“Khó khăn kinh tế tạo lợi thế cho ông Obama”

“Khó khăn kinh tế tạo lợi thế cho ông Obama”
Cuộc tranh luận thứ hai giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ diễn ra vào sáng nay theo giờ VN (tối 7/10 giờ Mỹ). Nhân dịp này, GS Graham Wilson của khoa chính trị, ĐH Boston (Massachusetts) trao đổi về những vấn đề của cuộc bầu cử tại Mỹ sắp tới.
“Khó khăn kinh tế tạo lợi thế cho ông Obama” ảnh 1
GS Graham Wilson - Ảnh: T.Tuấn

GS có nghĩ rằng tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay sẽ là lợi thế cho ứng viên Obama?

Rõ ràng là vậy. Có thể thấy cách đây hơn 10 ngày, khi chưa có những biến động mạnh của tình hình kinh tế, các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ giữa hai ứng viên Obama và McCain vẫn ngang nhau. Khi tình hình xấu đi thì ông Obama bắt đầu dẫn trước ống McCain trong các cuộc thăm dò dư luận và ngày càng mở rộng khoảng cách.

Các giải thích về bầu cử Mỹ giúp chúng ta có thể dự đoán được kết quả dựa vào hai yếu tố: một là tình hình sức khỏe của nền kinh tế và hai là đánh giá của người dân đối với chính quyền hiện tại.

Trong một thời gian dài, tỉ lệ ủng hộ Tổng thống George Bush đã ở mức rất thấp, tôi nghĩ là thấp nhất trong các đời tổng thống hiện đại của nước Mỹ.

Hơi ngạc nhiên khi ông Obama không dẫn điểm trước ông McCain - điều chỉ bắt đầu bộc lộ rõ hơn khi tình hình kinh tế có dấu hiệu xấu đi trông thấy.

Đâu là sự khác biệt trong chính sách giữa hai đảng?

Đầu tiên là về chính sách thuế. Đảng Cộng hòa thường chống lại việc tăng thuế và muốn cung cấp những gói khuyến khích đối với người dân. Họ không coi việc cân là người của đảng Dân chủ đến khi bỏ phiếu lại chuyển sang bỏ cho đảng Cộng hòa. Tuy vậy, khi nền kinh tế xấu đi như hiện tại thì chắc điều này sẽ khó xảy ra.

Thứ hai là về vấn đề quản lý nhà nước. Đảng Cộng hòa thường chống lại sự kiểm soát của chính phủ. Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán liên bang hiện tại được bổ nhiệm một phần cũng vì ông là người chống lại các biện pháp quản lý, can thiệp thái quá của nhà nước. Đảng Cộng hòa không muốn thắt chặt quản lý trong khi đảng Dân chủ muốn có sự giám sát quản lý hơn của nhà nước. Quan điểm của ông Obama là chính phủ cần có vai trò quan trọng hơn và ông cho rằng chính sự thiếu quản lý là nguyên nhân gây ra.

Thứ ba là trong mối quan hệ với các nước, trong đó có VN. Cả hai đảng đều ủng hộ tự do thương mại, tuy vậy, gần đây đảng Dân chủ có xu hướng “thù địch” hơn đối với thương mại tự do. Chúng ta nhớ rằng năm 1993, tổng thống Bill Clinton thông qua được hiệp định NAFTA ở quốc hội là nhờ phiếu của đảng Cộng hòa chứ không phải của đảng Dân chủ. Đảng Dân chủ không hoàn toàn chống hẳn nhưng họ muốn có những điều kiện đi kèm các hiệp định thương mại tự do như môi trường, điều kiện làm việc...

Màu da của TNS Obama có là lý do cản trở việc ông trở thành tổng thống?

Rào cản chính đối với ông Obama tôi tin là vấn đề màu da - một điểm vừa khiến ông được và mất. Ngoài ra, có một số nhóm cử tri khác hào hứng với quyết định này vì cho rằng một tổng thống da màu thể hiện hình ảnh đất nước tự do, biểu tượng của nước Mỹ.

Mặt khác, ở Mỹ có một nhóm cử tri nhỏ sẵn sàng nói không với màu da (có thể đến 4%), đặc biệt là người già. Đã có những nghiên cứu cho thấy yếu tố màu da này ảnh hưởng khá lớn đến quyết định của cử tri. Tuy vậy, với tình hình kinh tế khó khăn như hiện nay nhiều khả năng cử tri sẽ ít dao động với lựa chọn này.

Về sự lựa chọn bà Sarah Palin đứng chung liên danh, liệu đó có phải là sai lầm của ông McCain khi có nhiều thời gian lựa chọn đến vậy?

Đó là một lựa chọn rất thú vị. Một lựa chọn mà nhiều người Mỹ coi là có vấn đề. TNS McCain là ứng viên tổng thống khi đã lớn tuổi. Ông có vấn đề về sức khỏe.

Tôi nghĩ các tổng thống lớn tuổi nên coi nghiêm túc vấn đề trong trường hợp mình từ trần thì người phó của mình có thể đảm nhiệm được. Tôi lấy làm tiếc nhưng phải nói rằng bản thân tôi thấy không có lý do chính trị nào trong lựa chọn bà Sarah Palin.

Bà không có kỹ năng nổi bật nào để làm phó tổng thống. Tôi không muốn nói ủng hộ đảng Dân chủ, nhưng đây là một vấn đề nghiêm trọng và rất nhiều người e ngại về chuyện này.

Mặt khác, lựa chọn bà Palin cũng thể hiện một truyền thống ở nước Mỹ có từ thời tổng thống Andrew Jackson, cho rằng việc lãnh đạo một đất nước cũng không có gì là khó cả và một người bình thường cũng có thể làm được việc này.

Có thể thấy tâm lý này khi ngay sau đại hội đảng của phe Cộng hòa, tỉ lệ ủng hộ lựa chọn bà Palin đã tăng. Tuy vậy, thời gian qua đi và mọi người đã đánh giá lại. Dù sao mọi người cũng không nên đánh giá thấp bà Palin vì bà đã từng đánh bại thống đốc đương nhiệm của bang Alaska - vốn thường là một việc rất khó.

Nhiệm kỳ của Tổng thống Bush sắp kết thúc, ông đánh giá sao về di sản mà ông Bush làm được?

Không nghi ngờ gì thì đó sẽ là sự kiện 11-9-2001 cùng các cuộc chiến sau đó tại Afghanistan, Iraq; di sản về kinh tế cùng những phê phán về chính sách đối với môi trường của ông. Tôi không nghĩ có thể ngăn chặn được sự kiện 11-9. Sau sự kiện đó, tôi tin mọi tổng thống sẽ đều quyết định đánh Afghanistan, nơi có Taliban và Al Qaeda - lực lượng tiến hành vụ tấn công 11-9. Tuy vậy, nếu tổng thống là Al Gore chắc sẽ không có cuộc chiến ở Iraq.

Về kinh tế có ba vấn đề là mối liên hệ giữa tình trạng thâm hụt ngân sách và cuộc khủng hoảng; việc giảm thiểu vai trò quản lý của chính phủ (vai trò trong cuộc khủng hoảng) và khoảng cách giàu nghèo. Ngoài ra còn một số vấn đề trong chính sách đối nội như chính sách giáo dục, y tế.

Ông nghĩ sao về gói cứu trợ tài chính? Nhiều người coi đó là việc cứu giới tài chính ở Phố Wall hơn là cứu giúp người dân Mỹ thật sự?

Tôi nghĩ đó là quyết định đáng tiếc nhưng vẫn phải làm. Hậu quả của việc không tiến hành gói cứu trợ có thể còn tệ hơn nữa.

Theo Thanh Tuấn
Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG