Israel đang lặp lại vòng luẩn quẩn bế tắc

Israel đang lặp lại vòng luẩn quẩn bế tắc
TP - Ngày 14/7, ngày thứ 3 liên tiếp Israel tiến hành đồng thời 2 mặt trận gồm chiến tranh với Libăng ở phía bắc và với Palestine ở Dải Gaza phía nam. 
Israel đang lặp lại vòng luẩn quẩn bế tắc ảnh 1
Một góc Israel

Tel Aviv đã sử dụng cả 3 lực lượng hải, lục, không quân để tấn công Libăng với mức độ ngày càng ác liệt.

Phía Israel đưa các tầu hải quân ra phong tỏa hoàn toàn đường biển của Libăng trên Địa Trung Hải.Trên bộ xe tăng, trọng pháo, bộ binh tràn qua biên giới tiến vào phía nam Libăng, bắn dữ dội vào các mục tiêu mà Tel Aviv gọi là các căn cứ của lực lượng Hezbollah

Trên không máy bay giội bom và tên lửa nhiều lần xuống sân bay quốc tế Beirut, cắt đứt nhiều đoạn đường giao thông huyết mạch chính nối giữa thủ đô Beirut của Libăng với Damascus của Syria, đánh sập nhiều cầu cống, phá hủy nhà máy điện, kho xăng dầu,  và một đài phát sóng truyền hình ở thung lũng Bekaa- căn cứ chính của Hezbollah.

Phía Libăng đáp trả bằng súng phòng không nhằm vào máy bay Israel;  Hezbollah bắn hơn 100 quả tên lửa qua biên giới rơi sâu vào lãnh thổ Israel, trúng các thành phố Nahariya, Safed, Haifa gây ra một số thương vong và thiệt hại nhất định cho phía Israel.

Trên mặt trận Dải Gaza, tình hình chiến sự cũng tương tự như mặt trận Libăng nhưng qui mô cuộc chiến nhỏ hơn.

Sau 3 ngày chiến tranh diễn ra toàn diện trên hai mặt trận nói trên, số người chết của 3 bên tham chiến lên đến gần 100 người, trong đó chủ yếu là dân thường. Tuy nhiên, thiệt hại về vật chất mà Israel gây ra đối với Libăng và Palestine rất nặng nề.

Có thể nói chiến tranh của Israel lần này đã phát triển đến qui mô khu vực hẹp ở Trung Đông. Nhiều người đã bị sốc trước phản ứng thái quá của Tel Aviv đối với hai nước láng giềng Arập. Israel nói hành động quân sự của họ  là một thông điệp mạnh mẽ rằng nếu ai đụng đến nước Do Thái sẽ phải trả giá đắt gấp nhiều lần.

Tuy nhiên, người ta không thể ủng hộ hành động bạo lực đẫm máu lần này của Tel Aviv.  Mặc dù đã có ban lãnh đạo mới, Israel vẫn chưa thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn của chính sách dựa trên sức mạnh đối với các nước Arập láng giềng.

Một điều đáng chú ý là Israel chọn thời điểm để mở cuộc chiến tranh lần này đúng vào lúc Hội nghị thượng đỉnh G-8 sắp khai mạc ở Saint Petersburg (LB Nga).

Các cường quốc, đặc biệt là EU và Nga  có thể vì không muốn Hội nghị thượng đỉnh G-8 thất bại nên đã có phản ứng không mạnh như những trường hợp tương tự trước đây.

Đã 3 ngày chiến tranh trôi qua ác liệt nhưng các nước này mới chỉ bày tỏ sự lo ngại chứ không phản ứng sôi sùng sục như đối với các cuộc chiến tranh Trung Đông trước đây.

Tại Liên Hợp Quốc lại một lần nữa Mỹ sử dụng quyền phủ quyết để bác một dự thảo nghị quyết do các nước Arập bảo trợ đòi Israel phải ngừng hành động quân sự ở Dải Gaza chứ chưa kịp đề cập đến cuộc chiến với Libăng.

Mỹ cho rằng Israel có quyền tấn công các lực lượng khủng bố, chỉ khuyên Tel Aviv đừng làm yếu chính phủ Libăng hiện nay.

Phía Liên đoàn Arập do đang bị chia rẽ sâu sắc nên cũng phản ứng cũng không mạnh như trước đây. Ngăn chặn chiến tranh nóng đòi hỏi phải khẩn trương như cứu hỏa thế mà Liên đoàn Arập sau 3 ngày mới đưa ra một kế hoạch triệu tập hội nghị khẩn cấp các ngoại trưởng khối Arập tại Cairo (Aicập) để tìm giải pháp là quá chậm.

Syria và Iran được chờ đợi là sẽ có phản ứng mạnh mẽ nhưng cho đến nay vẫn chưa có hành động nào mạnh mẽ hơn những lời tuyên bố. Tổng thống Iran Mahmoud Amadinejad chỉ đưa ra cảnh báo nếu Israel đụng đến Syria điều đó sẽ được coi như sự tuyên chiến với cả thế giới Arập và Tel Aviv sẽ phải hứng chịu sự đáp trả khủng khiếp.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan cũng chỉ mới bày tỏ lo ngại sâu sắc và cử 3 quan chức sang Trung Đông tìm giải pháp chứ chưa có nghị quyết nào buộc Israel phải ngừng ngay các hành động quân sự tại hai nước láng giềng. 

Hezbollah theo tiếng Arập có nghĩa là “đảng của Chúa”. Lực lượng này được thành lập năm 1982, hiện có hai ghế trong chính phủ Libăng. Hezbollah và Hamas của Palestine có chính sách cực đoan, không công nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái ở Trung Đông.

Việc Israel đưa bộ binh và không quân tấn công cả Libăng và Palestine lần này đều bắt nguồn từ một nguyên nhân trực tiếp giống nhau là các binh lính Israel bị các lực lượng vũ trang cực đoan Arập bắt sống.

Cụ thể là lực lượng Hamas ở Dải Gaza bắt sống một người lính trẻ của Israel còn lực lượng Hezbollah của Libăng vượt biên giới sang phía Israel bắt cóc hai người lính khác.

Điều đó chứng tỏ cuộc chiến tranh của Israel lần này không khác mấy so với các cuộc xung đột quân sự đã kéo dài nhiều thập kỷ qua giữa Israel và thế giới Arập.

Cách tiếp cận vấn đề theo  kiểu cũ của cả hai phía làm cho cuộc xung đột lần này lặp lại gần như hoàn toàn vòng xoáy bạo lực trước đây. Cách tiếp cận đó chỉ càng làm cho việc tìm kiếm hòa bình ở Trung Đông lâm vào bế tắc của vòng luẩn quẩn đã tồn tại hơn nửa thế kỷ qua mà thôi.

MỚI - NÓNG