Khó khăn của quá trình soạn hiến pháp Iraq

Khó khăn của quá trình soạn hiến pháp Iraq
Chỉ còn 4 ngày nữa là đến hạn chót, vậy những phe phái chính trị của nước này phải lo liệu ra sao với cả ba phe Hồi giáo Sunni, Hồi giáo Shia và dân tộc Kurd đều có các yêu cầu cho riêng mình?

Quá trình soạn thảo Hiến pháp làm lộ ra rất cả các ngõ ngách của một xã hội rất chia rẽ. Các phe phái khác nhau muốn kéo nước Iraq đi theo những hướng khác nhau và vì thế họ không thể nào có được đồng thuận, kể cả chuyện đặt tên nước là gì.

Các nhân vật Hồi giáo Shia thì muốn cái tên Cộng hòa Hồi giáo Iraq. Người Kurd ở miền Bắc thì muốn gọi đó là Cộng hòa Liên bang Iraq. Vai trò của tôn giáo và vấn đề liên bang hay không liên bang đang nằm ở trọng tâm của tranh cãi.

Các nhóm hoạt động vì nữ quyền thì rất lo ngại trước việc tôn giáo có thể đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong các quy định lập pháp. Họ sợ trong tương lai, các quyền của phụ nữ sẽ bị hạn chế.

Người Kurd thì thúc đẩy để có một bản hiến pháp tự do hơn, và họ cũng muốn đảm bảo quyền quyết định vận mệnh của vùng Kurd ở phía Bắc. Nhìn chung, họ muốn được tự trị toàn vùng đó, nhưng họ muốn thúc đẩy để mở rộng quyền đó sang các vùng khác.

Vào lúc này, một số người Shia ở miền Nam lại đang muốn vùng đất nhiều dầu lửa của họ cũng được tự trị.

Điều này bị phe Sunni chống đối kiên quyết. Nhóm Sunni là nhóm được hưởng nhiều đặc quyền dưới thời Saddam Hussein và giữ các chức vụ trong chính quyền trung ương thời đó. Họ cũng muốn duy trì sự toàn vẹn của Iraq.

Chính vùng miền Trung Iraq nơi đa số dân theo Hồi giáo phái Sunni là vùng có ít tài nguyên nhất. Họ sẽ bị bỏ rơi nếu miền Nam và miền Bắc tự đi con đường của mình.

Thứ Hai tuần tới (15/8) là hạn chót để các phe hoàn tất dự thảo Hiến pháp, và cuối cùng thì chuyện chia nguồn lợi dầu hỏa hóa ra lại đang nằm ở trung tâm các hội đàm về tân Hiến pháp và tương lai Iraq.

MỚI - NÓNG