Khủng hoảng tiếp diễn tại Sudan

Khủng hoảng tiếp diễn tại Sudan
Bạo động tiếp tục nổ ra trên đường phố thủ đô Khartoum sau cái chết của nhà lãnh đạo miền Nam là ông John Garang. Đã xảy ra những vụ hỗn loạn trong thành phố.

Ủy ban Hồng Thập Tự Quốc tế nói họ thấy 84 xác người chết trong 2 ngày bạo động.

Người kế vị ông Garang là ông Salva Kiir đã kêu gọi ngưng bạo động.

Vào đầu năm nay việc ký một thỏa thuận hòa bình đã chấm dứt những cuộc chiến kéo dài nhiều năm nhất tại châu Phi. Thỏa thuận này đánh dấu điều nhiều người xem là sự khởi đầu của một thời kỳ mới ở Sudan và khép lại cuộc nội chiến.

Cựu lãnh đạo phiến quân miền Nam Sudan John Garang đã mang hy vọng tới cho hàng triệu người bằng việc bỏ vũ khí và đảm nhận cương vị Phó tổng thống Sudan.

Thế nhưng với cái chết của ông vào hôm thứ Bảy tuần trước thì hy vọng nay dường như tan biến.

Bạo động nổ ra tại thủ đô Khartoum giữa người Ả rập và người Sudan miền Nam. Phóng viên Jonah Fisher nói rằng hiện chưa có dấu hiệu ngưng bạo động sau cái chết của ông John Garang.

Đe dọa thỏa thuận hòa bình

Tổng thống Omar al Bashir và nhà lãnh đạo miền Nam mới là ông Salva Kiir đều kêu gọi kiềm chế. Ông Kiir nói rằng bạo động đã đe dọa tới thỏa thuận hòa bình vốn chấm dứt nội chiến.

Ông Kiir nói rằng thông điệp của ông cho mọi người là duy trì ổn định và hòa bình bởi sẽ không có tiến bộ gì khi thù nghịch vẫn còn.

Tổng thống Omar al Bashir cũng tuyên bố thành lập một ủy ban hỗn hợp nhằm điều tra vụ rơi máy bay trong đó ông Garang thiệt mạng.

Đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Khartoum Jan Pronk trước đó đã nói rằng không có lý do để người dân tin rằng tai nạn máy bay lại là một điều gì khác.

Uỷ ban Hồng thâp tự Quốc tế đã tham gia sơ tán cộng đồng dân cư tại thủ đô Khartoum bị kẹt trong các cuộc bạo động. Người phát ngôn tổ chức này là Paul Coneally nói ông lo ngại rằng bạo động sẽ ngoài vòng kiểm soát.

Ông còn nói là tình hình đang hết sức căng thẳng, đặc biệt là ở ngoại ô Khartoum, nơi nhiều dân chúng thuộc cộng đồng dân Nam Sudan sinh sống. 

Khủng hoảng tiếp diễn tại Sudan ảnh 1
Thủ đô Khartoum có khoảng 4 triệu dân

Phương hướng giải quyết

Vậy làm sao có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay? Các nhà phân tích nhất trí rằng Mặt trân Giải phóng nhân dân Sudan và Chính phủ trước hết phải khống chế bạo động tại miền Bắc.

Các chuyên gia nói họ cũng phải có hành động chính trị để giữ tiến trình hòa bình khỏi bị chệch hướng.

Một số nhà bình luận cũng nói về ý nghĩa của việc ông Salva Kiir tuyên thệ nhậm chức Phó tổng thống rằng ông Salva Kiir là một nhân vật hội đủ các tiêu chí.

Ông có khả năng trở thành một nhà lãnh đạo tốt hơn so với ông Garang vì ở vị thế thuận lợi hơn trong nỗ lực thu phục các sắc dân khác nhau và có cách tiếp cận dân chủ hơn ông Garang.

MỚI - NÓNG