Khủng hoảng Ukraine: Nato không loại trừ giải pháp quân sự

Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp gặp nhau ngày 6/2 tại Mátxcơva. Ảnh: Getty Images.
Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp gặp nhau ngày 6/2 tại Mátxcơva. Ảnh: Getty Images.
TP - Tại Hội nghị An ninh Munich mới đây, Thủ tướng Đức Angela Merkel phát biểu, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine chống quân ly khai sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng; Berlin không đối đầu mà hợp tác với Nga vì an ninh châu Âu. Quan điểm của Đức được Pháp ủng hộ, nhưng bị phe diều hâu Mỹ chỉ trích, Reuters đưa tin.

Thủ tướng Merkel nhấn mạnh, Đức muốn tạo lập an ninh ở châu Âu cùng với Nga, chứ không phải chống lại Nga. Theo bà, không ai muốn một lần nữa chia cắt châu Âu, đồng thời bác bỏ khả năng giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp quân sự. Bà nói rằng, không nên quá kỳ vọng việc nhanh chóng đạt giải pháp hòa bình về đông Ukraine.

Theo Thủ tướng Merkel, kết quả đạt được tại cuộc đàm phán ở Mátxcơva là các bên đi tới thực thi lệnh ngừng bắn để thực hiện Thỏa thuận Minsk. Bà cho biết sẽ tiếp tục điện đàm với các tổng thống Nga, Pháp và Ukraine để cụ thể hóa thỏa thuận đạt được cũng như các bước đi nhằm thực thi Thỏa thuận Minsk. Tại Munich, bà Merkel có cuộc thảo luận với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về vấn đề trên cũng như về kết quả cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Bà Merkel thẳng thừng bác bỏ quan điểm viện trợ vũ khí sát thương cho Kiev mà Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc để giúp giải quyết xung đột. “Tôi hiểu rõ vấn đề tranh luận nhưng tôi tin rằng nhiều vũ khí hơn sẽ không dẫn tới những tiến bộ Ukraine cần”, Thủ tướng Đức nói. Ngày 8/2, bà Merkel lên đường thăm Mỹ để tiếp tục thảo luận với Tổng thống Obama về cuộc khủng hoảng Ukraine. Mỹ và các nước Tây Âu đang có bất đồng về việc cung cấp vũ khí cho Ukraine để đẩy lui lực lượng ly khai.

NATO không loại trừ giải pháp quân sự

Phó Tổng thống Biden phát biểu, ông và Tổng thống Obama nhất trí rằng, sẽ không bỏ qua bất kỳ nỗ lực giải quyết hòa bình nào. Nhưng Phó Tổng thống Mỹ công khai rằng, Washington đã sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Kiev để tự vệ.

Quan điểm của Thủ tướng Đức đã bị một số thượng nghị sĩ Mỹ như Lyndsey Graham, John McCain… chỉ trích. Ông McCain mỉa mai: “Người Ukraine đang bị tàn sát, còn chúng ta đang gửi chăn và thức ăn cho họ. Những tấm chăn không thể đương đầu nổi với xe tăng Nga”.

Trước đó, Tư lệnh NATO tại châu Âu, tướng không quân Mỹ Philip Breedlove, bác bỏ việc đưa quân tới giúp Ukraine trong cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhưng theo hãng tin AP, phát biểu trước phóng viên tại Munich ngày 7/2, tướng Breedlove lại tuyên bố phương Tây sẽ không loại trừ lựa chọn quân sự cho vấn đề Ukraine, đồng thời ám chỉ khả năng cung cấp vũ khí cho Kiev hơn là điều binh lính tới nước này.

Tư lệnh NATO cho rằng, đề xuất của Tổng thống Nga nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Đông Ukraine là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”. Được hỏi liệu ông có ủng hộ việc cung cấp vũ khí phòng vệ cho quân đội Ukraine hay không, tướng Breedlove nói: “Tôi không nghĩ chúng ta nên loại bỏ khả năng sử dụng lựa chọn quân sự. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa đề cập việc đưa quân tới thực địa”.

Giới phân tích nhận định, nếu Nga và Ukraine không nhất trí được việc thực hiện Thỏa thuận Minsk, ngoài tăng cường trừng phạt, Mỹ nhiều khả năng sẽ cung cấp vũ khí cho Ukraine để đẩy lui lực lượng ly khai ở Đông Ukraine. Trong khi đó, báo Mỹ Wall Street Journal tường thuật giao tranh vẫn tiếp diễn ở đông Ukraine. Trong 24h qua có 26 lính Ukraine và 14 quân ly khai thương vong 14, ít nhất 10 dân thường thiệt mạng trong các trận pháo kích.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có mặt tại Munich cho biết, có sự lạc quan rằng đàm phán tay ba Nga - Đức - Pháp sẽ mang lại một thỏa thuận. Tuy nhiên, ông Lavrov buộc tội châu Âu và Mỹ đã hậu thuẫn cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovich, và nhắm mắt trước những kẻ dân tộc chủ nghĩa có ý đồ thanh trừng sắc tộc ở đông Ukraine.

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói với báo giới rằng, cuộc đàm phán với ông Putin là nỗ lực cuối cùng để tránh một cuộc xung đột toàn diện bùng nổ. Ông Hollande, bà Merkel, ông Putin và ông Poroshenko sẽ điện đàm với nhau ngày 8/2, trước khi bà Merkel lên đường sang Washington.

 Sau cuộc gặp bên lề Hội nghị Munich giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, Nga sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích quốc gia và lập trường có tính nguyên tắc về các vấn đề quan trọng, hãng Sputnik (Nga) ngày 8/2 đưa tin. Sau cuộc gặp với Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp, Tổng thống Putin phát biểu rằng, Nga đang không ở trong tình trạng chiến tranh và sẽ không gây chiến với bất cứ ai. Nhưng ông Putin chỉ trích lệnh trừng phạt của phương Tây và tuyên bố không chấp nhận những mưu toan kiềm chế Nga. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG