Kinh tế Trung Quốc: Lớn và dần mạnh mẽ

Kinh tế Trung Quốc: Lớn và dần mạnh mẽ
TPO - Mặc dù Trung Quốc đối mặt với không ít khó khăn từ sự phát triển kinh tế, tuy nhiên, đã xuất hiện nhiều tín hiệu lạc quan về sự phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.
Kinh tế Trung Quốc: Lớn và dần mạnh mẽ ảnh 1

 Ảnh: Tân Hoa xã

Ngay sau bài phát biểu của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 (Đại hội 19), Cục thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 19/10 đã công bố báo cáo số liệu kinh tế nước này, trong đó nêu rõ, tổng giá trị sản phẩm quốc nội (GDP) của 3 quý năm 2017 đạt khoảng 59,33 ngàn tỷ Nhân dân tệ (9 ngàn tỷ USD), tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo số liệu này được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc đang tiến hành Đại hội 19. Trong đó, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu đề cập tới nhiều vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, văn minh sinh thái, quốc phòng an ninh.

Về vấn đề kinh tế, ông Tập nhấn mạnh phải quán triệt quan điểm phát triển mới, xây dựng hệ thống kinh tế hiện đại hóa, tập trung thiết lập thể chế kinh tế với cơ chế thị trường hiệu quả cao, tăng sức sống của các chủ thể vi mô, điều tiết có mức độ chủ thể vĩ mô. Không ngừng tăng cường sức sáng tạo và sức cạnh tranh của kinh tế Trung Quốc.

Các chuyên gia phân tích cho rằng, điều này cho thấy sự vận hành kinh tế Trung Quốc đã hình thành vòng tuần hoàn lành mạnh. Nền kinh tế hiện đã bước vào giai đoạn mới "lớn và dần mạnh mẽ". Trong tương lai làm thế nào để thúc đẩy sự phát triển ổn định liên tục của nền kinh tế, ưu hóa điều chỉnh cơ cấu và cải thiện cuộc sống người dân là vấn đề then chốt để thực hiện các mục tiêu mà Đại hội 19 đề ra.

Nhiều chuyên gia dự báo, thúc đẩy cải cách cơ cấu nguồn cung, sâu sắc cải cách thể chế tài chính, cải cách chế độ sở hữu hỗn hợp, chiến lược phát triển hài hòa các khu vực, sáng kiến "một vành đai, một con đường" và hợp tác năng lực sản xuất quốc tế là những trọng điểm thực hiện của Trung Quốc sau Đại hội 19.

Ông Chu Tiểu Xuyên, Thống đốc Ngân hàng nhân dân Trung Quốc đánh giá, năm nay động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đã tăng lên, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt 6,9%, dự báo sẽ đạt 7% trong 6 tháng cuối năm. Động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chủ yếu là do sự tăng trưởng nhanh ở khâu chi tiêu của các hộ gia đình.

Bên cạnh đó, các cơ quan quốc tế cũng đưa ra những đánh giá lạc quan về kinh tế Trung Quốc.

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), sự tăng trưởng ổn định của kinh tế Trung Quốc trong các lĩnh vực mậu dịch, giá cả hàng hóa, lòng tin đã lôi kéo động lực tăng trưởng của các thị trường mới nổi, thậm chí trên toàn cầu.

Quỹ IMF đã đưa ra dự báo, mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2017 là 6,8%, năm 2018 là 6,5%. Như vậy là mức dự báo của IMF đã tăng lên 0,2 và 0,3% so với mức dự báo hồi tháng 4.

Theo IMF, việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc phản ánh nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển nhanh hơn dự báo. Điều này có được chủ yếu dựa vào việc thúc đẩy cải cách cơ cấu nguồn cung và những ủng hộ chính sách của chính phủ Trung Quốc. Và việc điều chỉnh mức dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2018 của Trung Quốc là vì Quỹ này cho rằng Trung Quốc sẽ duy trì chính sách mang tính phụ trợ, đặc biệt là chính sách thúc đẩy đầu tư công tương đối cao.

MỚI - NÓNG