Kế sách IS ngăn người dân bỏ trốn

Cư dân tại Raqqa, thành trì của IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Cư dân tại Raqqa, thành trì của IS tại Syria. Ảnh: Reuters
Tịch thu hộ chiếu, cấm phụ nữ trẻ và thiếu niên rời thành phố, phong tỏa các tuyến đường huyết mạch, IS đang làm mọi cách để ngăn dòng người tháo chạy khỏi địa bàn. Hồi tháng 9, IS tung ra các video tuyên truyền, nhắm tới những người di cư, kêu gọi họ hãy tới và gia nhập, thay vì bỏ chạy tới châu Âu.

Theo những cư dân địa phương, các phần tử nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đang thắt chặt an ninh dọc theo ranh giới địa bàn của nhóm để ngăn cản người dân bỏ trốn. Nhóm này còn canh gác cẩn mật hơn tại những khu vực tập trung đông dân cư nhất.

Những người sống tại thành phố Raqqa, Syria, nơi được xem như thành trì của IS buộc phải đăng ký tên tuổi với nhóm. Ngoài ra, nhóm này còn ban hành những lệnh cấm, quy định rõ những gì người dân được mang vào hoặc đưa ra khỏi các thành phố IS kiểm soát. Phụ nữ không được phép đi đâu mà không có họ hàng là nam giới đi cùng.

"Việc rời khỏi thành phố giờ thực sự rất khó khăn", Business Insider dẫn lời Abu Ibrahim al-Raqqawi, một nhà hoạt động trong nhóm có tên Raqqa âm thầm bị tàn sát (RBSS), cho biết. "Vấn đề không phải ở chỗ làm sao để tới Raqqa, mà là làm thế nào để ra khỏi đó".

Raqqa là đầu não hoạt động của IS tại Trung Đông. Raqqawi cho biết anh vẫn di chuyển ra vào thành phố này với sự giúp sức của những kẻ buôn người. Gia đình anh hiện còn ở lại Raqqa.

Theo Raqqawi, IS đã tịch thu hộ chiếu của người dân để khiến họ khó di chuyển, và buộc tất cả phải tới đăng ký tên tuổi với các chiến binh nhằm dễ bề quản lý.

"Họ không cho phép phụ nữ dưới 45 tuổi rời thành phố, và nam giới dưới 19 tuổi cũng không được ra đi", Raqqawi cho biết. "Sau khi IS ra thông báo rằng 'chúng tôi muốn có danh dách mọi cậu bé trong thành phố từ 14 tuổi trở lên', người dân rất sợ việc tuyển mộ, và muốn rời đi".

Một người đàn ông Syria đến từ thành phố Deir Ezzor có tên Fikram cho biết, ngay cả một số khu vực của chính phủ "cũng đang bị IS bao vây để người dân không thể thoát ra, trừ những tình huống đặc biệt".

"Khu vực do IS kiểm soát có một con đường mà người dân có thể đến và đi, nhưng họ chỉ mở đường đó vào những ngày và giờ nhất định", Fikram nói. "Ngoài ra, người dân cũng không được di chuyển đồ đạc cá nhân khỏi thành phố, ví dụ như đồ nội thất trong nhà".

IS lâu nay vẫn áp đặt các quy định về việc những ai có thể rời khỏi lãnh địa nhóm kiểm soát. Ali Leili, một thành viên trong nhóm hoạt động D'Arezzo, chia sẻ về những quy định tại thành phố Deir Ezzor.

"Đôi khi mọi người được phép tới Damascus để chữa bệnh, nhưng trước đó họ phải viết một cam kết rằng sẽ trở về Deir Ezzor sau khi quá trình điều trị kết thúc", Leili nói. Quy định tương tự cũng được ghi nhận tại các thành phố khác.

Tại Mosul, IS yêu cầu bất kỳ ai rời khỏi thành phố phải cung cấp cho các tay súng tên của những người họ hàng có thể cam đoan rằng họ sẽ trở về, New York Times đưa tin. Nếu người đó không trở về, những người họ hàng có thể bị bắt.

Lách luật

Những cấm đoán này khiến người dân phải vận dụng những biện pháp khác thường để có thể rời đi.

"Hàng trăm cư dân Deir Ezzor và đặc biệt là những người trẻ tuổi đã rời khỏi tỉnh này theo các tuyến đường buôn lậu bí mật, sang Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là châu Âu. Một vài người trong số đó có thể vẫn còn ở lại Thổ Nhĩ Kỳ", Leili cho biết. "Mọi người đều bỏ chạy bởi cảnh địa ngục họ chứng kiến tại tỉnh này, do sự xâm phạm và thắt chặt kiểm soát của IS đối với cư dân".

Theo New York Times, hoạt động đưa người bí mật trốn đi giờ trở thành một ngành "công nghiệp" nở rộ. Các tuyến đường đến và đi khỏi Raqqa vẫn hầu như được mở, nhưng mọi người phải trông cậy vào những kẻ buôn lậu, để có được giấy chứng minh giả và đưa họ qua biên giới Thổ Nhĩ Kỳ.

Những người khác thì dựa vào chính các tay súng IS để giúp họ trốn chạy. Một phụ nữ lớn lên tại Raqqa và bị ép gia nhập IS sau khi nhóm này chiếm đóng thành phố đã nhờ một người bạn trong hàng ngũ nhóm để giúp mình và người anh em họ thoát ra ngoài. Tay súng đó đã đưa được họ qua các chốt kiểm soát của IS êm xuôi.

Những tài liệu tuyên truyền được IS tung ra mới đây cho thấy nhóm này đặc biệt lo ngại về tình trạng người dân bỏ chạy, cũng như những tổn thất việc này có thể gây ra cho "thanh thế" của tổ chức.

Hồi tháng 9, IS tung ra các video tuyên truyền, nhắm tới những người di cư, kêu gọi họ hãy tới và gia nhập, thay vì bỏ chạy tới châu Âu như những "kẻ ngoại đạo". Đoạn video có mục đích củng cố hình ảnh "nhà nước" của IS như một nơi sống lý tưởng, và nhấn mạnh những hiểm nguy người tị nạn phải đối mặt trên hành trình tới các nước châu Âu.

"Nhóm tuyên bố đã tạo ra miền đất lý tưởng cho người Hồi giáo, thế nhưng người Hồi giáo lại lũ lượt bỏ chạy", Daveed Gartenstein-Ross, một nhà phân tích chống khủng bố tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ bình luận. "Một nhà nước thực sự lẽ ra phải có khả năng cung cấp dịch vụ cho cư dân của mình".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.