vào cảnh khốn đốn.

Các cuộc tấn công của quân đội chính quyền Syria ở Aleppo, dưới sự hậu thuẫn của Nga, cũng góp phần gia tăng đáng kể áp lực dồn lên IS. Binh sĩ chính phủ và dân quân đồng minh đang từng bước áp sát những thị trấn quan trọng ở Aleppo, buộc chiến binh IS phải đưa người thân tới Raqqa.

IS thả con tin với giá rẻ vì túng tiền ảnh 1

Người dân Raqqa cho hay IS hiện phải cắt giảm lương và bãi bỏ một số đãi ngộ đặc biệt đối với các chiến binh vì khó khăn tài chính. Ảnh minh họa: Reuters.

Một người đàn ông mang họ Oussama trốn chạy khỏi thị trấn al-Bab của Aleppo cho hay những chiến binh IS cấp thấp bắt đầu phàn nàn về tình cảnh khó khăn mà họ phải chịu đựng. Dân chúng trong thị trấn cũng râm ran bàn tán về việc họ nghe thấy các đầu lĩnh IS thảo luận chuyện những cơ sở khai thác dầu mỏ, các tuyến hậu cần quan trọng và nguồn thu của tổ chức đang bị tê liệt vì đòn không kích.

Theo Oussama, hàng chục người dân ở al-Bab đã bỏ trốn, phớt lờ mệnh lệnh từ các tay súng cực đoan. "Bạn có thể cảm nhận rõ ràng sự thất vọng của những chiến binh này, tinh thần của họ đang đi xuống", ông nói.

Một cư dân từng sống ở Raqqa hiện lưu trú tại Beirut tiết lộ anh đang phải gửi tiền về quê để giúp gia đình trang trải cuộc sống. Giá cả gia tăng với tốc độ chóng mặt, đặc biệt là giá rau củ và đường.

Một người khác, hiện sống ở Gaziantep, cho hay con đường dẫn tới Mosul hồi cuối năm ngoái bị chặn nên giá cả từ đó đến nay cứ liên tục tăng. Giá khí đốt đã tăng 25%, thịt tăng 70%, đường tăng gấp đôi.

Theo một người dân sống tại thành phố Fallujah, Iraq, các chiến binh IS từng nhận lương 400 USD mỗi tháng gần đây không được trả đồng nào. Khẩu phần ăn của họ cũng bị cắt xuống còn hai bữa một ngày.

IS túng thiếu đến nỗi chỉ cần nhận được 500 USD, tổ chức này sẵn sàng trả tự do cho một tù nhân, một gia đình ở Fallujah kể.

Theo miêu tả của cư dân Mosul, thành trì của IS tại Iraq, nhóm cũng bắt đầu tiến hành phạt tiền những người vi phạm quy định ăn mặc mà tổ chức đề ra. Trước đây, IS trừng phạt họ bằng phương pháp quất roi. Nhiều người cho rằng đây là một cách để IS đối phó với khó khăn tài chính.

Nhóm nghiên cứu an ninh Soufan nhận định IS đang tìm kiếm nguồn tiền thay thế ở Libya, nơi tổ chức này chịu ít áp lực hơn cũng như không phải chống chọi với đòn không kích.

Tuy nhiên, như lời kể của một người bỏ trốn khỏi Raqqa, các chiến binh IS hiện vẫn có đầy đủ thức ăn và điện miễn phí. Al-Tamimi cho rằng "đây không phải vấn đề quá nghiêm trọng đối với IS" bởi ông chưa thấy những "dấu hiệu của sự nổi loạn từ bên trong". Theo al-Tamimi, IS chỉ đang suy yếu một cách rất chậm rãi.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.