Khủng hoảng vùng Vịnh: Lối thoát nào cho kinh tế Qatar?

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Không những phải chống chọi với "cơn bão" chính trị, Qatar còn phải nỗ lực vượt qua sự phong tỏa kinh tế ngặt nghèo mà các cường quốc vùng Vịnh đứng đầu là Saudi Arabia áp đặt.

Trong một nỗ lực làm tê liệt hoàn toàn nền kinh tế của Qatar, ngày 28/6 ba quốc gia vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain đã rút 16 tỷ USD tiền gửi ngắn hạn từ các ngân hàng Qatar.

Động thái này có thể làm trầm trọng thêm tình trạng khan hiếm USD vốn đã xuất hiện ở Qatar kể từ khi một loạt nước Arab cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha hôm 5/6. Đồng thời khiến cho nền kinh tế của Quốc gia vùng Vịnh nhỏ bé này có thể phải đối mặt với một cuộc suy thoái nghiêm trọng.

Để chống chọi với sự phong tỏa kinh tế nghiêm ngặt của các nước vùng Vịnh đứng đầu là Saudi Arabia, các ngân hàng Qatar đang theo đuổi các chính sách tài chính mới, dự kiến được thực thi trong vài ngày tới để cải thiện khả năng thu mua USD.

Ngoài ra, chính phủ Qatar tập trung đẩy mạnh tiến độ hoàn thành các hợp đồng kinh tế-xây dựng với các công ty đã đang có quan hệ làm ăn với Qatar, bao gồm nhà thầu Dubai Drake & Scull International, hiện đang có các dự án trị giá 136 triệu USD tại Qatar. Trong đó, có một hợp đồng xây dựng dự án hệ thống đường sắt Doha Metro trị giá 93,4 triệu USD, dự kiến hoàn thành vào năm 2020 trước khi diễn ra World Cup FIFA 2022 tại Qatar.

Một công ty khác của Dubai là tập đoàn bất động sản Damac Properties, hiện tham gia xây dựng một tòa tháp sang trọng 31 tầng ở Doha, cũng đã không bỏ đi và cam kết gắn bó với Qatar. Tập đoàn Năng lượng Dolphin Energy đến từ Abu Dhabi, chuyên chở hai tỷ feet khối khí đốt từ Qatari đến UAE và Oman mỗi ngày, vẫn đang hoạt động. 

Theo đánh giá của giới phân tích kinh tế khu vực và quốc tế, Qatar đang bên bờ vực của một cuộc suy thoái kinh tế. Nếu xung đột ngoại giao vùng Vịnh không được giải quyết, kinh tế và tình hình tài chính của Qatar có thể phải đối mặt với những mối đe dọa hết sức nghiêm trọng.

Giá cả leo thang và những hiểm nguy của lạm phát là những thách thức lớn. Đặc biệt, sự phụ thuộc quá mức của các ngân hàng Qatar vào nguồn tiền gửi từ nước ngoài chắc chắn tạo những thách thức tồi tệ về thanh khoản đối với nhiều ngân hàng ở nước này.

Nhiều người ở Qatar đang đặt câu hỏi là họ sẽ để mình bị cuốn vào một cuộc đối đầu với Saudi Arabia - một quốc gia hùng mạnh chưa bao giờ thua cuộc trong bất kỳ cuộc chiến kinh tế nào trong quá khứ - như thế nào.

Tuy nhiên, những người khác vẫn tỏ ra không nản lòng, bởi cho đến nay, họ vẫn tin tưởng rằng Qatar có thể chống chọi với giông bão và rằng, dù phải mất bao lâu, các công ty quốc tế và các giám đốc điều hành “nặng ký” về dầu lửa, khí đốt, ngân hàng và xây dựng sẽ thay mặt họ để buộc Saudi Arabia phải chấm dứt cuộc khủng hoảng này. 

Mặc dù, các biện pháp trừng phạt của các nước vùng Vịnh được các nhà kinh tế Qatar cho là không mấy hiệu quả. Tuy nhiên, nếu cuộc xung đột ngoại giao này không có hồi kết, ảnh hưởng tiêu cực sẽ sớm “ăn sâu bám rễ” vào tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế Qatar. Điều này sẽ làm tổn hại một cách khủng khiếp đến danh tiếng của Qatar trên thị trường toàn cầu. Hệ lụy kéo theo là các công ty quốc tế có thể sẽ phải suy nghĩ thật kỹ trước khi hợp tác kinh doanh với Qatar.

Và như vậy Qatar - một quốc gia vốn được mệnh danh là trung tâm kinh tế ổn định và rực rỡ cho việc đầu tư nước ngoài của khu vực vùng Vịnh có nguy cơ sẽ biến thành một “đứa con bị bỏ rơi” trong gia đình các quốc gia vùng Vịnh. 

MỚI - NÓNG