Kịch bản nào cho khủng hoảng Thái Lan?

Binh sĩ Thái Lan bảo vệ trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 3/2. Ảnh: AP
Binh sĩ Thái Lan bảo vệ trụ sở Bộ Quốc phòng ngày 3/2. Ảnh: AP
TP - Báo Pháp Le Monde vừa có bài mổ xẻ cuộc khủng hoảng chính trường Thái Lan qua 5 vấn đề chính.

Kịch bản

Không loại trừ sẽ nổ ra một cuộc đảo chính nữa tại Thái Lan, đất nước mà phe quân đội từng tiến hành hàng chục cuộc đảo chính kể từ năm 1932. Giới tướng lĩnh dường như đang cân nhắc lợi hại trước khi quyết định. 

Một giả thiết khác được nhiều nhà quan sát nhìn nhận là một cuộc “đảo chính pháp lý” - sau khi thủ tiêu hiệu lực bầu cử sẽ ép chính phủ từ chức bằng cách sử dụng một loạt chiêu thức tư pháp. Giới lãnh đạo hành chính cao cấp và tư pháp trên thực tế được xem là thù nghịch với chính phủ và “hệ thống” Thaksin. 

Phe đối lập đang tạo ra phong trào chống Thaksin rộng lớn nhằm gạt bỏ Thủ tướng Yingluck Shinawatra khỏi chính phủ, trong khi tránh lôi kéo quân đội và sự chỉ trích của quốc tế nếu đảo chính quân sự xảy ra.

Bầu cử

Cuộc tổng tuyển cử ngày 2/2 diễn ra không quá bạo lực, dù phe biểu tình chống chính phủ cố ngăn cản cử tri đi bầu. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 10% các điểm bỏ phiếu không thể mở cửa và ứng viên ở 28 khu vực bầu cử vốn là căn cứ địa của phe đối lập không thể đăng ký tranh cử. 

Kết quả cuối cùng không thể nhanh chóng được công bố do một số khu vực cử tri không thể đi bầu phải tổ chức bầu cử bổ sung. Nghị viện sẽ không thể nhóm họp và thành lập chính phủ mới nếu 95% nghị sĩ không có mặt trong phiên khai mạc quốc hội mới. Một số đại biểu cần thiết như vậy khó có thể đạt được.

Gần như chắc chắn đảng Pheu Thai của bà Yingluck lại giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua, bởi lẽ số địa phương ủng hộ đảng cầm quyền đông dân cư hơn hẳn các tỉnh hậu thuẫn phe đối lập. Đảng Dân chủ đối lập không biết đến mùi chiến thắng trong tất cả các cuộc tổng tuyển cử 20 năm qua. Họ chọn cách tẩy chay bầu cử. Phe biểu tình tuyên bố sẽ tiếp tục phong trào cho tới khi chính phủ tạm quyền phải chấp nhận từ chức.

Biểu tình

Phong trào biểu tình do cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban dẫn dắt. Tuy nhiên, chính ông Suthep cũng bị buộc tội tham nhũng khi còn giữ chức bộ trưởng và nghị sĩ đảng Dân chủ. Thủ lĩnh Suthep đề xuất cải cách hệ thống chính trị Thái Lan bằng cách thay thế chính phủ dân bầu bằng một “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử. Hội đồng này sẽ được lựa chọn chủ yếu dựa trên nòng cốt những người thuộc giới tinh hoa, có nhiệm vụ tiến hành một đợt “thanh lọc” thể chế trước khi tổ chức các cuộc bầu cử mới. Tuy nhiên, nội dung đề xuất khá mơ hồ.

Ủng hộ

Những người ủng hộ chính phủ hiện nay phần lớn thuộc tầng lớp nông dân ở khu vực phía bắc và đông bắc Thái Lan, nơi ảnh hưởng của gia đình Thaksin rất mạnh. Nhà Thaksin có công nâng cao đời sống người dân nông thôn, giúp họ được hưởng các khoản trợ cấp và bảo trợ xã hội, lần đầu tiên mang lại cho họ một vị thế chính trị chưa từng có. Phe ủng hộ gia đình Thaksin hay “phe áo đỏ” được tổ chức rất tốt tại các khu vực thánh địa của họ và tuyên bố sẵn sàng bảo vệ chính phủ chống lại mọi mưu đồ gây mất ổn định của phe “tư sản” ở Bangkok.

Nguồn cơn

Phe biểu tình đối lập muốn hạ bệ Thủ tướng Yingluck và qua đó triệt hạ cái mà họ gọi là “hệ thống Thaksin”, ám chỉ ảnh hưởng của anh cả của bà Yingluck, người giữ chức Thủ tướng giai đoạn 2001-2006, trước khi bị lật đổ bởi một cuộc đảo chính quân sự. Ông Thaksin bị phe đối lập cáo buộc đã tạo ra một hệ thống tham nhũng tràn lan mà chính phủ hiện nay kế tục.

Sống lưu vong tại Dubai kể từ năm 2008, vị cựu Thủ tướng trốn chạy để thoát khỏi các cáo buộc tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Ông bị nghi ngờ đứng sau giật dây em gái. 

Đảng Dân chủ ngày 4/2 thông báo đã gửi kiến nghị lên Tòa án Hiến pháp Thái Lan, đề nghị hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử ngày 2/2, Reuters dẫn lời phát ngôn viên đảng Dân chủ Chavanond Intarakomalyasut.

Theo Le Monde
MỚI - NÓNG