Kinh tế Trung Quốc sẽ không 'hạ cánh cứng'

Liệu kinh tế Trung Quốc sẽ không rơi vào tình cảnh như đợt chứng khoán lao dốc đỏ sàn vừa qua?. Ảnh: Strait Times.
Liệu kinh tế Trung Quốc sẽ không rơi vào tình cảnh như đợt chứng khoán lao dốc đỏ sàn vừa qua?. Ảnh: Strait Times.
TP - Kinh tế Trung Quốc sẽ không “hạ cánh cứng”, không kéo lùi kinh tế toàn cầu, một quan chức nước này hôm qua nhận định.

"Hạ cánh cứng" thường được hiểu là nền kinh tế nhanh chóng chuyển từ tăng trưởng cao sang tăng trưởng thấp, rồi suy thoái. Tình trạng này thường diễn ra khi chính phủ cố gắng cắt giảm thâm hụt ngân sách, kiểm soát nợ công.

Lãnh đạo Trung Quốc hôm qua thừa nhận nước này phải đối mặt trận chiến khó khăn để giữ nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng ít nhất 6,5% trong 5 năm tới, trong khi vẫn phải tạo thêm việc làm và tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, Xinhua đưa tin. Trung Quốc đang phải đối mặt nhiều thách thức khi chuyển đổi nền kinh tế từ định hướng chú trọng đầu tư và xuất khẩu sang dịch vụ và tiêu dùng. “Trung Quốc chắc chắn sẽ không hạ cánh cứng”, ông Xu Shaoshi, Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, phát biểu trong cuộc họp báo hôm qua. “Những dự báo về một sự hạ cánh cứng sẽ chẳng đi đến đâu”, ông Xu nói.

Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 6,9% năm 2015 - tốc độ thấp nhất trong một phần tư thế kỷ qua, nhưng vẫn là mức cao nhất trong những nền kinh tế lớn. Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5-7% trong năm nay. Lãnh đạo nước này không chọn mục tiêu cố định vì Bắc Kinh muốn có sự linh hoạt trong tăng trưởng, tạo việc làm và tái cơ cấu hàng loạt công ty ma trong các ngành công nghiệp cồng kềnh. Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường vừa đưa ra hàng loạt mục tiêu liên quan tiêu thụ năng lượng, tạo việc làm, lạm phát, nhưng không nói nhiều đến cách thức đạt những mục tiêu này.

Nhiều nhà đầu tư hy vọng Trung Quốc sẽ đưa ra một mục tiêu tham vọng cho chi tiêu công để thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng mục tiêu thâm hụt dự kiến 3% GDP, cao hơn so với mức 2,3% của năm trước, khiến một số người thất vọng. Ông Xu khẳng định, Trung Quốc sẽ nỗ lực cải thiện hiệu quả đầu tư nhà nước, cho thấy mong muốn chi tiêu công sẽ đúng mục đích hơn. Sau cuộc khủng hoảng tài chính gần đây nhất, gói kích thích tăng trưởng của chính phủ Trung Quốc dẫn đến việc các chính quyền địa phương xây dựng nhiều thành phố ma, sân bay, đường sá chẳng dẫn đến đâu nhằm kích thích tăng trưởng.

Trung Quốc có nguồn dự trữ ngoại hối khổng lồ với hơn 3.000 tỷ USD để sử dụng khi cần, nhưng nguồn tiền này cũng giảm đáng kể trong 18 tháng qua khi Bắc Kinh nỗ lực hỗ trợ đồng nhân dân tệ. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang hôm qua nhắc lại rằng, Bắc Kinh sẽ giữ đồng nhân dân tệ cơ bản ổn định và không có cơ sở nào để tiếp tục phá gia.

Tình trạng kinh tế Trung Quốc và khả năng quản lý nó là một trong những vấn đề chính được bàn bạc tại hội nghị của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng thuộc nhóm G20 diễn ra tại Thượng Hải vào tháng trước. Ông Lý Khắc Cường nói rằng, Trung Quốc đủ tự tin để xử lý những vấn đề phức tạp trong và ngoài nước trong khi tiếp tục cải cách. “Nói chung, tôi nghĩ hiệu suất của kinh tế Trung Quốc đang trong mức hợp lý (kể từ năm 2015). Trước tiên, chúng ta nên nhìn nhận rằng, nền kinh tế đã bước vào giai đoạn “bình thường mới”, Reuters dẫn lời ông Xu. Ông này cho rằng, trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng phải thay đổi và động lực tăng trưởng đang thay đổi từ đầu tư sang dịch vụ.

Cải cách doanh nghiệp nhà nước

Quốc hội Trung Quốc đang họp trong bối cảnh số lượng việc làm trong ngành than và thép giảm mạnh. Nhưng ông Xu nói rằng, các kế hoạch nhằm giảm dư thừa công nghiệp khó dẫn đến tình trạng sa thải nhân công quy mô lớn. Tăng trưởng kinh tế sẽ tạo thêm việc làm và giúp bù đắp tác động của việc cắt giảm công suất, ông nói.

Ông Xu cho rằng, kinh tế toàn cầu sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc trong năm nay. “Chúng tôi dự đoán tỷ lệ phục hồi chậm và tăng trưởng thấp của kinh tế toàn cầu sẽ còn tiếp tục trong một thời gian. Và chúng ta cũng không thể bỏ qua nguy cơ từ các thị trường tài chính không ổn định, giá hàng hóa cơ bản giảm và các nguy cơ địa chính trị”, ông nói.

Trung Quốc có kế hoạch triển khai nhiều chương trình thí điểm về sở hữu hỗn hợp trong ngành đường sắt, khai thác dầu khí. Đây là một phần trong kế hoạch cải tổ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động không hiệu quả trong 2 thập kỷ qua. Tháng 9 năm ngoái, Trung Quốc ban hành hướng dẫn cải cách doanh nghiệp nhà nước, trong đó đề cập hình thức sở hữu hỗn hợp các doanh nghiệp nhà nước. Nước này hiện có khoảng 150.000 doanh nghiệp nhà nước, quản lý hơn 100.000 tỷ tệ (15.000 tỷ USD) tài sản nhà nước và sử dụng hơn 30 triệu lao động, Xinhua đưa tin.

MỚI - NÓNG