Jalan Talabani - Người sẽ trở thànhTổng thống mới của Iraq

Jalan Talabani - Người sẽ trở thànhTổng thống mới của Iraq
Nhà lãnh đạo đảng Liên minh Yêu nước người Kurk , ông Jalan Talabani đã đứng thứ nhì trong cuộc bầu cử ở Iraq hồi tháng  2 vừa qua và  sẽ trở thành vị Tổng thống đầu tiên của Iraq thời hậu Saddam

Jalan Talabani vốn là tư lệnh của du kích người Kurd đã tiến hành chiến đấu nhiều năm chống lại chính quyền Saddam Hussein. Ông thích ăn ngon, hút xì-gà, tính nóng như lửa. Nhiều người cho rằng, sau khi ngồi lên ghế Tổng thống ông sẽ đẩy kẻ thù cũ đến chỗ chết vì ông vốn căm thù Saddam Hussein đến tận xương tủy.

Trung tuần tháng 2 vừa qua, cuộc bầu cử được cả thế giới chú ý ở Iraq đã kết thúc với kết quả: Liên minh Thống nhất Iraq – một tập hợp chính trị của người Hồi giáo dòng Shiite đã dẫn đầu với 48% số phiếu, chiếm 140/275 ghế trong Quốc hội và đã đề cử ông Ibrahim al- Jaafari ra làm Thủ tướng mới thay ông Allawi.

Ông Jalan Talabani sinh năm 1933 trong khu vực người Kurd . Năm 13 tuổi ông đã bí mật lập ra Liên minh Học sinh người Kurd, sau đó ông gia nhập đảng Dân chủ Kurdistan. 18 tuổi đã là uỷ viên trung ương của đảng này. Jalan Talabani đã hai lần thi vào đại học nhưng chính phủ đều cấm cửa ông với lý do ông tham gia hoạt động chống đối. Lệnh truy nã Jalan Talabani cũng đã được ban bố. Năm 1958, vương triều Faysan bị lật đổ, ông mới được vào học tại một trường luật. Tốt nghiệp đại học, ông đã đi lính và trở thành một viên chỉ huy đơn vị xe tăng.

Tháng 9/1961, người Kurd phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang, Jalan Talabani đã dẫn cả đơn vị đi theo lực lượng nổi dậy kéo lên miền Bắc chiến đấu. Ngoài đánh trận, ông còn là nhà ngoại giao, đóng vai đặc phái viên của người Kurd sang châu Âu và Trung Đông du thuyết để tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Năm 1975, do bất hoà nội bộ, Jalan Talabani đã dẫn một bộ phận đảng viên bỏ đi lập Liên minh yêu nước Kurdistan, tiếp tục đấu tranh.

Từ năm 1976, Jalan Talabani tìm mọi cách tổ chức chiến đấu ở bên trong lãnh thổ Iraq cho đến khi bị chính phủ đàn áp khốc liệt năm 1988. Năm 1991, sau chiến tranh vùng Vịnh, ông lại lãnh đạo lực lượng vũ trang nổi dậy và kiểm soát một khu vực khá lớn ở miền Bắc. Sự đối đầu lâu dài đã khiến Jalan Talabani và Saddam Hussein ở vào tình trạng thù địch sâu sắc đến mức năm xưa Saddam Hussein đã tuyên bố ân xá cho tất cả du kích người Kurd, trừ Jalan Talabani.

Sau khi nhận được tin đảng của mình đứng thứ hai trong cuộc bầu cử, ông Jalan Talabani đã nói: “Trong cuộc đời mình, tôi không hề có ý định trở thành một bộ trưởng chứ đừng nói đến làm tổng thống. Tôi luôn cho rằng cuộc đấu tranh của người Kurd là một sự nghiệp lâu dài, sẽ còn phải tiến hành nhiều năm nữa”. Tuy nhiên, sau đó ông lại nói: “người Kurd sẽ phát huy tác dụng lớn lao trên chính trường Iraq” và tuyên bố sẽ trở thành vị Tổng thống người Kurd đầu tiên trong lịch sử Iraq. Một điều đáng lưu ý là tuy chiến đấu vì quyền tự trị của người Kurd song ông Jalan Talabani lại không chủ trương người Kurd hoàn toàn độc lập, mà hướng tới chế độ tự trị không chia cắt Iraq thành những phần nhỏ.

Không những muốn làm Tổng thống , ông Jalan Talabani còn đưa ra một loạt điều kiện cứng rắn cho việc ông làm Tổng thống, trong đó có việc Iraq phải thực hiện chế độ liên bang, xác lập địa vị tự trị của vùng người Kurd trong liên bang, hồi hương những người Arập đã di chuyển đến thành phố Kirkur giàu tài nguyên dầu khí dưới thời Saddam Hussein. Ông nói: “Nếu không đạt được thoả thuận với các đảng khác về vấn đề liên bang, dân chủ, quốc gia và tự trị, tôi sẽ không nhận chức tổng thống … Cần phải đưa Kirkur quay trở lại tình hình trước khi Saddam Hussein thi hành chính sách thanh lọc chủng tộc”.

Cho đến nay, Jalan Talabani không những không tỏ thái độ trước việc  phái Shiite tiến cử ông Ibrahim al- Jaafari ra làm Thủ tướng, mà còn kiên quyết bày tỏ: “Chúng tôi quyết không chấp nhận một chính phủ chính- giáo kết hợp. Chúng tôi kiên quyết không sống trong một nước Iraq Islam. Trừ phi chính phủ Shiite tương lai thực thi dân chủ, theo chế độ liên bang, bằng không người Kurd sẽ quyết không hợp tác với họ”.

MỚI - NÓNG