Kenya: Chống “đổi tình lấy cá”

“Đổi tình lấy cá” rất phổ biến tại các khu vực đánh bắt cá ở Kenya. Ảnh: BBC
“Đổi tình lấy cá” rất phổ biến tại các khu vực đánh bắt cá ở Kenya. Ảnh: BBC
TP - Quanh hồ Victoria ở miền tây Kenya, những chiếc thuyền gỗ chở cá rô, cá trê... tranh nhau chỗ đậu. Dưới ánh nắng thiêu đốt, ngư dân mặc cả với những phụ nữ đang xếp hàng chờ mua, không phải bằng tiền mà là thân xác.

Tại một trong những khu vực nghèo đói của Kenya, giao dịch giữa các ngư dân nam và người mua toàn nữ hiếm khi là giao dịch tài chính. Phụ nữ bán thân thể họ cho ngư dân để đổi lấy cá. Tập tục này được gọi là “jaboya” trong tiếng địa phương, hoặc nôm na là “đổi tình lấy cá”.

Chị Lucy Odhiambo, 35 tuổi, đang chuẩn bị mang mẻ cá mới mua ra chợ. Người phụ nữ 5 con này nói rằng, phụ nữ nơi đây đang bị ràng buộc. “Tôi buộc phải trả cá bằng tình dục vì không còn cách nào khác. Thường thì tôi ngủ với một hoặc hai ngư dân mỗi tuần. Tôi có thể bị lây bệnh, nhưng không còn cách nào khác vì còn phải cho con đi học. Jaboya là một tập tục tội lỗi”, chị Odhiambo nói.

Loại bệnh mà người phụ nữ này nhắc tới rất phổ biến ở nơi đây, với tỷ lệ lây nhiễm HIV là gần 15%, cao gấp đôi mức trung bình của cả nước, và nguyên nhân chủ yếu là “đổi tình lấy cá”.

Kenya: Chống “đổi tình lấy cá” ảnh 1

Nữ ngư dân Agnes Auma mặc chiếc áo có dòng chữ “Nói không với đổi tình lấy cá”. Ảnh: BBC

Tuy nhiên, tập tục này đang dần thay đổi. Người phụ nữ tên là Agnes Auma sở hữu một chiếc thuyền đánh cá, đồng thời thuê một số nam giới làm việc cho mình. Sau khi bán cá, chị Auma trả công cho người làm thuê, trang trải chi phí cho con thuyền và giữ lại phần dư ra.

Đây là kết quả một dự án của quỹ từ thiện địa phương mang tên Vired được Tổ chức Hòa bình Mỹ tài trợ. “Tôi thấy tôi có thể chết khi hy sinh thân thể để lấy cá. Nên tôi không thể tiếp tục”, chị Auma nói.

“Dự án này giúp tôi không còn phụ thuộc vào nam giới để tồn tại. Tôi có thể tự lo cho bản thân mình. Và khi tôi trả được hết tiền mua thuyền, tôi sẽ làm việc với một lương tâm trong sạch”.

Sau mỗi chuyến đánh bắt, chị Auma lại kiểm tra những mẻ cá lấp lánh dưới ánh nắng buổi sáng. “Tôi rất hạnh phúc và tự hào vì các ngư dân của mình. Tôi cũng rất hạnh phúc vì tôi là một nữ ngư dân mạnh mẽ”, chị Auma tươi cười.

Đến nay, mới chỉ có 19 phụ nữ tham gia dự án, nhưng Vired hy vọng số lượng thành viên sẽ tăng lên. “Đổi tình lấy cá rất nguy hiểm vì hằng ngày chúng tôi đều thấy có người chết vì HIV/AIDS”, bà Dan Abuto ở quỹ Vired nói. “Chúng tôi cần khuyến khích họ, trao sức mạnh cho họ để họ có thể đảm nhận vai trò của mình. Chúng tôi rất tự hào vì dự án có tác động tốt”, bà nói.

Hủ tục truyền đời

Tuy nhiên, đây mới chỉ là một phần của Kenya, nơi tập tục Jaboya rất phổ biến. Ngay cả ở miền tây này, rất nhiều ngư dân nam vẫn sẵn lòng chấp nhận phương thức “đổi tình lấy cá”.

Felix Ochieng là một thanh niên 26 tuổi đã kết hôn, nhưng vẫn ngủ với 3 phụ nữ mỗi tuần để đổi cá cho họ. Ochieng nói rằng, đôi lúc, có phụ nữ trả 500 shilling (đồng tiền của Kenya, tương đương 6 USD) tiền mặt và 500 shilling bằng thân thể họ.

“Tôi thừa hưởng tập tục này từ bố mình, ông ấy vẫn thường làm như vậy”, Ochieng nói và hứa sử dụng bao cao su. Khi được hỏi có cảm thấy xấu hổ vì điều này, Ochieng trả lời: “Có, tôi thấy xấu hổ. Đó là điều xấu xa. Nhưng có những cám dỗ từ phụ nữ”.

Vẫn còn một chặng đường nữa để có thể xóa bỏ tập tục nguy hiểm và lâu đời này. Nhưng từng bước một, số phụ nữ dấn thân vào đó đang giảm dần, và những phụ nữ sống quanh hồ Victoria đang hiểu ra những nguy hiểm mà họ phải đối mặt.

Theo các chuyên gia, để chấm dứt tục “đổi tình lấy cá” đòi hỏi thay đổi về nhận thức và thái độ đối với vai trò của hai giới.

“Đổi tình lấy cá” là hiện tượng phổ biến ở nhiều nước đang phát triển có thu nhập thấp hoặc trung bình, chủ yếu ở khu vực hạ Sahara ở châu Phi. Những người chấp nhận quan hệ tình dục với ngư dân để lấy cá chủ yếu là phụ nữ nghèo, đơn thân, đã ly dị hoặc góa bụa.

Theo Theo BBC, Irin News
MỚI - NÓNG