Khủng hoảng ngoại giao về vấn đề nhà nước Palestine

Khủng hoảng ngoại giao về vấn đề nhà nước Palestine
TP - Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm 20-9 bắt đầu một chiến dịch ngoại giao nhằm giành tư cách thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ) cho Palestine, bất chấp sự phản đối quyết liệt của Israel và tuyên bố sẽ phủ quyết của Mỹ.

Palestine xin gia nhập Liên Hợp Quốc

Ông Abbas hôm 20-9 có chương trình gặp Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, Tổng thống Li Băng Michel Suleiman và lãnh đạo một số nước khác để tìm kiếm sự ủng hộ trong một nỗ lực đẩy vấn đề Palestine trở thành một nhà nước độc lập lên tâm điểm thảo luận tại Đại hội đồng LHQ năm nay. Ông Abbas sẽ có bài phát biểu ngày 23-9 tại phiên họp Đại hội đồng ở New York, đồng thời gửi thư chính thức lên Tổng Thư ký LHQ đề nghị công nhận Palestine là một thành viên đầy đủ của tổ chức này.

Đại diện của nhóm bộ tứ đang làm trung gian hòa giải cho một giải pháp hòa bình ở Trung Đông gồm Mỹ, LHQ, Liên minh châu Âu (EU) và Nga gặp nhau ngày 20-9 nhằm tránh để xảy ra một cuộc đối đầu về vấn đề thành lập nhà nước Palestine độc lập tại Đại hội đồng năm nay.

Nhóm bộ tứ muốn tìm cách thuyết phục Palestine từ bỏ việc gửi thư chính thức đề nghị LHQ công nhận Palestine là một thành viên chính thức và muốn có đủ điều kiện để thuyết phục Israel ủng hộ lập trường của bộ tứ.

Trong nhóm bộ tứ này, đến nay mới chỉ có Nga ủng hộ việc công nhận tư cách thành viên LHQ của Palestine, các bên còn lại muốn việc công nhận này xảy ra sau khi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Palestine và Israel đạt được kết quả thỏa hiệp.

Trong lúc các nhà lãnh đạo Palestine tìm kiếm sự công nhận của LHQ về một nhà nước Palestine độc lập, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại New York kêu gọi ông Abbas có cuộc gặp cấp cao giữa hai nước.

Ông Netanyahu muốn nối lại các cuộc đàm phán hòa bình, tăng thêm sức ép lên Tổng thống Abbas, đồng thời tạo ra một cơn lốc ngoại giao quanh việc Palestine chính thức gửi thư lên LHQ đòi thành lập nhà nước độc lập. Israel muốn có các cuộc đàm phán trực tiếp với Tổng thống Abbas tại New York nhân dịp họp Đại hội đồng năm nay và tiếp tục đàm phán thêm tại Jerusalem và Ramallah.

Người dân Palestine vẫy cờ tại cảng biển Gaza Ảnh: Reuters
Người dân Palestine vẫy cờ tại cảng biển Gaza Ảnh: Reuters .

Bất chấp các sức ép đến từ Israel và Mỹ, Tổng thống Abbas nói rằng, lập trường của Palestine không dao động trước áp lực rất lớn nhằm buộc Palestine từ bỏ nỗ lực đòi LHQ công nhận là thành viên trước khi nối lại các cuộc đàm phán hòa bình với Israel như Washington và Tel Aviv mong muốn. Các trợ lý cao cấp của Tổng thống Abbas cho biết, ông rất kiên cường trước mọi đe dọa về việc có thêm biện pháp trừng phạt Palestine.

Ông Mohammed Ishtayed, một trợ lý của Tổng thống Palestine, cho biết, ông Abbas nói với mọi người rằng, 20 năm đàm phán về một giải pháp hòa bình Trung Đông là quá đủ, thế giới cần phải can thiệp để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel vì Mỹ đã không thể làm được điều này.

Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cho rằng, vẫn còn thời gian để tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay. Bà nói Mỹ đang thảo luận với tất cả các bên để tháo ngòi nổ đối đầu trong vấn đề công nhận Palestine là một nhà nước độc lập.

Bà cho rằng, vẫn còn vài ngày nữa để các bên tìm kiếm thỏa hiệp trước khi Tổng thống Abbas phát biểu tại Đại hội đồng LHQ. Bà Clinton cùng giọng điệu với Thủ tướng Israel Netanyahu khi kêu gọi có các cuộc đàm phán mới và nhắc lại lập trường của Mỹ rằng con đường duy nhất để thành lập một nhà nước Palestine độc lập là thông qua đàm phán với Israel.

Trợ lý cao cấp Nabil Shaath của Tổng thống Palestine cho biết, ông Abbas đã thông báo với Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hôm 19-9 rằng, Palestine sẽ chính thức gửi lên Tổng Thư ký một lá thư đề nghị công nhận Palestine là một thành viên đầy đủ của LHQ. Theo qui định, bất cứ nước nào muốn trở thành thành viên LHQ đều phải gửi một lá thư chính thức lên Tổng Thư ký LHQ để bày tỏ nước mình là một quốc gia yêu chuộng hòa bình và chấp nhận Hiến chương LHQ.

Nếu vào thứ 6 tới, Tổng thống Abbas gửi thư lên Tổng Thư ký LHQ, ông Ban Ki-moon sẽ phải đọc kỹ, sau đó chuyển tiếp tới 15 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ để được thông qua trước khi vấn đề được đưa ra bỏ phiếu tại Đại hội đồng LHQ.

Nguyễn Đại Phượng tổng hợp

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ tháng. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. 
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.