Khủng hoảng Covid-19 lan rộng, trò đổ lỗi cũng nóng lên

Ảnh: Reuters
Ảnh: Reuters
TPO - Khi đại dịch Covid-19 lan khắp thế giới và nhiều chính phủ tỏ ra thiếu chuẩn bị để đối phó, trò chơi đổ lỗi đang nóng lên.

Nhưng dù có nhiều quan điểm về nơi bắt nguồn của mầm bệnh, đặc biệt là tại sao các biện pháp chuẩn bị không được triển khai sớm hơn dù các chuyên gia y tế sớm cảnh báo dịch bệnh sẽ không chỉ giới hạn ở châu Á, một số quan chức hàng đầu của Mỹ - Trung đang chỉ tay vào nhau. 

Trong đoạn tweet đăng cuối ngày 16/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng chính phủ Mỹ sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp “đặc biệt chịu ảnh hưởng của virus Trung Quốc”. Trước đây, ông Trump thường dùng cụm từ “virus nước ngoài” trong các bài phát biểu của mình. 

Điều này bị Bắc Kinh coi là nỗ lực nhằm đổ lỗi cho Trung Quốc gây ra đại dịch, phủi tay bất kỳ trách nhiệm nào mà Mỹ và các quan chức phải gánh, CNN bình luận. Và dù cách đối phó với Covid-19 của Trung Quốc trong giai đoạn đầu tiên vấp phải nhiều chỉ trích, nhưng khi virus đã lan khắp thế giới, họ cũng phải có trách nhiệm khống chế dịch. 

Ngày 16/3, số ca nhiễm Covid-19 ngoài Trung Quốc đã vượt qua số lượng ở quốc gia đầu tiên có dịch. Đang có những lo sợ ở nhiều nước châu Á rằng họ đang phải hứng dịch bệnh lây ngược từ châu Âu và Bắc Mỹ, khi hầu hết số ca nhiễm mới ở Trung Quốc trong tuần này đều từ nước ngoài về. Hong Kong hôm qua thông báo cách ly hoàn toàn bất kỳ ai từ nước ngoài đến đặc khu này. 

Vài tuần trước, dư luận Trung Quốc còn phẫn nộ trước cách chính quyền xử lý Covid-19, nhưng không có gì dễ tập hợp ủng hộ của dư luận hơn việc đẩy lỗi cho nước khác, đặc biệt là những người vốn thù địch với Trung Quốc như ông Trump và nhiều quan chức đảng Cộng hòa. 

Hàng triệu người trên khắp Trung Quốc đã phải chịu cảnh sinh tử chia ly, cuộc sống bị đảo lộn khi dịch bệnh lây lan chóng mặt. Nước này vẫn đang tiếp tục phải gánh hậu của của dịch bệnh kéo dài. 

Giới chức Trung Quốc tận dụng cơ hội này để thúc đẩy những thuyết âm mưu không có cơ sở của họ về nguồn gốc của virus. 

Nhân phát biểu của ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) rằng một số ca chết do cúm ở Mỹ sau đó được xác định là do Covid-19, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuần trước nói rằng quân đội Mỹ có thể đã mang virus đến Vũ Hán, dù không có bằng chứng nào, kêu gọi Mỹ hãy “minh bạch” và rằng Mỹ “nợ chúng ta một lời giải thích”. 

Ông này cũng viết trên Twitter rằng khẳng định của ông Redfield “củng cố những khẳng định của các nhà khoa học Mỹ rằng virus xuất phát từ Mỹ nhưng bị che đậy”. 

Ông Triệu và các đồng nghiệp trong Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra bằng chứng nào cho những phát biểu của mình, nhưng họ không cần làm điều đó để đạt được mục đích. Gây nhầm lẫn hoặc bất đồng về nguồn gốc của virus cũng đủ giúp lái dư luận khỏi những chỉ trích về cách giới chức nước này đối phó với dịch bệnh từ lúc đầu. 

Điều buồn cười là khi thúc đẩy những thuyết âm mưu về nguồn gốc virus, ông Triệu cũng đưa ra lời khuyên tốt nhất cho chính phủ các nước bằng cách dẫn câu thành ngữ của người Trung Quốc có nghĩa là: “Tự nhìn lại bản thân khi gặp vấn đề”. 

Covid-19 gây ra thiệt hại lớn về con người và kinh tế, và các dấu hiệu cho thấy thiệt hại còn nặng nề hơn nữa trong thời gian tới. Việc quan chức một nước nào đó chỉ tay đổ lỗi cho nước khác là việc dễ làm hơn là tự gánh vác. Không chỉ Trung Quốc, Mỹ và các nước khác cũng đang đối diện với chỉ trích về sự thất bại trong ngăn chặn dịch bệnh trở thành đại dịch toàn cầu. 

Hệ lụy nguy hiểm

Ông Trump lâu nay vẫn có quan điểm quyết liệt với Trung Quốc trên mặt trận kinh tế. Và việc ông nhấn mạnh nơi khởi nguồn của dịch Covid-10 có thể giúp ông tránh được một số chỉ trích mà chắc chắn ông phải gánh khi kinh tế Mỹ đi xuống vì đại dịch. 

Lực lượng cử tri ủng hộ ông có thể phản ứng tích cực trước việc ông nhấn mạnh yếu tố Trung Quốc trong dịch này, nhưng một bộ phận người Mỹ khác đang đối mặt với những rủi ro thực sự. 
Người Mỹ gốc Á, đặc biệt là gốc Hoa, đang phải đối mặt với tình trạng phân biệt chủng tộc vì Covid-19, trong đó có những cuộc tấn công hoặc xúc phạm nơi đông người. Những vụ việc tương tự xảy ra ở nhiều nơi của châu Âu. 

Đáp lại phát biểu của ông Trump vừa qua, nghị sĩ Mỹ gốc Đài Loan Ted Lieu cảnh báo: “Người Mỹ gốc Á có thể càng bị kỳ thị hơn vì đoạn tweet của ông”. 

“Covid-19 giờ đã là virus Mỹ, virus Italy, virus Tây Ban Nha. Chúng ta đều bị ảnh hưởng và cần làm việc với nhau”, ông Ted Lieu viết.

Virus không có quốc tịch. WHO cũng đã không còn gắn tên quốc gia hay khu vực cho những dịch bệnh mới vì lý do này. Trước đây, việc đặt những tên như Hội chứng hô hấp Trung Đông (Mers) đã dẫn đến tình trạng kỳ thị một số cộng đồng. 

Dù ban đầu người ta tập trung bàn về “virus Vũ Hán” khi dịch bệnh mới xảy ra, tâm dịch hiện nay đã chuyển sang châu Âu. 

Hội nhà báo Mỹ gốc Á nhiều lần kêu gọi các cơ quan báo chí cần trọng trong cách đưa tin về dịch bệnh để “tránh kích thích tư tưởng bài ngoại và kỳ thị chủng tộc – nổi lên khi dịch bệnh bùng phát”. Nhưng kêu gọi này có vẻ không có tác dụng đối với một số lãnh đạo và quan chức.

Theo theo CNN
MỚI - NÓNG