Không ai cần một cuộc chiến

Không ai cần một cuộc chiến
TP - Hôm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama dự kiến gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và chủ đề là vấn đề hạt nhân Iran cùng bối cảnh địa chính trị ở Trung Đông.

> Mỹ cảnh báo chuẩn bị tấn công Iran

Liệu hai ông có khả năng ngăn chặn cuộc khủng hoảng Iran phát triển thành một cuộc xung đột vũ trang, hay họ sẽ quyết định động binh? Câu trả lời, tất nhiên không chỉ phụ thuộc vào mình họ.

Theo cách hiểu thông thường, rõ ràng chẳng ai được lợi nếu Mỹ và Iran hoặc Iran và liên minh của Mỹ (gồm cả Mỹ và Israel) đấu đầu quân sự. Bởi chiến tranh đồng nghĩa sản lượng dầu giảm và giá tăng lên.

Đây sẽ là đòn giáng mạnh vào kinh tế các nước, đặc biệt là châu Âu, đang trải qua thời kỳ khó khăn.

Ngay cả Nga, nước xuất khẩu dầu mỏ, tưởng đứng giữa đắc lợi, nhưng mà không: chiến tranh xảy ra, phương Tây sẽ tiết giảm chi tiêu, thắt lưng buộc bụng mà cụ thể là giảm tiêu thụ dầu và than từ Nga.

Trung Quốc cũng chẳng lợi lộc gì bởi kinh tế nước này phụ thuộc rất lớn vào khả năng tiêu thụ hàng hóa của các nước phát triển.

Dù không kém phần mạnh miệng nhưng người Iran cũng thừa hiểu rằng một khi chiến tranh xảy ra, cơ sở hạ tầng của nước này sẽ khó tránh khỏi cảnh bị tàn phá.

Cũng có thể trong cuộc chiến dai dẳng với láng giềng Iraq, Iran đã học cách làm quen với sự thiếu thốn hay thương vong nhưng người dân không đời nào muốn chiến tranh trở lại.

Đáng buồn là chính trị không phải lúc nào cũng tỏ ra đúng đắn như chúng ta muốn. Vì thế, các nước, không chỉ Mỹ, Israel hay Iran, vẫn phải chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất.

Nga có thể phải đối đầu với một làn sóng người tị nạn. Chiến tranh có thể lan sang nước láng giềng Azerbaijan vì Iran có thể lấy cớ nước này hợp tác quân sự, mua vũ khí từ Israel.

Mà Azerbaijan tiếp giáp với vùng Dagestan của Nga… Nếu điều này xảy ra, vùng Nargorny Karabakh của Azerbaijan sẽ lại nóng lên với phong trào đòi độc lập của những người gốc Armenia tại đây…

Do vậy, một cuộc chiến ở Iran buộc nhiều quốc gia phải xóa bỏ tính nguyên trạng của nhiều vấn đề, nhiều vùng đất và kéo theo nhiều hệ lụy.

Ngay cả những nước xa xôi và tưởng chừng không liên quan như Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ. Giá xăng dầu tăng kéo theo sự tăng giá của nhiều loại mặt hàng, xuất khẩu bị ảnh hưởng…

Chính vì thế, tránh được chiến tranh là mong muốn của nhiều quốc gia, nhiều dân tộc. Nhưng mong muốn chính đáng ấy có đạt được hay không phần nhiều phụ thuộc vào những cái đầu nóng ở Washington và Tehran.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.