Kinh tế buồn, dân Trung Quốc siết hầu bao

Kinh tế khó khăn, người Trung Quốc chọn các thương hiệu rẻ tiền hơn ảnh: China Daily
Kinh tế khó khăn, người Trung Quốc chọn các thương hiệu rẻ tiền hơn ảnh: China Daily
TP - Trong nhiều năm trước, dù bên ngoài có xảy ra điều gì, các công ty toàn cầu vẫn kỳ vọng thu về hàng tỷ đô la ở thị trường Trung Quốc vì người tiêu dùng nước này bạo chi. Nhưng giờ đây, họ đắn đo khi chọn mua hàng, do lo ngại tăng trưởng kinh tế chậm lại, chiến tranh thương mại với Mỹ và nợ tăng cao. 

Triệu Trịnh, 26 tuổi, là một nhân viên bất động sản. Anh đang dùng điện thoại Xiaomi, một đối thủ ở Trung Quốc của Apple nhưng có giá bán chỉ bằng một phần điện thoại iPhone.Anh Triệu nói sự thành công của Xiaomi và Miniso (chuỗi cửa hàng bán các sản phẩm giá rẻ) cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang muốn những sản phẩm giá rẻ hơn.

“Nền kinh tế chắc chắn đang rất tệ”, New York Times dẫn lời anh Triệu.

Thay đổi đáng kể trong lựa chọn tiêu dùng có thể gây tác động lớn đối với những công ty đang dựa vào sự mở rộng thị trường ở Trung Quốc và các nhà đầu tư toàn cầu từ lâu đã coi người tiêu dùng Trung Quốc là nguồn lợi nhuận ổn định. 

Hôm 3/1, giá cổ phiếu của Apple giảm gần 10% sau khi công ty này hạ dự báo doanh thu bởi doanh số iPhones ở Trung Quốc gây thất vọng. Sản lượng bán iPhone sụt giảm ở Trung Quốc một phần do chiến lược của Apple. Nhưng thông tin đó cùng với số liệu bán ô tô giảm sút, doanh số bán lẻ chậm lại, thị trường bất động sản chững lại, thị trường việc làm khó khăn hơn được coi là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng Trung Quốc đang mất đi niềm tin từng được xem là không thể lung lay. 

Niềm tin chùng xuống có thể ảnh hưởng xấu đến nỗ lực của Trung Quốc nhằm tái định hướng nền kinh tế và kích thích tăng trưởng. 

Chính phủ Trung Quốc trước đây hy vọng người tiêu dùng sẽ trở thành nguồn đóng góp lớn hơn cho tăng trưởng kinh tế. Theo các chuyên gia, nguy cơ dễ bị tổn thương kinh tế của Trung Quốc là do mô hình tăng trưởng mất cân bằng. Ở những nền kinh tế phát triển khác như Mỹ, chi tiêu của khách hàng đóng góp 2/3 hoặc hơn cho GDP. Tại Trung Quốc, tiêu dùng tăng 35% cách đây 10 năm, nhưng vẫn chưa gần mức 60% GDP, cho thấy một nền kinh tế đang dựa nhiều vào xuất khẩu và đầu tư, vì thế sẽ không bền vững trong dài hạn, theo đánh giá của Bloomberg.

“Trung Quốc đang ở thời điểm bước ngoặt. Về cơ bản họ đã tăng trưởng dựa trên nợ nần cả chục năm nay. Rất khó để lái con tàu từ công nghiệp sang tiêu dùng trong lúc sóng to biển động như thế này”, New York Times dẫn đánh giá của ông Andrew Collier, nhà sáng lập hãng nghiên cứu Orient Capital Research. 

Giảm sút niềm tin kinh doanh, chi phí lao động tăng lên và chiến tranh thương mại với Mỹ cũng đang ảnh hưởng xấu đến thị trường việc làm. Một cuộc khảo sát gần đây do Orient Capital Research thực hiện cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động nói chung ở Trung Quốc đang yếu đi đáng kể, nhất là trong các ngành xuất nhập khẩu, với mức giảm 53% trong quý 3/2018 so với cùng kỳ năm trước. 

Trong bối cảnh đó, không đáng ngạc nhiên khi nhiều người dân nước này đang tìm cách cắt giảm chi tiêu.

Là đại diện bán hàng dược phẩm ở Yên Đài, tỉnh Sơn Đông, anh Vương Tiểu Xuyên cho biết năm 2015 anh kiếm được khoảng 145.000 USD. Nhưng thu nhập hiện nay của anh chỉ bằng 1/3 số đó, do chính phủ thắt chặt quản lý ngành dược. Vì thế, thay vì mua giày Ecco như trước, anh chuyển sang nhãn hiệu Clarks rẻ hơn. Anh cũng chọn hàng của Coach thay vì LV. “Tôi nghe rất nhiều tin xấu về nền kinh tế”, anh nói. 

MỚI - NÓNG