“Israel và Palestine nên làm như Việt Nam”

TP - Đó là phát biểu của Đại sứ Israel tại Việt Nam, bà Meirav Eilon Shahar, trong cuộc trao đổi riêng với phóng viên Tiền Phong ngày 27/10. Đại sứ Israel cũng đánh giá rất cao bản lĩnh và cách xử lý khủng hoảng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
“Israel và Palestine nên làm như Việt Nam” ảnh 1

Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar. Ảnh: Như Ý

Đại sứ Shahar nêu rõ, quan hệ giữa Việt Nam và Israel đang phát triển hết sức tốt đẹp trên các lĩnh vực kinh tế, nước sạch, tưới tiêu, năng lượng, viễn thông, y học, văn hóa, quốc phòng… Quan hệ hợp tác giữa chính phủ với chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp, giao lưu nhân dân đều phát triển mạnh mẽ. Nhiều chuyên gia Israel đã tới Việt Nam làm việc trong các lĩnh vực khác nhau. Việt Nam là một quốc gia có vị thế quan trọng và Israel xem Việt Nam như đầu cầu để bước vào khối ASEAN, bà Shahar nói.

Đại sứ Shahar cho biết, Israel đang tập trung hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực phát triển khởi nghiệp. “Tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ bắt đầu dấn thân vào con đường khởi nghiệp. Tháng 12 tới, chúng tôi sẽ mời 24 doanh nhân Việt Nam sang Israel. Khi phỏng vấn những người đó, tôi luôn mong muốn có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu những ý tưởng sáng tạo của họ”, bà bộc bạch.

 “Hiện công dân Việt Nam sang Israel chủ yếu là hợp tác kinh tế, giao thương, chứ chưa đi du lịch nhiều. Tôi hy vọng, thời gian tới, quan hệ Israel-Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh mẽ hơn nữa”, bà Sahhar nói.

Xử lý khủng hoảng

Về đợt bùng phát bạo lực mới đây giữa người Palestine và Israel, bà Shahar nói rằng, nguyên nhân là do tranh chấp ở Núi Đền. Thủ tướng Israel nói rằng, Bức tường Than khóc ở phía tây Jerusalem thuộc về Israel, và người Israel có quyền đến đó để cầu nguyện. Tuy nhiên, tất cả mọi người, tín đồ thuộc mọi tôn giáo (Phật giáo, Hồi giáo, Do Thái giáo, Thiên chúa giáo…) đều có thể tới đó để cầu nguyện hoặc tham quan. 

Bạo lực đã xảy ra khi một số người Palestine cho rằng, phía Israel mưu toan chiếm đoạt ngôi đền, thay đổi nguyên trạng, cấm người Palestine vào hành lễ tại địa điểm linh thiêng đó. Bà Shahar nhấn mạnh, chính phủ Israel cam kết rằng, không muốn quan hệ Israel-Palestine xấu đi và cũng không có ý định thay đổi việc sử dụng ngôi đền Hồi giáo al-Aqsa. 

Bà nói: “Để giải quyết xung đột thì cả Mỹ hay Liên Hợp Quốc đều không thể làm nổi, mà vấn đề chỉ có thể được giải quyết nhờ chính lãnh đạo Israel và Palestine. Chỉ khi hai bên có thể ngồi lại với nhau để đàm phán một cách chân thành mới có thể giải quyết được mâu thuẫn, khôi phục lại hòa bình, an ninh”.

Đại sứ Shahar nói rằng, khi có kích động xảy ra thì cần phải thảo luận để giúp giảm căng thẳng và chính những người lãnh đạo phải có trách nhiệm làm dịu bớt tình hình căng thẳng. 

“Tôi đánh giá rất cao phương cách xử lý khủng hoảng của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi xử lý công luận và an dân trong thời điểm căng thẳng Trung Quốc kéo giàn khoan vào vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam năm 2014. 

Thủ tướng Việt Nam đã có sáng kiến gửi tin nhắn điện thoại đến người dân, kêu gọi mọi người bình tĩnh, khiến cho tình hình bớt nóng, người dân yên tâm hơn và cuối cùng mọi việc đã được giải quyết tốt đẹp. Tôi nghĩ đó là việc Israel và Palestine nên làm lúc này”, bà nói.

Israel đang thúc đẩy quan hệ kinh tế, văn hóa với Việt Nam. Trong năm 2015, hằng tháng, Israel tổ chức một chương trình giao lưu văn hóa: triển lãm phim ảnh vào tháng 8, festival múa tháng 9, triển lãm ảnh tháng 10… Tháng 11 sẽ có một nghệ sĩ dương cầm người Israel sang biểu diễn tại Việt Nam. Bà Shahar cho biết, Festival Huế năm tới sẽ có các nghệ sĩ Israel tham dự.

MỚI - NÓNG