Khát vọng thế hệ lãnh đạo trẻ

Khát vọng thế hệ lãnh đạo trẻ
TP - Thế giới đang chứng kiến “mùa xuân” của một thế hệ lãnh đạo trẻ có độ tuổi dưới 50. Những cái tên như Barack Obama, Dmitry Medvedev… trở thành biểu tượng của khát vọng thay đổi toàn cầu.

Không phải ngẫu nhiên mà bước sang kỷ nguyên mới, người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới có xu hướng ngày càng ủng hộ những chính trị gia trẻ tuổi.

Mệt mỏi và mất kiên nhẫn với chiến tranh, xung đột, khủng hoảng tài chính, tệ quan liêu bảo thủ…, người ta đang đặt kỳ vọng về một sự thay đổi có tính đột phá vào đội ngũ lãnh đạo mới năng động hơn, dám nghĩ dám làm hơn, có kiến thức kinh tế sâu sắc hơn và biết lo cho dân chúng hơn.

Cùng thuộc thế hệ 6X, không chịu ảnh hưởng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Barack Obama và Dmitry Medvedev nổi lên như một hiện tượng chính trị minh chứng rõ nhất cho sự xuất hiện của “dòng chảy” lãnh đạo mới này.

47 tuổi, thượng nghị sỹ Barack Obama đã vượt qua đối thủ dày dạn kinh nghiệm John McCain - 72 tuổi- để bước lên vị trí quyền lực nhất ở một cường quốc.

Sử dụng khẩu hiệu tranh cử “Thay đổi”, Barack Obama đã thuyết phục cử tri Mỹ cùng hòa nhịp: “Yes. We can believe in” (Đồng ý, chúng tôi có thể tin tưởng).

Bản lĩnh tuổi trẻ là nhân tố quan trọng giúp Barack Obama xây dựng những cam kết điều hành đất nước đầy tham vọng nhưng chạm đúng vào khát khao của người dân, nhất là giới trẻ Mỹ, về một nước Mỹ hướng tới hòa bình, hợp tác, thịnh vượng.

Nhờ trí óc trẻ trung, tính cách quyết đoán, Barack Obama đã mở cánh cửa mới giải quyết không ít vấn đề “đau đầu” mà chính quyền G.Bush già nua nhiều năm qua còn lúng túng.

Không chỉ người dân Mỹ mà tất cả ai có lương tri trên thế giới đều ủng hộ, yên lòng trước tuyên bố của Barack Obama: Sẵn lòng gặp gỡ các nhà lãnh đạo của tất cả các nước; cam kết rút quân khỏi Iraq để tránh cho nước Mỹ lún sâu vào cuộc chiến hao người tốn của; ưu tiên giải cứu nền kinh tế Mỹ; tăng cường tìm kiếm nguồn nhiên liệu, năng lượng mới…

Trẻ đồng nghĩa với sáng tạo, thích ứng. Barack Obama còn đại diện cho một thế hệ lãnh đạo trẻ tiếp thu nhanh và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin, Internet, kỹ thuật số… vào các hoạt động chính trị và điều hành Chính phủ.

Giới trẻ hiện đại, sành sỏi công nghệ rất thích thú, cảm thấy gần gũi và khâm phục khi người lãnh đạo tương lai của họ cũng biết sử dụng email, chat, viết blog, đưa ảnh lên mạng trực tuyến thành thạo.

Có thể nói, Barack Obama chính là một “nam châm” giúp giới trẻ quan tâm hơn tới chính trị và vận mệnh của đất nước.

Điểm nổi bật ở thế hệ lãnh đạo trẻ, trong đó có tân Tổng thống Mỹ Barack Obama, là khát vọng làm việc vì sự ấm no, hạnh phúc của công chúng. Họ biết lắng nghe, thừa nhận khi mắc lỗi, biết cúi mình đến với những số phận bình thường, bất hạnh nhất.

Họ khát khao xây dựng một chính phủ thực quyền, minh bạch; một chính phủ mà điều quan trọng nhất là hàng ngày biết quan tâm tới từng nhu cầu, khó khăn, hy vọng và giấc mơ của thường dân.

Như ở Singapore, các nhà lãnh đạo trẻ phải gặp gỡ trực tiếp người dân để xử lý các vấn đề thực tế cuộc sống đặt ra như tạo công ăn việc làm cho dân địa phương, nâng cấp chung cư, xây dựng lối đi riêng cho người tàn tật…

Tại Mỹ, nhìn thấy tình thế kinh tế bấp bênh của các hộ gia đình, Barack Obama đã cam kết thực hiện một loạt chính sách dân sinh như: Mở rộng diện trợ cấp thất nghiệp, tạm đình chỉ việc tịch thu nhà thế nợ của những người đang sống trong chính ngôi nhà của họ, cho phép người dân rút tiền tiết kiệm khỏi Quỹ tiết kiệm hưu trí trước thời hạn, tạo thêm việc làm với mức lương đủ sống, giúp người dân giảm chi phí chăm sóc sức khỏe...

Những chính trị gia trẻ tuổi như Namgyel Wangchuck (vua Bhutan- 28 tuổi); Roosevelt Skerrit (Thủ tướng Dominica - 36 tuổi); Nikola Gruevski (Thủ tướng Macedonia - 38 tuổi); Sergei Stanishev (Thủ tướng Bulgaria- 42 tuổi)… cũng đang hết mình với khát vọng cống hiến, sáng tạo.

Cũng như ở Mỹ, tại Nga, tháng 3/2008, cử tri nước này đã lựa chọn một chính trị gia trẻ - ông Dmitry Medvedev, 42 tuổi- làm Tổng thống mới .Việc bầu ra vị Tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Nga hơn 90 năm qua cho thấy, tiếp theo “thời đại rực rỡ của V.Putin”, người dân Nga hoàn toàn tin rằng Medvedev, với nhiệt tình, sức trẻ và sự cứng rắn của mình, sẽ tiếp tục thổi bùng “ngọn lửa hành động” giúp Moscow khôi phục uy tín và tiềm lực kinh tế trên trường quốc tế.

Trước “cái bóng” quá lớn của người tiền nhiệm V.Putin, đúng với tinh thần của người trẻ, bằng năng lực và cách hành xử riêng, Tổng thống Medvedev đã khẳng định “Tôi không phải là bản sao của bất cứ ai”.

Với đường lối lãnh đạo trí tuệ của thế hệ lãnh đạo mới gồm Thủ tướng V.Putin và Tổng thống Medvedev, giới trẻ Nga đang được tiếp thêm động lực để học tập và lao động, bởi họ nhìn thấy cơ hội, tương lai tươi sáng của đất nước.

Để có một “mùa xuân” tươi đẹp

Nhìn vào lịch sử, không ai phủ nhận những kinh nghiệm quý báu và thành tựu to lớn mà một số thế hệ lãnh đạo kỳ cựu đã mang lại cho nhân loại. Nhưng chính cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu - 85 tuổi, hiện là cố vấn cấp cao của Chính phủ Singapore- vẫn thừa nhận thế hệ lãnh đạo trẻ mới là người tự quyết định tương lai đất nước bằng cách đặt ra mục tiêu, định hướng và thực hiện các chính sách riêng của họ.

Khát vọng thế hệ lãnh đạo trẻ ảnh 1
Tổng thống Nga Medvedev cam kết xây dựng một chính phủ vững mạnh.

Ở nhiều quốc gia, phát hiện và trọng dụng người tài là một điểm then chốt trong quá trình xây dựng đội ngũ lãnh đạo trẻ tiềm năng. Có thể ông Barack Obama đã không trở thành Tổng thống Mỹ nếu như Đảng Dân chủ từ chối mời ông đọc một bài diễn văn quan trọng tại Đại hội Đảng này vào năm 2004 tại Boston, Massachusetts.

Chính từ bài diễn văn phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, ông Barack Obama từ chỗ chưa được nhiều người biết tới đã trở thành “ngôi sao” mới trên chính trường nước Mỹ, để rồi sau đó trúng cử chức Thượng nghị sỹ bang Illinois, mở đường cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.

Cũng chưa chắc ông Dmitry Medvedev đã trở thành Tổng thống Nga nếu như cựu Tổng thống Nga V.Putin và Đảng Nước Nga thống nhất không tin tưởng và nhận ra tố chất lãnh đạo, nhiệt huyết trẻ của ông để bổ nhiệm ông làm Phó Thủ tướng thứ nhất năm 2005 và giới thiệu ông ra tranh cử Tổng thống Nga năm 2008.

Tại Singapore, những thanh niên trẻ có năng lực, triển vọng thường được nhận học bổng du học tại các trường đại học nổi tiếng thế giới như Harvard, Cambrige, Oxford…

Tại đây, họ không chỉ tích lũy kiến thức mà còn học cách ứng phó với sự thay đổi, vận động không ngừng của một thế giới toàn cầu hóa. Trở về nước, họ được thử thách qua nhiều vị trí khác nhau trong các cơ quan nhà nước để thể hiện khả năng giải quyết các công việc đa dạng, phức tạp.

Ở độ tuổi 30, số xuất sắc nhanh chóng được bồi dưỡng, bổ nhiệm vào các vị trí quản lý cao cấp. Đến 40 tuổi, đội ngũ này có thể trở thành thế hệ lãnh đạo trẻ kế tiếp của Singapore.

Tại Trung Quốc, để chuẩn bị cho cuộc chuyển giao thế hệ lãnh đạo thứ năm từ sau năm 2012, rất nhiều tỉnh thành đã thực hiện kế hoạch sắp xếp lại cơ cấu lãnh đạo địa phương theo hướng trẻ hóa.

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu sâu rộng và vấn đề phát triển kinh tế đang được ưu tiên hàng đầu, đội ngũ ứng cử viên lãnh đạo trẻ tại Trung Quốc hầu hết đạt tiêu chí bằng cấp thực thụ về quản lý kinh tế, chính trị, quan hệ quốc tế; có kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp; có năng lực, biết cống hiến, có phong cách và nghệ thuật lãnh đạo…

Việc lựa chọn, đào tạo và sử dụng sớm những “hạt giống” này cho thấy tầm nhìn chiến lược, giúp  Trung Quốc có thể bắt kịp những đổi thay nhanh chóng của thời đại.

Thực hiện khát vọng đổi mới của mình, trước khi nắm giữ các vị trí trọng đại, nhiều chính trị gia trẻ tuổi trên thế giới đã nỗ lực tiếp xúc với những nền giáo dục tiên tiến nhất, từng bước tiếp cận và tôi luyện trong guồng máy chính trị của đất nước.

Tân Tổng thống Mỹ Barack Obama tốt nghiệp hai trường đại học hàng đầu của Mỹ là Đại học Columbia và Trường Luật của Đại học Harvard;

Tổng thống Nga Dmitry Medvedev tốt nghiệp trường Đại học Quốc gia St.Petersburg- nơi đã đào tạo rất nhiều nhân tài cho nước Nga như Lenin - lãnh tụ thiên tài của cách mạng vô sản Nga, văn hào Mikhail Zochtchenko, đại nhạc sỹ Igor Stravinski, đương kim Thủ tướng Nga V.Putin…;

Tân Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva từng theo học tại Đại học Oxford danh tiếng ở Anh và bước vào chính trường từ năm 28 tuổi;

Trước khi làm Tổng thống Nga, ông Medvedev còn đóng một vai trò năng động trong vị trí Chủ tịch tập đoàn khí đốt lớn nhất thế giới Gazprom.

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.