Kinh tế Triều Tiên 'đang khá lên'

Mặc dù còn khó khăn nhưng kinh tế Triều Tiên được nói là ngày càng ổn định. Ảnh: NPR.
Mặc dù còn khó khăn nhưng kinh tế Triều Tiên được nói là ngày càng ổn định. Ảnh: NPR.
TP - Mặc dù Triều Tiên nhiều năm qua gặp khó khăn nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy nước này đã có nhiều tiến bộ trong phát triển kinh tế.

Triều Tiên trong hàng thập niên trở lại đây là đối tượng phải chịu đựng một loạt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc, từ thương mại đến vấn đề đi lại và gần đây nhất là cấm vận dầu thô (tháng 9/2017). Tuy nhiên, chỉ 6 tháng sau lệnh cấm mới nhất này, lãnh đạo Kim Jong-un của Triều Tiên bày tỏ mong muốn sẵn sàng gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump mà không đòi hỏi điều kiện nào về kinh tế.

Phát triển ổn định

Các quan chức Mỹ và Nhật Bản từng tin rằng các lệnh cấm vận quốc tế đã “tàn phá” nền kinh tế Triều Tiên, vốn đã rất khó khăn.

Tuy nhiên có các bằng chứng cho thấy vài năm trở lại đây, kinh tế Triều Tiên khá ổn định và cho dù các lệnh cấm vận quốc tế làm chậm tốc độ tăng trưởng, kinh tế nước này được cho là còn lâu mới sụp đổ hoàn toàn, nạn đói cũng khó mà xảy ra.

Rất khó có được các số liệu thống kê đáng tin cậy về Bắc Triều Tiên. Nhưng theo tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, nhiều nguồn thông tin xác nhận rằng kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền (tháng 12/2011), kinh tế Triều Tiên đã có những bước tiến đáng kể.

Park En-na, một nhà ngoại giao Hàn Quốc, nói bức tranh tổng thể về kinh tế Triều Tiên ngày càng “tươi sáng hơn”. “Ông Kim đã đưa vào nền kinh tế Triều Tiên nhiều thành tố mới. Ở mức độ nào đó, họ đã chấp nhận việc tư nhân hóa”, Park En-na nói với Bưu điện Hoa Nam buổi sáng.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã cho thực thi nhiều biện pháp thúc đẩy nền kinh tế, giảm dần bàn tay can dự của chính phủ đối với hoạt động kinh doanh hay sản xuất công nghiệp. Năm 2012, ông Kim đưa ra một loạt biện pháp thúc đẩy các công ty và xí nghiệp cải thiện năng suất lao động và một năm sau, ông cho thành lập 13 khu kinh tế mới để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhiều biện pháp nhằm cải tổ nền kinh tế theo hướng thị trường được triển khai từ năm 2014 và cải thiện điều kiện sống của người dân được coi là ưu tiên quốc gia.

Cho dù rất khó đong đếm hiệu quả trực tiếp của các biện pháp này, rõ ràng là đã có những chỉ dấu về tiến bộ kinh tế.

Ngân hàng Hàn Quốc đánh giá rằng kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng trung bình 1,24%/năm kể từ khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền. Trong năm 2016, kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 4%, đạt quy mô  28,5 tỷ USD, mức cao nhất trong 17 năm qua. Và kể từ năm 1996 đến nay, các chỉ số thương mại của Bình Nhưỡng cũng không ngừng được cải thiện. Các mặt hàng xuất khẩu chính của Triều Tiên là khoáng sản, sản phẩm luyện kim, hàng hóa các loại bao gồm cả vũ khí, theo tài liệu của Cơ quan tình báo Mỹ (CIA). Hàng xuất khẩu chiến lược là xăng dầu, than cốc và máy móc.

Trong khi xuất khẩu đạt mức tăng trưởng hằng năm 4-5%, nhập khẩu của Triều Tiên cũng tăng trưởng, ở mức 3-5%, theo báo cáo của Ngân hàng Hàn Quốc.

Nền kinh tế Triều Tiên phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, đồng minh thân cận nhất của Bình Nhưỡng. Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 85,6%, nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm 90,3%, theo số liệu của CIA.

Công ty nghiên cứu thị trường IHS Markit ước tính rằng thương mại Trung-Triều liên tục tăng trưởng kể từ khi ông Kim Jong-un nắm quyền. Kim ngạch thương mại với Trung Quốc chiếm tỷ lệ áp đảo: năm 2012 là 81%, lên mức 91% vào năm 2016.

Thương mại giữa hai nước giảm 10,5% trong năm 2017 do Bắc Kinh ủng hộ các lệnh cấm vận mới từ Liên Hợp Quốc, nhưng việc này không gây ra nhiều tác động đến nền kinh tế Triều Tiên.

Không còn nạn đói

Các nhà quan sát có dịp đến Triều Tiên trong vài năm qua đều cảm nhận giống nhau: Bình Nhưỡng “có vẻ ổn định”. David Beasley, giám đốc điều hành Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã có chuyến thăm chính thực tới Triều Tiên hồi tháng 5 vừa rồi. Ông nói các dấu hiệu về sự đói khát, suy dinh dưỡng ở đây đã giảm rất nhiều. “Tôi không thấy dấu hiệu của nạn đói. Trong thập kỷ 1990, dân Triều Tiên thiếu ăn trầm trọng, nhưng nay không thấy ai đói khát”, ông nói.

Theo một báo cáo năm 2012 của WFP, tình trạng suy dinh dưỡng trong trẻ em Triều Tiên đã giảm từ 32,4 xuống còn 27,9% kể từ năm 2009. “Ai tôi gặp cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng đất nước họ đã sang một trang mới”, Beasley nói.

Ông Kim loại bỏ 3 tướng quân đội

Tờ Guardian ngày 4/6 cho hay ba tướng lĩnh cao cấp của Triều Tiên đã bị cách chức. Theo một quan chức Mỹ, động thái này cho thấy ông Kim Jong-un sẵn sàng loại bỏ những người có quan điểm bất đồng, trước cuộc gặp với tổng thống Mỹ tại Singapore vào tuần tới.

Vị quan chức Mỹ, không muốn tiết lộ danh tính, nói với Hãng Reuters rằng phía Mỹ tin rằng đã có những bất đồng trong giới quân sự Triều Tiên về cách tiếp cận phía Mỹ và Hàn Quốc của ông Kim Jong-un. Có vẻ ông Kim muốn đảm bảo mọi thỏa thuận đạt được trong cuộc gặp sắp tới với ông Trump không bị thách thức tại chính quốc.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.