Kinh hoàng như dưới địa ngục

Kinh hoàng như dưới địa ngục
(TPO) Trận động đất xảy ra tại Pakistan, Bắc Ấn Độ và Kashmir ngày 8/10 đã làm hàng chục nghìn người thiệt mạng. Phóng viên BBC có mặt tại các địa điểm bị thiệt hại tường thuật về thảm họa này.

Mọi người đều có thể nghe thấy tiếng gào khóc của các học sinh bị mắc kẹt trong ngôi trường đổ ở Balakot khi tôi có mặt tại đây tối thứ Bảy. Cảnh hoang tàn khắp nơi. Các trung tâm mua sắm, các thánh đường Hồi giáo đều bị phá hủy.

TS Safeer - Người phụ trách bệnh viện Ayub - cho biết đã có 12 người chết và gần 300 người bị thương được đưa vào đây.

Chúng tôi tiếp tục di chuyển đến Mansehra. Cảnh tượng còn kinh khủng hơn. Ở đây mọi người kể cho nhau nghe câu chuyện về cái chết thương tâm của các học sinh tại những ngôi trường sập ở Garhi Habibullah, Batal và Balakot. Con đường dẫn tới Balakot bị đất đá lở làm tắc nghẽn. Tôi phải đi bộ vài cây số để tới Balakot.

Trời tối đen một màu ngọai trừ những đám lửa nhỏ do những người dân sống sót sau trận động đất đốt lên mong tìm thấy một trong số những học sinh bị mắc kẹt trong 4 ngôi trường bị trận động đất làm sập. Những ngôi nhà cao tầng giờ trở thành những đống gạch vụn

Một nhóm người đang cố cứu một cậu bé khỏi những đống đổ nát cho biết họ đã phát hiện cậu bé bị mắc kẹt tại đây từ nhiều giờ qua. Cậu bé vẫn khỏe mạnh và có thể nói chuyện được. Tuy nhiên không ai có đủ các phương tiện cần thiết để phá vỡ bức tường dày để đưa cậu bé ra ngoài.

Một phụ nữ địa phương ngồi trên mảnh trần vỡ của ngôi trường 3 tầng Shaheen cho biết: “Nhiều học sinh vẫn còn sống nhưng chúng tôi vẫn chưa thể đưa được các em ra khỏi đống đổ nát”. Lúc này các lực lượng cứu hộ của quân đội và chính phủ vẫn chưa có mặt tại khu vực có tới 40.000 người dân này. Sajid Hussain, dân địa phương, nói: “Cả ngày hôm nay chúng tôi chỉ nhìn thấy 2 chiếc trực thăng của quân đội. Chúng tôi kêu gọi và làm dấu vẫy nhưng họ không nhìn thấy chúng tôi”.

Có tin Chính phủ đã chính thức xác nhận có khoảng 18.000 người ở các khu vực, trong đó có Balakot đã bị thiệt mạng với nhiều người đang mắc kẹt trong đống đổ nát. Tuy nhiên các đội cứu hộ vẫn chưa có mặt.

Những người sống sót trong vùng cho biết có ít nhất 5.000 người đã bị bị chết và gần 15.000 người khác bị mắc kẹt trong các đống đổ nát. Trong số này có hơn 1.000 học sinh ở 10 trường học trong vùng.

Không lương thực, nước và thuốc men, người dân địa phương vẫn đang tìm mọi cách cứu những người bị thương khỏi các đống đổ nát. Người dân phải ngủ qua đêm, không chăn, màn, ở Balakot, Mansehra và Batagram.

Hơn 300 học sinh nữ đã bị thiệt mạng ở Garhi Habibullah trong khi hàng trăm học sinh khác cũng bị chết ở Shangla, Oogi và Batagram. Tại Abottabad và Mansehra đã thống kê có hơn 20 người chết.

Andrew North ở Abbottabad (Pakistan) lúc 9:12 giờ GMT

Kinh hoàng như dưới địa ngục ảnh 1
2 người còn sống bị mắc kẹt trong đống đổ nát

Tôi đang ở bệnh viện chính của vùng. Cảnh hoảng loạn bao trùm. Hàng trăm bệnh nhân, phần lớn đều đã mất người thân, đang được điều trị những vết thương rất nặng nằm la liệt trong khác khu lều. Rất nhiều người bị mất chân tay hoặc bị các vết thương nặng ở mặt.

Các bác sĩ cho biết việc để các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện là không an toàn, nhưng với số lượng bệnh nhân được đưa đến mỗi lúc một nhiều như thế này thì không có lựa chọn nào khác. Các bác sĩ cũng lo ngại tình trạng nhiễm trùng sau khi các bệnh nhân được cắt bỏ các chi bị hỏng.

Hệ thống cấp nước bị cắt, không còn đủ lương thực cho tất cả những người được đưa đến. Dự kiến sẽ còn hàng nghìn người nữa được đưa đến bệnh viện điều trị trong những ngày tới.

Mike Wooldridge ở Islamabad (Pakistan) lúc 8:33 giờ GMT

Lúc này ở Islamabad đang là buổi sáng. Một đội cứu hộ của Anh đang phối hợp với các nhân viên cứu hộ người Pakistan tìm kiếm những người bị mắc kẹt trong một toà nhà bị sập.

Những chiếc xẻng và xe ủi lầm lũi làm việc liên tục trong 2 giờ đã tạo ra một lối vào của đống đổ nát và cứu được một thanh niên và một phụ nữ. Tuy nhiên, 2 người khác bị mắc kẹt với họ đã chết trước khi đội cứu hộ đến. Đội cứu hộ của Anh cho biết có khoảng 60 người vẫn còn đang mắc kẹt trong tòa nhà và cuộc chạy đua với thời gian vẫn tiếp tục.

Có tiếng kêu cứu yếu ớt vang lên. Đội cứu hộ lại tiếp tục và phát hiện có 2 đứa trẻ vẫn còn sống.

Lyse Doucet ở Islamabad (Pakistan) lúc 8:25 giờ GMT

Tiêu chuẩn, chất lượng xây dựng các tòa nhà bắt đầu được đặt ra. Một số ý kiến cho rằng những chủ thầu xây dựng phải có trách nhiệm đối với những tòa nhà mới xây bị sập sau trận động đất.

Chúng tôi cũng nghe tin hàng trăm người bị mắc kẹt trong các đống đổ nát của các ngôi trường và các nhà thờ ở khu vực phía Bắc. Nhưng chúng tôi phải chờ xe dọn đường đến thì mới có thể đến đó đước.

Khu vực này đã chịu nhiều trận động đất trong thời gian qua, khoảng 10 vụ trong năm nay, nhưng chưa có trận nào khủng khiếp như trận động đất này.

Tổng thống Musharaf ví trận động đất như một bài toán thử đối với quốc gia. Một nhóm các bác sĩ chạy qua, dấu hiệu cho thấy họ vừa tìm thấy 1 người bị thiệt mạng nữa.

Nick Bryant ở Muzaffarabad (Pakistan) lúc 7:42 giờ GMT

Kinh hoàng như dưới địa ngục ảnh 2
Những người mẹ mất con

Thị trấn Bagh gần như bị phá hủy hoàn tòan. Toàn bộ khu chợ lớn bị san phẳng. Đó đây một vài căn nhà còn đứng vững nhưng bị hư hỏng nặng.

Tại Muzaffarabad, tình hình có đỡ hơn, nhưng vẫn rất khủng khiếp. Toàn bộ bên sườn của tòa khách sạn nhiều tầng đã bị sập. Trực thăng lên xuống liên tục để chở người bị thương đến các bệnh viện.

Một người đàn ông bị gãy chân, người đầy máu ngồi gần chỗ tôi đứng. Chân của ông đã được nẹp và chờ được đưa đến bệnh viện, nhưng có vẻ người đàn ông phải chờ rất lâu mới đến lượt vì những người bị thương nặng sẽ được ưu tiên chăm sóc trước.

Chính quyền đã huy động tối đa trực thăng để đưa người bị thương đến bệnh viện, nhưng rất nhiều người phải chờ đợi hàng giờ nữa mới được chuyển đến bệnh viện. Con đường duy nhất đến đây là bằng trực thăng. Tất cả các con đường đã bị đất đá vùi lấp.

Trực thăng của quân đội liên tục vận chuyển thực phẩm, thuốc men và các nhu yếu phẩm, nhưng xem ra vẫn chưa đủ.

Tôi đã từng đưa tin về sóng thần và trận động đất ở Bam, nhưng phải nói thật là chưa bao giờ tôi chứng kiến một cảnh tượng tồi tệ như ở đây.

Muhammad Furqan Riaz, người dân sống ở Mirpur, kể lại: “Người dân đổ xô ra đường với những gương mặt kinh hoàng. Tiếng la hét ở khắp nơi. Nhiều người ngồi bệt xuống đất và nhắm chặt mắt cầu nguyện".

Tôi nghe nói 4 học sinh của một trường tôn giáo đã bị chết khi tìm cách chạy ra khỏi trường. Những mảnh vỡ của phần tháp của thánh đường từ trên cao rơi xuống. Rất nhiều người khác cũng bị chết.

Sau khi trận động đất kết thúc, tôi đã tìm vào khu thánh đường đổ nát và không thể tin vào mắt mình. Các xác chết có ở khắp nơi trên mặt đất với những gương mặt, thi thể đầy máu không thể nhận dạng được.

Một phụ nữ ngồi cạnh đống đổ nát gào khóc vì không tìm thấy thi thể của con trai. Gần đó, nhiều người đang gào khóc bên cạnh thi thể một cậu bé. Toàn bộ gương mặt của cậu không còn nguyên vẹn. “

Tôi đến bệnh viện và thấy rất nhiều người đang xếp hàng để cho máu. Tuy nhiên những bác sĩ ở bệnh viện từ chối phần lớn các trường hợp cho máu do không thuộc nhóm máu cần thiết.

MỚI - NÓNG