Italia trải thảm đỏ đón ông Tập Cận Bình

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu Nhân khi đến Rome hôm 21/3. (Ảnh: CNN)
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu Nhân khi đến Rome hôm 21/3. (Ảnh: CNN)
TPO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang có chuyến thăm Rome, nơi ông dự kiến sẽ chứng kiến lễ ký kết để đưa Ý trở thành nền kinh tế lớn nhất từ trước đến nay tham gia dự án hạ tầng Vành đai Con đường do Trung Quốc khởi xướng.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một chủ tịch Trung Quốc đến Ý trong 10 năm qua, và chính phủ Ý đang trải thảm đỏ đón ông Tập theo nghi lễ tiếp đón Tổng thống Mỹ Donald Trump vào năm 2017. 

Hầu như toàn bộ khu vực trung tâm lịch sử của Rome sẽ được coi là “vùng đỏ”, nghĩa là được bảo vệ an ninh nghiêm ngặt và giới hạn tiếp ận đối với người dân, để đón tiếp phái đoàn 200 người tháp tùng ông Tập.

Ngoài ra, những chuyến thăm riêng đến các bảo tàng lịch sử và danh thắng du lịch khác cũng đã được chuẩn bị cho ông Tập và Phu nhân Bành Lệ Viện. 

Ca sĩ opera Andrea Bocelli sẽ biểu diễn phục vụ ông bà Tập tại quốc yến do Tổng thống Ý Sergio Mattarella tại Dinh Tổng thống, nơi ở cũ của các Giáo hoàng. 

Thoả thuận trong khuôn khổ chương trình Vành đai Con đường sẽ mở đường cho Bắc Kinh đầu tư vào các cảng biến của Ý, nơi hàng hoá Trung Quốc sẽ đi qua để vào châu Âu. Một số loại hàng hoá cũng sẽ được sản xuất tại Ý để đáp ứng tiêu chuẩn của châu Âu, và vận chuyển bằng đường sắt đến các nước EU khác. 

Đổi lại, Rome sẽ được đầu tư tài chính và mở cửa thị trường Trung Quốc cho các sản phẩm của Ý. Một thoả thuận khác sẽ giúp tập đoàn công nghệ viễn thông Trung Quốc Huawei phát triển mạng 5G ở Ý. 

Tháng trước, Mỹ cảnh báo các nước châu rằng sử dụng công nghệ của Huawei có thể làm tổn thương quan hệ của các nước này với Washington. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Mỹ có nghĩa vụ cảnh báo các chính phủ khác về nguy cơ phát triển hạ tầng viễn thông bằng thiết bị của tập đoàn Trung Quốc này. 

Thoả thuận mà Trung Quốc và Ý dự kiến ký kết cũng vấp phải chỉ trích trong nội bộ chính phủ liên minh của Ý. Phó Thủ tướng Matteo Salvini, lãnh đạo đảng Liên minh cực hữu, nói:  “Nếu thoả thuận sẽ giúp các doanh nghiệp Ý đầu tư ra nước ngoài, thì chúng tôi sẵn sàng đối thoại. Nếu nó giúp các cường quốc nước ngoài thuộc địa hoá Ý và các doanh nghiệp ở đây, thì rõ ràng là không nên”, ông nói. Ông cũng cho rằng việc xử lý dữ liệu nhạy cảm là vấn đề liên quan đến lợi ích và an ninh quốc gia. 

Ngược lại, Bộ trưởng Phát triển kinh tế Luigi Di Maio, lãnh đạo Phong trào 5 sao trong chính phủ liên minh, lại ủng hộ thoả thuận. 

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG