Kịch tính biểu tình Ai Cập

Đám đông người biểu tình chống chính phủ tại Quảng trường Tahrir ở Cairo Ảnh: AP
Đám đông người biểu tình chống chính phủ tại Quảng trường Tahrir ở Cairo Ảnh: AP
TP - Hôm qua, Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak ở khu nghỉ mát Sharm el-Sheikh bên Biển Đỏ, trong khi cách đó 400 km, tại thủ đô Cairo, đám đông biểu tình vây quanh dinh tổng thống và trụ sở Đài Truyền hình Quốc gia.

> Pháp: Thủ tướng và Ngoại trưởng dính bê bối quà cáp
> Tổng thống Ai Cập giàu nhất thế giới?

Đám đông người biểu tình chống chính phủ tại Quảng trường Tahrir ở Cairo Ảnh: AP
Đám đông người biểu tình chống chính phủ tại Quảng trường Tahrir ở Cairo. Ảnh: AP.

Ngày 10-2, ông Mubarak chuyển giao hầu hết quyền lực của mình cho Phó Tổng thống Omar Suleiman, không đáp ứng yêu cầu của hàng trăm nghìn người biểu tình rằng ông phải từ chức ngay lập tức. Lực lượng quân sự hùng mạnh của Ai Cập ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Mubarak rằng ông sẽ tại vị đến kỳ bầu cử tháng 9 tới. Điều này khiến hàng trăm nghìn người biểu tình phát điên; họ đứng kín các quảng trường ở ít nhất 3 thành phố lớn hôm 11-2, tiến tới các dinh thự của tổng thống và trụ sở Đài Truyền hình Quốc gia.

Hôm qua, đám đông biểu tình tiến sát dinh tổng thống ở thủ đô, nơi có 4 xe tăng và hàng rào dây kẽm gai bảo vệ. Trong khi đó, hơn 10.000 người biểu tình phá bỏ chướng ngại vật quân đội đặt trước trụ sở Đài Truyền hình Quốc gia. Họ đánh trống, la hét và ngăn nhân viên Đài truyền hình bước vào cơ quan. Trước đó, người biểu tình kêu gọi quân đội có động thái buộc Tổng thống Mubarak từ chức.

Hội đồng Tối cao Lực lượng Vũ trang, cơ quan quyền lực cao nhất của quân đội Ai Cập, tự coi mình là nhà vô địch cải cách. Cố gắng chiếm lòng tin của đám đông dân chúng đang nổi giận và hoài nghi, quân đội hứa bảo đảm rằng ông Mubarak sẽ dỡ bỏ luật khẩn cấp ngay sau khi các cuộc biểu tình chống chính phủ chấm dứt. Về việc dỡ bỏ luật này, ông Mubarak và Suleiman chỉ đưa ra một mốc thời gian mơ hồ: khi điều kiện an ninh cho phép.

Ngày 10-2, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nói rằng, người dân Ai Cập phải quyết định tương lai chính trị của mình, đồng thời kêu gọi thực hiện quá trình chuyển giao quyền lực minh bạch, có trật tự để hướng tới bầu cử tự do và công bằng. Ông cũng nói rằng Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ Ai Cập trong quá trình chuyển giao quyền lực.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi chính phủ Ai Cập giải thích rõ lộ trình dân chủ. Đại sứ Ai Cập tại Mỹ, ông Sameh Shoukry, nói rằng, Phó Tổng thống Suleiman là nguyên thủ quốc gia trên thực tế của Ai Cập và ông Mubarak chỉ là tổng thống trên danh nghĩa.

Minh Long
Theo AP, Reuters

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG