Khủng hoảng Pháp tai hại cho cả châu Âu

Một cảnh tượng hỗn loạn trên đường phố Paris. Ảnh: Guardian
Một cảnh tượng hỗn loạn trên đường phố Paris. Ảnh: Guardian
TP - Các nhà phân tích cho rằng, một vị tổng thống theo đuổi cải cách, hứa hẹn tạo nên cuộc “phục hưng cho châu Âu” lại đang trở thành “người ốm” và đáng được giúp đỡ. Mọi việc bắt đầu từ thời điểm người biểu tình làm biến dạng bức tượng nàng Marianne - một biểu tượng của nền cộng hòa ở Khải hoàn môn của Paris.

Chỉ 3 tuần trước đó, các lãnh đạo thế giới đến đó để cùng ông Macron dự lễ kỷ niệm 100 năm kết thúc Thế chiến 1. Nếu những “đam mê buồn” mà ông Macron nhiều lần cảnh báo lấn át nước Pháp, toàn bộ lục địa sẽ bị ảnh hưởng chứ không chỉ riêng sự nghiệp chính trị của một vị tổng thống. 

Các lực lượng cực đoan trên khắp các nước châu Âu đang hân hoan trước tình cảnh của ông Macron. Điều họ muốn là sự thay đổi chính trị ở châu Âu trong cuộc bầu cử nghị viện EU vào tháng 5 tới. Những biến động hiện nay ở Pháp trở thành điềm xấu, và ý nghĩa của nó vượt xa khỏi biên giới một quốc gia. 

Cách đây không lâu, ông Macron gọi mình là kẻ thù không đội trời chung với Phó Thủ tướng Ý Salvini và Thủ tướng Hungary Viktor Orbán - hai nhà lãnh đạo theo đuổi chính sách nhằm vào người nhập cư, các đối thủ chính trị và pháp quyền. Nhưng ông Macron nay đang bị suy yếu và cô lập hơn bao giờ hết. 

Bài bình luận vừa đăng trên Guardian cho rằng cuộc khủng hoảng của Pháp còn chứa đựng vấn đề nguy hiểm hơn nhiều, thể hiện bởi một người khoác áo vàng là Christophe Chalencon. Người thợ rèn đến từ vùng Vaucluse ở miền nam này công khai chống Hồi giáo và kêu gọi phải có một chính phủ do quân đội lãnh đạo, vì “một tư lệnh, một vị tướng và một bàn tay mạnh thực sự là điều chúng tôi cần”, Chalencon nói. Phong trào cực hữu mang tên Action Francaise cũng đang nỗ lực trở lại. 

Giới quan sát cho rằng việc chính phủ Pháp hôm 4/12 thông báo hoãn tăng thuế có thể là quá ít và quá muộn. Nỗi lo lắng của người Pháp còn nhiều hơn chuyện tăng thuế. Họ lo về việc mất sức mạnh và uy tín, sợ tác động của toàn cầu hóa, sợ mất “bản sắc dân tộc”. Nước này đang bị những đường nứt sâu mà một vị tổng thống khó có thể hàn gắn chỉ trong 18 tháng. 

Khi chạy đua tranh cử năm 2017, ông Macron hứa sẽ tạo nên một “cuộc cách mạng” để giải quyết nhu cầu cần đổi mới trong nước và xốc lại uy tín của người Pháp, không chỉ ở châu Âu. 
Giờ đây ông có vẻ đã bị tê liệt, và kế hoạch của ông về châu Âu có thể cũng không hứa hẹn gì. Ông Macron yếu đi sẽ tạo cơ hội cho những người mang tư tưởng cực đoan và dân túy trên khắp châu lục. Nếu không tìm được giải pháp, cuộc bầu cử nghị viện châu Âu tại Pháp năm 2019 có nguy cơ trở thành cuộc trưng cầu dân ý chống lại ông Macron. 

Một ngày sau khi thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế nhiên liệu vì sức ép biểu tình, chính quyền  của Tổng thống Macron hôm qua cho biết họ có thể cũng sẽ sửa luật thuế tài sản mà những người chỉ trích cho rằng quá dễ dàng với người giàu. Ông Benjamin Cauchy, thủ lĩnh lực lượng biểu tình nói rằng việc chính phủ hoãn tăng thuế nhiên liệu trong 6 tháng chỉ là “vụn bánh mì”, điều họ cần là “cả chiếc bánh”, nghĩa là hủy kế hoạch này. Lực lượng áo vàng nói sẽ tiếp tục biểu tình vào thứ 7 này, Reuters đưa tin.

MỚI - NÓNG