Kiệt sức

Kiệt sức
TP - Đức và Pháp được coi là hai đầu máy đã kéo cả con tàu eurozone thoát khỏi đáy của cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ nhất, kéo dài suốt 18 tháng trời. Thế nhưng, khi Lục địa già vừa xua được đám mây đen mang tên suy thoái cũng là lúc gánh nặng của suốt thời gian nỗ lực vừa qua đổ dồn xuống hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này.

> Nợ công Mỹ vượt ngưỡng 17.000 tỷ USD
> Mỹ thông qua dự luật tránh vỡ nợ

Theo các số liệu mới được Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostats) công bố ngày 14/11, tốc độ tăng trưởng của toàn eurozone đã chậm lại trong quý 3/2013, chỉ đạt 0,1%, thấp hơn mức tăng trưởng 0,3% đã đạt được trong quý trước đó. Eurostats đánh giá liên minh gồm 17 thành viên này đang phục hồi, nhưng với tốc độ “sên bò”.

Hoàn toàn có thể hiểu được sự phục hồi mong manh của kinh tế eurozone, vốn chỉ vừa chính thức thoát khỏi suy thoái hồi quý 2/2013. Nhưng điều đáng bàn là những yếu tố đằng sau các con số, tỷ lệ mà các chuyên gia đã tính toán được.

Báo cáo của Eurostats chỉ ra rằng chính tốc độ tăng trưởng ì ạch của hai nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức và Pháp là nguyên nhân kéo chậm lại đà phục hồi của cả eurozone.

Dường như sau những ngày tháng gồng mình đảm trách vai trò trụ cột, chống đỡ cho cả eurozone trước những đợt tấn công của bão nợ công, giờ đến lượt hai người hùng của khối kiệt sức.

Thâm hụt ngân sách, tỷ lệ thất nghiệp cao không phải bây giờ mới xuất hiện ở Pháp và Đức. Nhưng phải chăng khi cả eurozone đang rơi xuống đáy khủng hoảng, những vấn đề đó của hai đầu tàu không là gì nếu so sánh với các con nợ trong khu vực.

Và khi sóng gió đã đi qua, vấn đề của Pháp và Đức đã trở nên trầm trọng hơn, và cũng có thể là mới được quốc tế đánh giá đúng mức. Đặc biệt là đối với Pháp.

Rất trùng hợp, đúng lúc Eurostats công bố số liệu không mấy khả quan về các nền kinh tế đầu tàu, hai trong số những nạn nhân của cuộc khủng hoảng vừa qua lại phát ra những tín hiệu khẳng định, họ đã vượt qua khó khăn.

Ngày 14/11, Ai len tuyên bố sẽ rút khỏi chương trình cứu trợ tài chính quốc tế vào tháng tới mà không cần các điều kiện phòng ngừa rủi ro tín dụng.

Tây Ban Nha ngay lập tức cũng thông báo sẽ có động thái tương tự vào tháng 1/2014. Và tất nhiên, những kết quả này có phần không nhỏ từ những chương trình cứu trợ mà Đức và Pháp là những nước đóng góp tích cực nhất.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG