Khủng hoảng Qatar đe doạ Vành đai và Con đường của Trung Quốc?

TPO - Cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa Qatar và các quốc gia Vùng Vịnh gián tiếp đe doạ Sáng kiến Vành đai và Con đường do Trung Quốc khởi xướng.

Được đưa ra năm 2013 bởi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, đây được coi là một tầm nhìn rộng lớn cho sự kết nối châu Á, châu Phi và châu Âu, được đầu tư hàng tỷ USD cho cơ sở hạ tầng.

40 tỷ trong quỹ 100 tỷ USD của ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu đã được sử dụng như một quỹ đặc biệt cho dự án này.

Sáng kiến Vành đai và Con đường có tên đầy đủ là Vành đai Kinh tế Con đường Tơ lụa và Con đường Tơ lụa Trên biển thế kỷ 21.

Theo các nhà phân tích, việc một số quốc gia Vùng Vịnh tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar những ngày qua sẽ ảnh hưởng không nhỏ đối với sáng kiến của Bắc Kinh.

Có tới 65 quốc gia trải dài từ châu Á, Phi, Âu tham gia vào sáng kiến trên, trong đó, Bán đảo Ả Rập là nguồn cung cấp dầu mỏ hàng đầu cho Trung Quốc.

Ngay sau khi cuộc khủng hoảng ngoại giao Vùng Vịnh diễn ra, giá dầu toàn cầu lập tức tăng vọt vào đầu phiên giao dịch đầu tuần. Điều này cho thấy tác động của vùng Vịnh đối với nền kinh tế thế giới.

Zhu Bin, một nhà phân tích của Southwest Securities, cho biết: "Việc hàng loạt quốc gia cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar đánh dấu sự khởi đầu của một vòng hỗn loạn mới".

Đối tác quan trọng của Vành đai và Con đường

Sở dĩ Vùng Vịnh được xem là đối tác quan trọng của Vành đai và Con đường một phần do vị trí chiến lược nằm giữa châu Á và châu Âu. Các công ty Trung Quốc những năm gần đây cũng giành được nhiều hợp đồng trong các dự án cơ sở hạ tầng lớn ở Trung Đông.

Ả-rập Xê-út là đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc trong khu vực. Trung Quốc hiện là khách hàng dầu mỏ lớn nhất của Ả-rập Xê-út.

Năm 2015, xuất khẩu của Ả-rập Xê-út sang Trung Quốc đạt 5,61 tỷ USD và nhập khẩu trị giá 23,97 tỷ USD. Năm ngoái, tổng thương mại hai nước đạt 42 tỷ USD.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Qatar sang Trung Quốc đạt 5,24 tỷ USD và nhập khẩu đạt 3,7 tỷ USD.

Vào tháng 6/2015, ICBC đã trở thành ngân hàng Trung Quốc đầu tiên có sự hiện diện bán lẻ tại Ả-rập Xê-út khi mở chi nhánh tại Riyadh. Một tháng trước đó, Qatar  là quốc gia đầu tiên ở Trung Đông mà thành lập trung tâm thanh toán bằng tiền nhân dân tệ của Trung Quốc.

Đầu năm nay, Trung Quốc và Ả-rập Xê-út ký một bản ghi nhớ về hợp tác đầu tư trị giá 65 tỷ USD, bao gồm cả nỗ lực chung trong lĩnh vực năng lượng và tài chính. Trung Quốc cũng đã ký hợp tác với Ả-rập Xê-út để sản xuất máy bay không người lái CH-4.

Năm ngoái, Cosco Shipping Ports của Trung Quốc đã đầu tư 400 triệu USD để xây dựng cảng container tại Abu Dhabi, thủ đô của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất.

Tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Xê-út Khalid Al-Falih ca ngợi sáng kiến Vành đai và Con đường tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Bắc Kinh và nói rằng "tiềm năng của sáng kiến độc đáo này đầy hứa hẹn".

Năm ngoái, Qatar cũng đã trở thành đối tác chính để thúc đẩy sáng kiến này, cam kết sẽ đóng một vai trò thành viên tích cực.

Trung Quốc làm gì để giải quyết khủng hoảng Vùng Vịnh?

Theo truyền thống, Trung Quốc thường đứng ngoài các vấn đề chính trị ở Trung Đông. Trung Quốc sẽ không muốn đứng hẳn về bên nào để duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các đối tác thương mại.

Năm ngoái, Bắc Kinh bổ nhiệm nhóm đặc phái đầu tiên cho cuộc khủng hoảng Syria, được xem như là một động thái để tham gia nhiều hơn vào ngoại giao Trung Đông.

Trong bài báo về chính sách Ả rập đầu tiên của Trung Quốc phát hành vào đầu năm ngoái, Trung Quốc đã nhắc lại cam kết của mình về hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ông Pang Zhongying, một thành viên cao cấp tại Đại học Đại dương, tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc nhận định: "Trung Quốc có một lợi ích kinh tế to lớn ở Trung Đông. Sáng kiến Vành đai và Con đường cũng như các sáng kiến khác đang được thiết lập giúp Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng địa - chính trị trong khu vực.

Trung Quốc có thể sẽ phải xem xét  điều chỉnh phương châm ngoại giao 'không can thiệp' nếu không muốn sáng kiến Vành đai và Con đường bị phá sản".

Hiện chính quyền Trung Quốc chưa đưa ra bình luận chính thức trước những diễn biến đang diễn ra ở Vùng Vịnh.

Theo South China Morning Post
MỚI - NÓNG