Kinh tế toàn cầu dần phục hồi, nguy hiểm vẫn rập rình

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) gặp Tổng thống Đức Christian Wulff hồi tháng 1-2011 (Hôm qua, các nghị sĩ Đức bầu cựu mục sư Joachim Gauck 72 tuổi làm tổng thống nước này) Ảnh: Xinhua
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (trái) gặp Tổng thống Đức Christian Wulff hồi tháng 1-2011 (Hôm qua, các nghị sĩ Đức bầu cựu mục sư Joachim Gauck 72 tuổi làm tổng thống nước này) Ảnh: Xinhua
TP - Nền kinh tế toàn cầu đã lùi khỏi bờ vực nguy hiểm và những dấu hiệu ổn định đã bắt đầu le lói ở Mỹ và khu vực đồng euro.

> Nhật Bản mua 10,3 tỷ USD trái phiếu Trung Quốc

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ cao ở các nước phát triển và giá dầu ngày càng tăng là những nguy cơ thường trực, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá hôm 18-3.

Hôm qua tại Trung Quốc, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde phát biểu, những dấu hiệu ổn định hiện nay cho thấy các chính sách được thực thi trong bối cảnh khủng hoảng tài chính toàn cầu đã được đền đáp, chỉ số kinh tế Mỹ đang trở nên lạc quan hơn, còn châu Âu có bước tiến quan trọng trong việc giải quyết khủng hoảng nợ của Hy Lạp.

Cảnh giác 3 nguy cơ

Theo bà Lagarde, việc các hệ thống tài chính yếu ớt đang phải gánh chịu những khoản nợ công và nợ tư khổng lồ là vấn đề nguy hiểm nhất trong ba nguy cơ mà những nền kinh tế phát triển đang phải đối mặt.

Trong năm 2012, nguồn vốn để quay vòng và chi tiêu cho khu vực công của các nước sử dụng đồng euro cần khoản tiền tương đương 23% GDP.

“Thứ hai, giá dầu mỏ tăng đang trở thành mối đe doạ đối với tăng trưởng toàn cầu. Thứ ba, có nguy cơ các nền kinh tế đang trỗi dậy sẽ tăng trưởng chậm lại trong trung hạn”, bà nói.

Bà Christine Lagarde Ảnh: Getty Images
Bà Christine Lagarde.  Ảnh: Getty Images.

Bà Lagarde cho rằng, cần giải quyết tình trạng thất nghiệp của đội ngũ lao động trẻ tuổi, và tất cả các nước phải tiếp tục duy trì chính sách đã giúp đạt được tiến bộ ổn định kinh tế toàn cầu nhằm có được triển vọng sáng sủa hơn.

Những nền kinh tế phát triển phải tiếp tục chính sách trợ giúp vĩ mô và cân bằng tài khoá, kết hợp cải cách tài chính, thể chế, cấu trúc để bù đắp những tổn thất do khủng hoảng gây ra, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh.

Những nền kinh tế đang nổi cần kiểm tra chính sách kinh tế vĩ mô để vừa bảo đảm không hứng chịu hậu quả từ khủng hoảng của các nền kinh tế phát triển, vừa kiểm soát áp lực tăng trưởng quá nóng, bà Lagarde nói.

Để nhân dân tệ trỗi dậy

Trong cuộc hội đàm riêng cùng ngày, bà Lagarde nói rằng, đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong tương lai có thể trở thành ngoại tệ mạnh được dự trữ, và rằng Trung Quốc cần lộ trình để tạo nên hệ thống tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn.

Nhận xét của bà Lagarde là sự tán thành trực tiếp nhất của một quan chức IMF đối với tham vọng của Trung Quốc về đồng tiền của họ.

“Điều cần thiết là một lộ trình với tỷ giá hối đoái mạnh hơn và linh hoạt hơn, tính thanh khoản và quản lý tiền tệ hiệu quả hơn, kết hợp với cơ chế và chính sách giám sát chất lượng cao hơn, một thị trường tài chính phát triển tốt hơn, tỷ giá vay và cho vay linh hoạt hơn, và cuối cùng là một tài khoản vốn mở”, bà Lagarde nói với nhóm các nhà lãnh đạo kinh tế toàn cầu và nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc.

“Nếu tất cả những điều này được thực hiện thì không có lý do gì đồng nhân dân tệ không trở thành đồng tiền được dự trữ, vị trí tương thích với địa vị kinh tế của Trung Quốc,” bà Lagarde nói.

Bà Lagarde hoan nghênh cái mà bà gọi là sự lãnh đạo và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với các định chế toàn cầu như IMF và nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới G20.

Theo Tổng giám đốc IMF, Trung Quốc cần thực hiện ba ưu tiên: thúc đẩy tăng trưởng, chuyển trọng tâm tăng trưởng kinh tế từ đầu tư và xuất khẩu sang tiêu thụ nội địa và phân bổ của cải rộng rãi, công bằng hơn.

Theo các chuyên gia, Trung Quốc (nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, nhà nhập khẩu thứ nhì thế giới) lâu nay vẫn muốn phá vỡ thế độc quyền của đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế, một phần là để giảm nguy cơ lạm phát trong nước và nâng tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh trong hệ thống tài chính quốc tế.

Tuy nhiên, Trung Quốc duy trì hệ thống tài khoản vốn đóng và kiểm soát chặt chẽ đồng nhân dân tệ.

Dù Bắc Kinh đã tăng sử dụng đồng nhân dân tệ trong thương mại qua biên giới với hàng loạt cải cách chính sách, nhưng đồng nhân dân tệ được thanh toán trong thương mại mới tương đương 300 tỷ USD, trong đó giá trị xuất khẩu của nước này đạt 1.900 tỷ USD trong năm 2011.

Trong cuộc họp ngày 18-3, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ kế nhiệm ông Ôn Gia Bảo để trở thành Thủ tướng, nhấn mạnh rằng, nước này không thể trì hoãn cải cách kinh tế một cách quyết liệt.

Ông Lý hứa hẹn sẽ áp dụng những chính sách linh hoạt để giữ vững tăng trưởng nhanh và giữ giá cả ổn định, tập trung thúc đẩy nhu cầu trong nước, cải cách cơ cấu để giữ tăng trưởng ổn định và cân bằng hơn.

Ông Lý nói: “Trung Quốc sẽ tiếp tục cải cách về thuế, khu vực tài chính, giá cả, phân phối thu nhập và tìm kiếm đột phá trong những lĩnh vực chính để giúp các yếu tố thị trường đóng vai trò lớn hơn trong phân bổ nguồn lực”.

Gia Tùng
Theo Bloomberg, Xinhua, CNN, Financial Times

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG