Kịch tính trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran

Kịch tính trong cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran
Cuộc giằng co giữa EU, Mỹ và Iran xung quanh vấn đề hạt nhân vừa xuất hiện kịch tính. Mỹ và 3 nước đại diện cho EU (Anh, Pháp, Đức) đều đột ngột thay đổi thái độ với Iran.

Trước đây Mỹ luôn cứng rắn với Iran, nhưng trước chuyến công du châu Á Ngoại trưởng C.Rice lại ra tuyên bố sẽ áp dụng biện pháp “cổ vũ kinh tế” như không phản đối Iran gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, cho phép mua bán một số thiết bị cho máy bay dân dụng. Trong khi, Anh, Pháp, Đức luôn chủ trương đàm phán hoà bình lại đột ngột đe doạ sẽ đồng ý đưa vấn đề hạt nhân Iran ra Hội đồng Bảo an LHQ nếu nước này không từ bỏ chương trình làm giàu uranium. Dư luận quốc tế đang đặt câu hỏi về hiện tượng khó hiểu này.

Việc EU và Mỹ cùng lúc thay đổi thái độ cho thấy sau nhiều bất đồng, hai bên đã đạt được một số thoả thuận về nguyên tắc trên vấn đề hạt nhân Iran. Quá trình giành giật ba bên trong cuộc khủng hoảng hạt nhân đang bước sang giai đoạn mới. Tuy nhiên, phía sau sự điều chỉnh sách lược của Mỹ và EU dường như còn ẩn chứa những toan tính khó lường.

Ba nước EU cho rằng đã đến lúc cần thay đổi sách lược vì sau 4 vòng đàm phán với Iran vẫn chưa đạt được kết quả quan trọng nào. Mặt khác EU cũng thấy rõ, trong tình hình hiện nay muốn đàm phán với Iran thành công không thể thiếu sự hiện diện của Mỹ. Việc Mỹ tạm gác “gậy sắt” với Iran khiến “củ cà rốt” của EU trở nên lỗi thời và cần phải triển khai kế sách mới. Dự kiến ngày 25/3 tới lại diễn ra cuộc đàm phán giữa 3 nước EU - Iran và rất có thể EU tiếp tục gây sức ép mạnh hơn nhằm đạt được những kết quả mới và chứng tỏ sự thắng thế trong điều chỉnh sách lược ngoại giao.

Về phía Mỹ, với chủ trương hàn gắn quan hệ với EU, họ không thể phớt lờ nỗ lực của Anh, Pháp, Đức để tiếp tục lập trường cứng rắn. Mặt khác, sự cứng rắn này đã không đạt hiệu quả, sẽ làm Mỹ mất mặt trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng hạt nhân trên thế giới và cản trở Mỹ thực hiện kế hoạch cải cách dân chủ “Đại Trung Đông”.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách của Mỹ đối với Iran chỉ có giới hạn nhất định; thậm chí nhằm “gợi ảo giác” để bất ngờ triển khai những kế hoạch cứng rắn hơn. Thực chất, Mỹ không tin Iran sẽ chấp nhận từ bỏ chương trình hạt nhân thông qua đàm phán. Mỹ chờ đợi giải pháp đàm phán hoà bình sẽ thất bại để EU và Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế sẽ phải đồng ý với Mỹ trong việc đưa vấn đề hạt nhân Iran lên Hội đồng Bảo an LHQ.

Trong khi Mỹ, EU đột ngột thay đổi thái độ, Iran vẫn giữ nguyên lập trường. Các quan chức nước này cảnh báo Mỹ không nên “ảo tưởng” việc Iran sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân vì mục đích hoà bình, dù họ sẵn sàng đàm phán.  

MỚI - NÓNG