Khủng hoảng Libya: Tướng Haftar qua mặt phương Tây như thế nào?

Tướng Khalifa Haftar. (Ảnh: Getty Image)
Tướng Khalifa Haftar. (Ảnh: Getty Image)
TPO - Khi các nhà ngoại giao phương Tây ngồi suốt 3 giờ đồng hồ với tướng Libya Khalifa Haftar tại căn cứ của ông này ở vùng phía đông đất nước vào tháng trước, họ đã cố thuyết phục ông đừng tấn công vào chính phủ hợp pháp ở thủ đô Tripoli.

Họ thúc giục ông Haftar đừng đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến và nói rằng ông có thể trở thành một lãnh đạo dân sự nếu cam kết theo đuổi một giải pháp chính trị, Reuters dẫn lời 2 nguồn tin nắm được cuộc gặp ở ngoại ô Benghazi cho biết.

Nhưng ông Haftar, một vị tướng quân đội kiên quyết mà nhiều người gọi là Muammar Gaddafi mới, không mấy để tâm đến những khuyên can đó. Ông nói rằng ông đã chuẩn bị để đàm phán với thủ tướng, nhưng nếu không đạt được thỏa thuận chia sẻ quyền lợi nào, ông có thể tấn công thủ đô.

Hai tuần sau, vào ngày 4/4, ông Haftar đưa Quân đội quốc gia Libya (LNA) tự phong tiến về Tripoli, đúng lúc Tổng thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres đang có mặt ở thành phố này để chuẩn bị cho một hội nghị hòa giải quốc gia mà các trợ lý của ông Guterres nghĩ là ông Haftar ủng hộ.

Đối với các cưởng quốc thế giới, trong đó có Pháp, Ý và Anh, chiến dịch quân sự của ông Haftar và cũng là chiến dịch quân sự lớn nhất ở Libya từ năm 2011 khiến nhà lãnh đạo Gaddafi bị lật đổ thì đây là một bước thụt lùi lớn.

Nhiều năm nay, các nước đó cố gắng đưa ông Haftar, 75 tuổi, tham gia vào một giải pháp chính trị có thể ổn định quốc gia giàu tài nguyên dầu mỏ này sau gần chục năm xung đột và trở thành địa bàn cho các lực lượng phiến quân Hồi giáo cực đoan.

Ngay cả UAE và Ai cập, hai nước ủng hộ ông Haftar và coi ông này là bức tường chống lại các lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Bắc Phi, có vẻ cũng bất ngờ trước hành động nhanh chóng của ông. Reuters dẫn lời một nguồn tin ngoại giao của Pháp nói rằng Paris không được báo trước về chiến dịch lần này.

Những nhà ngoại giao từng kêu gọi kiềm chế trong cuộc họp vào tháng trước đã nhắc lại quan điểm của các phái viên của phương Tây và Liên Hợp quốc đưa ra khi đến căn cứ của ông Haftar ở ngoại ô thành phố Benghazi vài tuần trước, các nguồn tin cho biết.

Một dấu hiệu cho thấy tình hình Libya và ông Haftar vượt tầm kiểm soát của LHQ và phương Tây là việc các phái viên LHQ và phương Tây liên lạc mỗi ngày với ông Haftar về hội nghị sắp tới mà vẫn không biết gì về ý định chuẩn bị mở chiến dịch tấn công, 4 nguồn tin ngoại giao cho biết.

Một vài người còn nghĩ rằng vị tướng này đang chơi trò lừa.

“Tất cả chỉ là trò tâm lý”, một quan chức LHQ nhắn tin cho PV Reuters khi đội quân LNA đầu tiên được phát hiện ở Tripoli.

Một số nhà ngoại giao từng gặp ông Haftar nhiều lần đã cực kỳ thất vọng khi ý định chiếm thủ đô của vị tướng này trở nên rõ mồn một.

“Tôi đã lãng phí gần 2 năm với Haftar. Nếu hội nghị quốc gia không diễn ra, tất cả chẳng vì điều gì”, một người thường xuyên gặp ông Haftar nói.

Ai cập, UAE và Pháp

Về phần mình, ông Haftar luôn nhất quán trong các bài phát biểu và tuyên bố của mình về ý định sử dụng vũ lực để khôi phục trật tự ở quốc gia Bắc Phi này, cũng như ý định sẽ trở thành người lãnh đạo đất nước.

Khi lần đầu thông báo về ý định của mình vào tháng 2/2014, người đàn ông với vẻ mặt ảm đạm, tóc hoa râm và mặc quân phục này đứng trước tấm bản đồ Libya và tuyên bố sẽ đảo chính.

Các nước phương Tây rời khỏi Libya sau chiến sự tại Tripoli năm 2014. Các đại sứ quán và chương trình huấn luyện của NATO phải đóng lại, cho đến năm 2016.

Giai đoạn trống vắng này mở ra cánh cửa cho các nước Ả-rập như Ai Cập và UAE cung cấp hỗ trợ quân sự và huấn luyện, theo các nhà ngoại giao và cáo báo cáo của các chuyên gia LHQ chịu trách nhiệm giám sát lệnh cấm vận vũ khí với Libya từ năm 2011.

Lực lượng của ông Haftar nhận được máy bay cũng như các phương tiện quân sự từ UAE. UAE còn xây một căn cứ không quân ở Al Khadim, cho phép lực lượng LNA của ông Haftar giành được lợi thế trên không từ năm 2016, theo báo cáo của LHQ đưa ra vào tháng 6/2017.

Nhưng trên mặt đất, ông Haftar vất vả mới giành được tiến triển trong chiến dịch đầu tiên vào tháng 5/2014 để chống lại lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Benghazi mà ông Haftar gọi là “Chiến dịch phẩm giá”. Các máy bay và súng máy của ông san phẳng nhiều nhà dân trong chiến dịch này nhưng không thể đánh bật các tay súng nước ngoài.

Vào thời điểm đó, Pháp, nước có đầu tư vào tài sản dầu khí ở Libya và có quan hệ chính trị thân thiết với UAE và Ai Cập, đã ra tay hỗ trợ, các nguồn tin từ Libya và Pháp tiết lộ.

Cuối năm 2015, Paris cử cố vấn quân sự và lực lượng đặc nhiệm về chiến tranh đô thị đến căn cứ không quân gần Benghazi, các nguồn tin cho biết. Sự hỗ trợ của Pháp giúp thay đổi tình hình và ông Haftar tuyên bố chiến thắng ở Benghazi năm 2017.

Khủng hoảng Libya: Tướng Haftar qua mặt phương Tây như thế nào? ảnh 2 Lực lượng LNA tiến về Tripoli. (Ảnh: Getty Images)

Các nước Ả-rập công nhận ông Haftar là tư lệnh quân đội chính thức của Libya từ nhiều năm nay, nhưng Pháp giúp ông có được sự thừa nhận quốc tế khi các chiến dịch của ông tiến triển.
Năm 2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón ông Haftar và Thủ tướng Libya Fayez al-Serraj đến một địa điểm ở ngoại ô Paris để thuyết phục hai người thương lượng với nhau.

Tổng thống Macron và Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian coi ông Haftar như người có thể duy trì vùng đệm ngăn cách với các lực lượng phiến quân Hồi giáo ở Bắc Mỹ, giống như quan điểm của họ đối với Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi, các quan chức Pháp cho biết.

Ông Le Drian từng bay đến Libya 3 lần trong vòng 2 năm. Và trong chuyến gần đây nhất vào ngày 20/3, ông đã gặp Thủ tướng Serraj tại Tripoli rồi sau đó bay đến miền đông để gặp ông Haftar nhằm bắc cây cầu hòa giải.

Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, khi ông Haftar hỏi vì sao không đến trong thời gian dài như vậy, ông Le Drian trả lời: “Chúng tôi đang chờ chiến thắng của ông”. Ý của Ngoại trưởng Pháp là muốn nhắc đến chiến dịch của ông Haftar khi giành quyền kiểm soát khu vực phía nam đất nước vào đầu năm nay, nguồn tin cho biết.

Sau đà tiến của ông Haftar về Tripoli, Tổng thống Sisi của Ai Cập nhấn mạnh phải có hành động quốc tế khẩn cấp để ngăn tình hình Libya xấu đi, nhưng không tiết lộ đến cuộc tấn công của LNA. Chính phủ Pháp, Ý, UAE, Anh và Mỹ nói trong một tuyên bố chung rằng họ lo ngại sâu sắc về diễn biến ở Libya.

Ngoại trưởng Pháp Le Drian nói trước các nhà làm luật Pháp hôm 9/4 vừa qua rằng Pháp sợ sẽ nổ ra xung đột nghiêm trọng hơn ở Syria, và rằng ông Haftar và ông Seraj cần đồng ý ngừng bắn để quay lại đối thoại.

Từng được CIA cứu

Ông Haftar là một trong những sĩ quan đã giúp ông Gaddafi lên làm tổng thống vào năm 1969, nhưng cũng gặp nạn cùng nhà lãnh đạo này trong cuộc chiến của Libya với Chad trong những năm 1980. Ông Haftar bị Chad bắt làm tù binh nhưng đã được CIA cứu sau khi ông này đồng ý hợp tác với Chad để lật đổ ông Gaddafi.

Ông Haftar sống ở bang Virginia của Mỹ trong khoảng 20 năm rồi trở về nước vào năm 2011 để tham gia cùng các lực lượng phiến quân lật đổ ông Gaddafi.

Ba năm sau đó, ông Haftar có bước đi riêng của mình khi mở chiến dịch tấn công ở Benghazi.
Vào thời điểm đó, ông Haftar mới tập hợp được khoảng 200 tay súng và 13 máy bay dưới lá cờ LNA, ông Jalel Harchaoui, nhà nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế Clingendael, một tổ chức phi chính phủ tại Hà Lan, cho biết.

Nhưng ông Haftar nhanh chóng tập hợp được nhiều binh lính như đơn vị tinh nhuệ Saiqa cũng như các bộ lạc.

Chưa có số liệu đáng tin cậy về quy mô hiện tại của LNA, nhưng các nhà phân tích nước tính khoảng vài ngàn. Riêng Saiqa đã có khoảng 3.500 người.

Lực lượng của ông Haftar đông hơn hẳn các đối thủ có quân rải rác ở nhiều thành phố miền tây. Ông Haftar còn bổ sung vào hàng ngũ của mình không chỉ các binh lính ngày xưa của ông Gaddafi mà cả những thổ dân ít được đào tạo hơn, cùng các tay súng Salaf và lính đánh thuê nước ngoài, các nhà phân tích cho biết.

Sau Benghazi, ông Haftar dần chiếm quyền kiểm soát toàn bộ miền đông Libya trước khi hướng sự chú ý xuống miền nam.

Cuộc tấn công Tripoli là canh bạc lớn nhất của vị tướng này cho đến nay.

Ông Haftar đã chuyển phần lớn lực lượng về phía tây, khiến căn cứ ở quê nhà miền đông bị rơi vào thế nhạy cảm và khiến ông không thể rút lui mà không phải trả giá.

Trận chiến ở thủ đô vẫn đang diễn ra và chưa có điều gì chắc chắn. Một số tờ báo ủng hộ ông Haftar dự đoán vị tướng này sẽ chiến thắng trong vòng 48 giờ, nhưng cuộc chiến vẫn chưa dứt, chủ yếu diễn ra ở ngoại ô  thành phố.

Trong khi đó, cuộc tấn công của ông Haftar đã khiến những lực lượng đối lập ở miền tây Libya đoàn kết lại với nhau, dù trước đó họ không hề đối thoại.

“Dù không nhà tài trợ nước ngoài nào phía sau Haftar hài lòng với tình thế này nhưng họ không còn cách nào khác ngoài việc tiếp tục hậu thuẫn ông ấy. Họ đã tập trung cá cược vào một nhân vật suốt nửa thập kỷ qua. Và tình hình không thể thay đổi chỉ sau một đêm”, nhà nghiên cứu Harchaoui đánh giá.

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG