Kinh tế toàn cầu trước nguy cơ suy thoái

Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bỉ vào tháng 7/2018 ảnh: AP
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Bỉ vào tháng 7/2018 ảnh: AP
TP - Các dấu hiệu suy thoái xuất hiện ở nhiều nền kinh tế lớn của thế giới. Chính phủ Mỹ hôm qua lên tiếng trấn an rằng các yếu tố cơ bản của nền kinh tế nước này vẫn ổn, không phải sắp xảy ra suy thoái như lo ngại.  

Ngân hàng trung ương Đức (Bundesbank) giữa tháng này cảnh báo nền kinh tế lớn nhất châu Âu có thể sắp bước vào giai đoạn suy thoái.

Bundesbank cảnh báo GDP của Đức “có lẽ sẽ ảm đạm trong quý 3 năm 2019”, và sau đó tiếp tục giảm nhẹ. Đức đang gặp phải rất nhiều vấn đề mà các nhà phân tích ví như một “trận bão hoàn hảo”. Kinh tế nước này phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc và Mỹ, trong khi hai nước này đang chiến tranh thương mại. Doanh số ô tô toàn cầu yếu đã tác động đến các nhà sản xuất ô tô Đức, cộng thêm nỗi lo về một Brexit hỗn loạn.

Báo cáo của Bundesbank có thể sẽ gia tăng áp lực lên chính phủ Đức phải chi tiêu nhiều hơn để kích thích kinh tế. Nhưng giải pháp đó cũng khó được sử dụng ở đất nước vốn rất thận trọng trong chuyện vay tiền.

Đức chỉ là một trong nhiều nền kinh tế toàn cầu đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Kinh tế Anh bị thu hẹp trong quý 2, và tăng trưởng đi theo đường thẳng ở Ý. Mexico vừa tránh được một cuộc suy thoái, nhưng nền kinh tế này dự kiến sẽ ở mức yếu trong năm nay. Số liệu cho thấy Brazil bước vào suy thoái trong quý 2 năm nay. Nền kinh tế lớn của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong gần 3 thập kỷ, trong bối cảnh chiến tranh thương mại kéo dài.

Đây đều là các nước nằm trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Singapore và Hong Kong, dù có quy mô nhỏ hơn nhưng là những trung tâm tài chính và thương mại quan trọng, cũng đang xuất hiện những dấu hiệu đáng lo.

Mỹ trấn an

Nhà Trắng hôm qua khẳng định các “yếu tố cơ bản” của kinh tế Mỹ vẫn chắc chắn trong lúc đang có lo ngại rằng một cuộc suy thoái có thể đe dọa khả năng tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm sau.

Trước các phóng viên, cố vấn cấp cao Kellyanne Conway nói: “Thực tế là các yếu tố cơ bản trong nền kinh tế của chúng ta vẫn rất mạnh”.

Nhưng câu nói này gợi nhớ đến một chuyện trước đây, khi Thượng nghị sĩ John McCain bị chê là không nắm được tình hình vì đưa ra tuyên bố tương tự trong cuộc chạy đua tổng thống năm 2008, chỉ vài giờ trước khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers nộp đơn xin phá sản, gây tác động ghê gớm lên thị trường chứng khoán và tài chính toàn cầu.

Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp và kinh tế vẫn phát triển tốt kể từ khi ông Trump lên nắm quyền. Nhưng tăng trưởng đang chậm lại, thị trường chứng khoán chao đảo trong những tuần gần đây do lo sợ suy thoái; chỉ số về nhà ở và sản xuất khiến các nhà kinh tế học bận tâm. Một cuộc khảo sát vừa thực hiện đầu tuần này cho thấy nhiều chuyên gia dự đoán sẽ xảy ra suy thoái chậm nhất vào năm 2021, AP đưa tin.

Ông Trump không đồng ý với nhận định đó.“Chúng ta đang làm cực kỳ tốt. Những người tiêu dùng của chúng ta giàu có. Tôi đã cắt giảm thuế rất mạnh và họ đang có rất nhiều tiền.Tôi không nghĩ chúng ta sắp có suy thoái”, ông Trump viết trên Twitter cuối tuần qua.

Nhưng ông chủ Nhà Trắng cũng thúc giục Cục Dự trữ liên bang kích thích kinh tế bằng cách giảm thêm lãi suất và nới lỏng chính sách tiền tệ, dấu hiệu cho thấy sự lo lắng của chính quyền Mỹ đằng sau những phát biểu lạc quan.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ quốc tế giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu của năm nay xuống 3,2%, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Tổ chức này cũng hạ dự báo tăng trưởng của năm 2020 xuống 3,5%.

CNN dẫn đánh giá của ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại hãng tư vấn Capital Economics, rằng tình hình chưa quá ảm đạm, nhưng kinh tế thế giới đang đối mặt với một số rủi ro lớn.

Trước hết là chiến tranh thương mại. Rủi ro thứ hai là các ngân  hàng trung ương không hành động hiệu quả, dẫn đến phản ứng tiêu cực trên thị trường tài chính. Tháng trước, Cục Dự trữ liên bang Mỹ giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên trong 11 năm, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu đánh tín hiệu sẽ có thêm gói kích thích kinh tế vào tháng 9 tới. Sức ép đang dồn lên Trung Quốc phải giảm lãi suất lần đầu tiên trong 4 năm.

Nhà Trắng hôm qua khẳng định các “yếu tố cơ bản” của kinh tế Mỹ vẫn chắc chắn trong lúc đang có lo ngại rằng một cuộc suy thoái có thể đe dọa khả năng tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm sau.

MỚI - NÓNG