The Lancet: Không nên bỏ phong toả trước khi tìm ra vắc-xin COVID-19

Vũ Hán đã bắt đầu dỡ phong toả từ ngày 8/4. (Ảnh: Reuters)
Vũ Hán đã bắt đầu dỡ phong toả từ ngày 8/4. (Ảnh: Reuters)
TPO - Các biện pháp phong toả trên toàn cầu không nên bị dỡ bỏ cho đến khi tìm ra vắc-xin, nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí y học The Lancet khuyến cáo.

Các biện pháp hạn chế xã hội quyết liệt mà Trung Quốc áp dụng có vẻ đã chặn được làn sóng COVID-19 đầu tiên trên khắp nước này. Nhưng các nhà nghiên cứu sử dụng mô hình toán học để chứng minh rằng việc sớm dỡ bỏ các biện pháp hạn chế có thể dẫn đến một làn sóng dịch bệnh thứ hai. 

Trung Quốc vừa kết thúc 76 ngày phong toả Vũ Hán hôm 8/4. Nhưng một số biện pháp hạn chế vẫn được duy trì vì các cơ quan quản lý hiểu rủi ro đến từ các chuyến tàu và địa điểm du lịch đông kín người trên cả nước. 

“Dù các biện pháp hạn chế đó có vẻ giúp giảm số ca nhiễm bệnh xuống mức thấp, nhưng khi không có miễn dịch tập thể đối với COVID-19, các ca nhiễm có thể dễ dàng bùng lên lần nữa khi các doanh nghiệp, nhà xưởng hoạt động trở lại, trường học mở cửa và gia tăng hoạt động xã hội, đặc biệt trước nguy cơ ngày càng lớn từ các ca ở nước ngoài về khi COVID-19 tiếp tục lây lan trên toàn cầu”, GS Joseph T Wu, công tác tại ĐH Hong Kong và là đồng tác giả nghiên cứu, nói trong thông cáo báo chí đưa ra ngày 8/4. 

Ông cảnh báo rằng tốc độ lây nhiễm sẽ tăng trở lại trừ khi các chính phủ bảo đảm sẽ dỡ bỏ hạn chế một cách từ từ và kiểm soát chặt chẽ các ca bệnh. 

“Dù các biện pháp kiểm soát như giãn cách xã hội và thay đổi hành vi có thể được duy trì một thời gian, sự cân bằng chủ động giữa khôi phục hoạt động kinh tế và giữ tốc độ lây nhiễm ở mức một con số có thể là chiến lược tốt nhất cho đến khi vắc-xin được đưa vào sử dụng rộng rãi”, GS Wu nói. 

Nghiên cứu được đưa ra trong bối cảnh các nước trên khắp thế giới, trong đó có các nước mới chỉ phong toả vài tuần, đang tính toán xem nên giữ hạn chế ở mức nào để có thể đưa nền kinh tế chuyển động trở lại. Làm sai cách có thể khiến dịch bệnh bùng lên trở lại và tái áp dụng các biện pháp hạn chế có thể trở thành thảm hoạ đối với các hệ thống y tế và nền kinh tế, nghiên cứu khuyến cáo.

Đầu tuần này, Áo nói rằng họ sẽ dần dần mở cửa lại các cửa hàng sau lễ Phục sinh, trở thành một trong nhiều nước châu Âu chuẩn bị nới lỏng hạn chế. Tại Đức, một nhóm nhà kinh tế học, luật sư và chuyên gia y tế đang đề xuất mở cửa trở lại nền kinh tế lớn nhất châu Âu để cho phép một số ngành công nghiệp và công nhân khôi phục công việc, trong khi vẫn áp dụng các bước đi để ngăn chặn dịch bùng phát lần nữa. 

Hàng chục học giả viết trong báo cáo được đăng trên trang web của Viện Nghiên cứu kinh tế Ifo rằng họ không kỳ vọng sẽ có vắc-xin phòng COVID-19 trước năm 2021. 

Chính phủ Anh cũng đang đánh giá chính sách phong toả sau gần 3 tuần áp dụng. Nhưng Thị trưởng London Sadiq Khan vừa nói rằng chưa thể nới lỏng hạn chế khi đỉnh dịch dự kiến còn cách hơn 1 tuần nữa. 

Các nhà nghiên cứu Anh gợi ý rằng 4,2 triệu người trẻ, tuổi từ 20-30 và không sống cùng bố mẹ nên được phép quay lại làm việc trước. 

Hai nhà nghiên cứu Andrew J. Oswald và Nattavudh Powdthavee, công tác tại ĐH Warwick, cho rằng ý tưởng đó sẽ làm giảm bớt tổn thất nghiêm trọng đối với nền kinh tế. 

“Trừ khi vắc-xin được tìm ra nhanh chóng, nếu không sẽ không có kế hoạch nào hoàn toàn không rủi ro và đau đớn”, các nhà nghiên cứu Anh kết luận. 

Họ cho rằng ý tưởng này “sẽ giúp tìm lại sự thịnh vượng trước khi suy thoái bất thường diễn ra”. 

Dỡ bỏ phong toả sớm có thể gây hậu quả nặng nề hơn cho một số khu vực.

Phân tích kỹ hơn trong bài viết đăng trên tạp chí The Lancet nói trên chỉ ra rằng rủi ro đối với mạng sống của các bệnh nhân COVID-19 khác nhau theo vùng miền, phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế và sự sẵn có của các nguồn lực y tế. 

Tỷ lệ tử vong ở tỉnh Hồ Bắc là 5,91%, cao hơn gần 6 lần so với các tỉnh thành khác, với 0,98%. 
“Ngay cả những thành phố lớn, thịnh vượng và giàu tài nguyên như Bắc Kinh và Thượng Hải, các nguồn lực y tế cũng có hạn, hệ thống dịch vụ sẽ chật vật với gánh nặng khi nhu cầu tăng đột biến”, GS Gabriel M Leung, công tác tại ĐH Hong Kong và là đồng tác giả báo cáo, nói. 

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.