Khủng bố Bỉ thổi bùng tranh cãi về hiệp định tự do đi lại của EU

Cảnh sát Pháp tái áp đặt kiểm tra xuất nhập cảnh tại biên giới sau vụ khủng bố tại Paris tháng 11/2015. Ảnh: Reuters
Cảnh sát Pháp tái áp đặt kiểm tra xuất nhập cảnh tại biên giới sau vụ khủng bố tại Paris tháng 11/2015. Ảnh: Reuters
Các vụ khủng bố tại Pháp và Bỉ khiến quy chế tự do đi lại trong EU có nguy cơ lung lay, khi các nước muốn thắt chặt biên giới để tăng cường an ninh.

Sau khi các vụ tấn công khủng bố tại thủ đô Brussels diễn ra, cướp đi sinh mạng ít nhất 31 người, giới chức Bỉ đã lập tức tái áp đặt việc kiểm soát tại biên giới, CNBC đưa tin. Động thái này, cùng với các vụ tấn công, làm dấy lên câu hỏi về tương lai của chính sách biên giới mở, vốn có ý nghĩa thiết yếu với sự đi lại của người dân, cũng như hoạt động thương mại tại hầu khắp Liên minh châu Âu (EU).

Hiệu ước Schengen được ký lần đầu năm 1985, cho phép người dân các nước tham gia ký kết tự do đi lại qua biên giới, mà không phải thực hiện các thủ tục kiểm soát nhập cảnh hoặc kiểm tra hộ chiếu. 22 quốc gia EU cùng 4 quốc gia thành viên Hiệp hội Tự do Thương mại châu Âu đã ký kết thỏa thuận này.

"Các vụ tấn công hôm 22/3 rõ ràng không phải tin tốt lành cho Hiệp ước Schengen. Khi các quốc gia lần đầu tái triển khai kiểm soát biên giới khắp châu Âu hồi tháng 9, mục tiêu là nhằm kiểm soát dòng người di cư", Ian Bremmer, chủ tịch tổ chức nghiên cứu Eurasia Group nói với kênh CNBC. "Sau vụ tấn công Paris, việc tạm dừng Schengen là do an ninh quốc gia. Vụ Brussels cũng rơi vào tình huống này".

Vụ khủng bố Brussels là đòn giáng vào châu Âu khi châu lục này vẫn đang phục hồi từ sau vụ tấn công khiến 130 người thiệt mạng tại Paris tháng 11 năm ngoái. Các chuyên gia an ninh và một số công dân châu Âu nhiều khả năng sẽ kêu gọi thắt chặt hơn kiểm soát biên giới, để khiến những kẻ khủng bố khó di chuyển từ nước này sang nước khác.

"Tôi cho rằng giống như nhiều thỏa thuận khác, người châu Âu sẽ tìm cách duy trì Schengen. Nhưng các nước sẽ sẵn sàng hơn trong việc phớt lờ các quy định và áp đặt kiểm soát biên giới nếu họ thấy buộc phải làm vậy", Adriano Bosoni, nhà phân tích cấp cao về địa chính trị châu Âu tại hãng nghiên cứu Stratfor nhận định.

"Một khi bạn đã vào châu Âu, bạn có thể tới bất kỳ đâu bạn muốn", đại tá về hưu của quân đội Mỹ Jack Jacobs nói. "Đây là điều gây ngỡ ngàng trong hàng thập kỷ, làm sao người châu Âu có thể chủ quan như vậy về vấn đề an ninh, khi các biên giới đều mở hoàn toàn".

Lợi ích kinh tế

Biên giới mở có ý nghĩa rất quan trọng với kinh tế châu Âu. Nhiều công ty có trụ sở trong khu vực này đã cơ cấu hoạt động của mình trải rộng xuyên biên giới, với các văn phòng và nhà xưởng đặt tại các quốc gia khác nhau. Nếu kiểm soát biên giới giữa các nước EU, những công ty như vậy sẽ đối diện với sự gia tăng lập tức chi phí vận tải và nhân công, chỉ để di chuyển hàng hóa giữa các cơ sở lắp rắp của mình.

Ông Bremmer cho biết mỗi ngày có tới 1,7 triệu người châu Âu di chuyển qua biên giới để đi làm.

Giám đốc điều hành Karl-Thomas Neumann của hãng ôtô Opel cho biết, công ty ông thường xuyên vận chuyển phụ tùng giữa Đức, Tây Ban Nha, Ba Lan, Anh và Italy. Ngoại trừ Anh, tất cả nước còn lại đều là thành viên Khu vực Schengen.

"Chúng tôi có những cơ sở hậu cần khổng lồ tại khu vực Nam Âu, bất kỳ sự gián đoạn nào cũng lập tức tác động tới toàn dây chuyền", ông Neumann nói.

Một nghiên cứu của viện Bertelsmann Stiftung, Đức hồi tháng trước dự báo, việc gia tăng kiểm soát biên giới sẽ khiến Đức thiệt hại 77 tỷ USD từ nay tới năm 2025. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, Đức sẽ chịu tác động đặc biệt xấu nếu Hiệp ước Schengen bị bãi bỏ, bởi bao quanh nước này đều là các quốc gia thành viên của Khu vực Schengen.

Thỏa thuận hiện tại cho phép các nước thành viên được tạm thời tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới, sau khi gửi đề nghị tới Ủy ban châu Âu (EC). Tuy nhiên, trang web của cơ quan này mô tả bước đi đó như "lựa chọn cuối cùng và chỉ được sử dụng nếu các biện pháp khác không hiệu quả trong việc giảm thiểu một mối đe dọa nghiêm trọng".

"Nếu không thể ngăn chặn người tị nạn, bạn buộc phải đảm bảo rằng các biện pháp an ninh được triển khai mạnh mẽ", ông Bremmer nhận xét và nói thêm rằng một hệ thống như vậy sẽ đòi hỏi phải tăng cường giám sát và "có những quy định khác cho những đối tượng bị xem là mối đe dọa tiềm tàng".

"Điều đó sẽ dẫn tới nhiều bất ổn xã hội. Nó sẽ xé toạc kết cấu mà chúng ta lâu nay vẫn nghĩ về châu Âu. Nó chắc chắn sẽ tác động xấu tới kinh tế", chuyên gia của Eurasia Group nhận định. Tuy nhiên, ông cho rằng nếu muốn tăng cường an ninh, thì kiểm soát biên giới là điều khó tránh.

Nhà phân tích Bosoni của hãng nghiên cứu Stratfor lý giải rằng, mặc dù EC có công cụ pháp lý để trừng phạt các quốc gia tái áp đặt kiểm soát biên giới khi chưa được phép, thì ít khả năng hành động đó sẽ gây tác động đáng kể. Để có thể trừng phạt một nước vi phạm Hiệp ước Schengen, EC phải đạt được sự đồng thuận từ các thành viên. Trong khi đó, bất kỳ quốc gia nào vi phạm quy định cũng có thể dễ dàng tìm kiếm được một số đồng minh để né trừng phạt.

Dù gì, mối lo ngại về an ninh quốc gia cũng sẽ buộc các quốc gia châu Âu phải xem xét lại các thỏa thuận khu vực.

"Những vụ tấn công đó càng làm các vấn đề xã hội, kinh tế và chính trị của châu Âu thêm nhức nhối. EU đã cố gắng lấn át các quốc gia thành viên, nhưng trong thời kỳ khủng hoảng, khi một quốc gia thấy sự toàn vẹn của mình bị đe dọa, họ sẽ quay lại với các chính sách của riêng mình", Bosoni giải thích.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.