Khi mạng người bị coi rẻ

Khi mạng người bị coi rẻ
TP - Bảy năm sau khi tên giết người hàng loạt thú nhận tội lỗi hắn gây ra khiến một thanh niên 18 tuổi bị tử hình oan, cha mẹ cậu thanh niên vẫn không ngừng đấu tranh đòi toà án xử lại để trả lại sự trong sạch cho con trai mình.

Đây chỉ là một trong hàng ngàn vụ án oan ở Trung Quốc mà nhiều người phải chết vì những tội mà họ không gây ra.

Cha của cậu thanh niên, ông Li Sanren, 64 tuổi, và bà mẹ Shang Aiyun, 56 tuổi, nói rằng con trai họ, có tên Mông Cổ là Hugejiletu, mới chỉ vừa 18 tuổi khi bị tử hình. Con trai họ chỉ cố gắng làm điều đúng đắn vào cái đêm cậu nghe thấy tiếng kêu thất thanh của một phụ nữ đang bị làm nhục và giết hại.

Nhưng cảnh sát ở Hohhot, thủ phủ của khu tự trị Nội Mông, gần như ngay lập tức buộc tội Hugejiletu chính là thủ phạm và thẩm vấn cho tới khi cậu nhận tội một cách bị cưỡng ép.

Phiên toà được mở sau đó đã phớt lờ lời của các nhân chứng về chứng cớ ngoại phạm của Hugejiletu và phủ nhận bằng chứng cho thấy nhiều nghi vấn quanh tội danh của cậu. Biên bản ghi chép phiên toà chưa bao giờ được công bố.

“Bất kỳ khi nào chúng tôi hỏi thì chúng tôi đều nhận được câu trả lời rằng quá trình điều tra vẫn đang tiếp tục, và chúng tôi phải bình tĩnh,” bà Shang nói. Chồng bà nói: “Tất cả những gì chúng tôi muốn là làm sạch tên tuổi của con trai mình”.

Tử hình quá dễ

Cảnh sát và cơ quan tư pháp chỉ mất 62 ngày để điều tra vụ án, lấy lời khai và bản thú tội, kết án và tử hình Hugejiletu. Những vụ bị kết án và tử hình sai giống như vụ của Hugejiletu là một trong những lý do khiến Toà án Nhân dân Tối cao Trung Quốc từ ngày 1-1-2007 lấy lại quyền xét lại tất cả án tử hình của các toà án cấp thấp hơn. Toà án tối cao đã không làm điều này trong gần 3 thập kỷ.

Cuối tháng 4-2012, Toà án tối cao tạm hoãn án tử hình đối với Wu Ying, 31 tuổi, người bị kết tội huy động quỹ bất hợp pháp và bị Toà án nhân dân tỉnh Chiết Giang tuyên án tử hình vào tháng 12-2009.

Vụ án đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi nảy lửa rằng có nên áp dụng án tử hình đối với các tội danh kinh tế, tài chính hay không. Nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp của Wu cho thấy giá trị thực sự đằng sau việc xét lại án tử hình của Toà án tối cao.

Các chuyên gia nói rằng, việc xét lại án tử hình của Toà án tối cao là nỗ lực hạn chế việc lạm dụng án tử hình của các toà án địa phương. Từ năm 1983, các toà án địa phương được trao quyền kết án tử hình.

Đó là khi cảnh sát và cơ quan tư pháp bắt đầu mạnh tay truy quét tội phạm, trong đó có những nhân vật thời hậu Cách mạng văn hoá chiến đấu chống lại sự ô nhiễm tâm hồn và giải phóng tư sản.

“Đó là thời kỳ mà rất nhiều vụ án hình sự được xử lý giống như một chiến dịch chính trị, dẫn tới nhiều kết án sai và không công bằng”, luật sư Zhang Qingsong ở Hãng luật Shangquan đóng tại Bắc Kinh nhận xét.

Quá nhiều vụ oan sai

Xiao Yang, cựu thẩm phán Toà án tối cao, báo cáo trước Quốc hội năm 2005 rằng văn phòng của ông đã phát hiện tất cả 2.162 người bị kết án oan. Đây có lẽ là nguồn động viên nhỏ bé để cha mẹ của Hugejiletu có quyền hy vọng con trai họ sẽ được minh oan. Hai ông bà tuyên bố sẽ đi tìm công lý cho cậu con trai vô tội tới khi họ trút hơi thở cuối cùng.

Họ tiếp tục đòi toà án phải mở lại phiên toà dựa trên bài viết của một tờ báo địa phương.

Bài báo xuất bản ngày 16-12-2005 mô tả chi tiết lời thú tội của kẻ giết người hàng loạt Zhao Zhihong - kẻ nhận tội chính hắn là người đã hiếp dâm và giết hại nạn nhân trong vụ án mà Hugejiletu bị tử hình oan.

Bài báo điều tra đặt ra nhiều nghi vấn về tính xác thực của các tình tiết mà cảnh sát và toà án sử dụng để đưa ra lời buộc tội.

Ngày 9-4-1996, Hugejiletu đang làm việc tại một xưởng thuốc lá ở Hohhot. Cậu nghe thấy một phụ nữ la hét khi cậu đi qua một toilet công cộng trên đường trở lại xưởng sau khi ăn tối.

Trong vòng 10 phút, cậu trở lại hiện trường cùng với đồng nghiệp Yan Feng để giúp người phụ nữ. Nhưng họ đã muộn. Họ thấy thi thể một cô gái 25 tuổi trong tình trạng bán khỏa thân.

Hugejiletu đến thẳng trụ sở cảnh sát còn Yan trở lại xưởng một mình. Sau đêm đó, Hegejiletu và Yan bị thẩm vấn tại văn phòng của cảnh sát thuộc Sở Công an Hohhot.

Cộng đồng mạng Trung Quốc từng tranh luận về quyền ăn mặc đẹp của nữ tù nhân,kể cả tử tù Nguồn: The Grand Narrative
Cộng đồng mạng Trung Quốc từng tranh luận về quyền ăn mặc đẹp của nữ tù nhân, kể cả tử tù. Nguồn: The Grand Narrative.

Hai ngày sau, cảnh sát buộc tội Hugejiletu giết người. Cậu ra toà vào ngày 23-5, nhận án tử hình ngày 5-6 rồi bị hành hình 5 ngày sau đó. “Cơ quan tư pháp cực kỳ nhanh chân trong việc kết án tử hình.

Điều này cho thấy sự dửng dưng của họ đối với sự sống còn của con người, cũng như sự dễ dàng chà đạp quyền của bị cáo”, GS Yi Yanyou ở Trường Luật thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc) nhận xét.

Khi cảnh sát một mực cho rằng Hugejiletu đã nhận tội, các ghi ghép của ủy viên công tố bị rò rỉ lại cho thấy câu chuyện khác.

“Những ghi chép này cho thấy Jugejiletu cố gắng rút lại lời thú tội mà cậu đã nhận trong lúc bị thẩm vấn suốt nhiều giờ mà cậu không có quyền khẳng định mình vô tội” - Zhu Shunzhong, phóng viên kỳ cựu từng viết về vụ án này năm 2009 trên tuần báo China Weekly (Trung Quốc), cho biết.

Trong cuộc phỏng vấn với Tân Hoa Xã năm 2006, một quan chức địa phương tên là Hu Yifeng, người từng tham gia việc xét lại vụ án của Hugejiletu và hiện là thẩm phán của Toà án tối cao khu vực, thừa nhận nhiều lỗi lầm trong quá trình xử án.

“Chúng tôi kết luận rằng chứng cớ được dùng để kết tội Hugejiletu là không thoả đáng”.

Ngay cả khi kẻ giết người hàng loạt Zhao nhận tội cũng không giúp lật lại vụ án của Hugejiletu. Zhao thừa nhận đã giết 10 người và yêu cầu được xử tử hình. Lời thú tội của hắn đối với vụ giết người mà Hugejiletu bị kết án đã không được đưa vào danh sách các tội danh ghê tởm tại phiên toà cuối cùng xét xử hắn ngày 28-11-2006. Từ đó tới nay, Zhao vẫn chưa bị hành hình.

Điều tra sai vẫn được thăng chức

Trong khi đó, nhiều quan chức cảnh sát và thẩm phán giải quyết vụ án của Hugejiletu đã được thăng chức, trong đó có Trưởng công an quận Feng Zhiming, người chịu trách nhiệm điều tra vụ án. Nhân vật này hiện là thành viên chủ chốt của Sở Công an Hohhot.

Báo Global Times (Trung Quốc) đã gọi điện nhiều lần cho Toà án tối cao khu vực của Nội Mông trong suốt một tuần, nhưng chỉ được trả lời một lần rằng họ không bình luận. Toà án này chưa hề phản hồi dù đã nhận được công văn chính thức.

“Không ai muốn nhận trách nhiệm về những lỗi lầm trong vụ án, trong khi những người phải chịu trách nhiệm có thể phải đối mặt hình phạt nghiêm khắc”, luật sư Zhang nói.

Theo phóng viên điều tra Zhu, các nguồn tin của ông cho biết toà án tối cao khu vực cho rằng Sở Công an Hohhot phải chịu trách nhiệm về các sai lầm trong vụ án của Hugejiletu, nhưng toà án không có sự độc lập tư pháp để buộc cảnh sát phải chịu trách nhiệm, cũng như không muốn chịu chung trách nhiệm với cảnh sát.

“Vụ án vẫn còn đó vì việc lật lại lời kết tội sai cần được toà án khởi xướng. Và điều này chưa xảy ra,” ông Zhu nói.

Vụ án của Hugejiletu tương tự vụ án ở tỉnh Hà Bắc, trong đó Nie Shubin bị hành hình năm 1996 với tội danh giết một phụ nữ ở thủ phủ Thạch Gia Trang của tỉnh.

Năm 2005, nghi can Wang Shujin bị cảnh sát bắt vì một tội khác, nhưng hắn đã thú nhận giết hại người phụ nữ mà Nie bị kết án oan. Giống như Zhao, kẻ giết người đã thú tội hạ sát nhiều nạn nhân trong suốt 7 năm, đang ngồi trong tù và chưa bị xử tử.

Khi toà án hèn nhát

Cha mẹ của Hugejiletu tin rằng các toà án đã phớt lờ lời chứng thực của nhân chứng chủ chốt của con trai họ. Đó là Yan Feng, người cũng tìm thấy xác cô gái. Năm 2006, cặp vợ chồng này thuê hai luật sư để giúp làm sạch tội danh cho con trai họ, nhưng các luật sư không thể tiếp nhận hồ sơ vụ án cho tới khi biên bản tư pháp xét lại được đưa ra.

“Tất cả các thủ tục này đều được quy định trong Luật tố tụng hình sự, nhưng đây là vấn đề rất lớn khi chính quyền không tuân theo luật,” luật sư Zhang nói, và nhấn mạnh rằng hoạt động của toà án cần minh bạch hơn nữa. GS Yi ở ĐH Thanh Hoa không hy vọng vụ án của Hugejiletu sẽ được lật lại.

“Tôi không nghĩ rằng cơ quan tư pháp địa phương đủ dũng cảm để đối diện với lỗi lầm của họ”.

“Sở Công an có quá nhiều quyền lực. Cả kiểm sát viên và thẩm phán đều không làm được gì khi họ không có sự độc lập tư pháp,” GS Yi nói.

Theo ông, yếu tố chủ chốt để ngăn chặn những vụ án oan nằm ở việc “hạn chế một cách hiệu quả quyền lực của Sở Công an”.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh đến lúc chết. Chúng tôi tin tưởng ở pháp luật và một ngày con trai chúng tôi sẽ được chứng minh là trong sạch”, bà Zhang nói.

Gia Tùng
Theo Global Times, People’s Daily, Xinhua

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
Thúy Diễm lo ngại về Hồng Diễm
TPO - Khác với nhiều phân cảnh căng thẳng, đấu đá trên phim "Trạm cứu hộ trái tim", diễn viên Thúy Diễm (vai Mỹ Đình) cho biết hậu trường quay phim luôn tràn ngập tiếng cười. Nữ diễn viên cũng tiết lộ người người hay bày trò nhất lại là người có vai diễn trầm nhất.