Kissinger và Trung Quốc

Kissinger và Trung Quốc
90 năm trước, ngày 27-5-1923, người đã đưa hai cựu kình địch Trung Quốc và Mỹ xích lại gần nhau chào đời tại Fürth (Bavaria, Đức) trong một gia đình người Đức gốc Do Thái. Cho đến tận gần cuối đời, ông vẫn kiên trì phục vụ cho quan hệ Mỹ - Trung hơn bất cứ người Mỹ hay Trung Quốc nào khác.

> Người từ chối giải Nobel Hòa bình
> Người từ chối giải Nobel Hòa bình

Henry Kissinger giới thiệu cựu ngoại trưởng Hillary Clinton tại lễ trao giải lãnh đạo xuất sắc của Tổ chức Atlantic Council ở Washington ngày 1-5-2013. Ảnh: Reuters
Henry Kissinger giới thiệu cựu ngoại trưởng Hillary Clinton tại lễ trao giải lãnh đạo xuất sắc của Tổ chức Atlantic Council ở Washington ngày 1-5-2013. Ảnh: Reuters.

Nếu có dịp xem đoạn video clip của nhân vật quyền uy nhất trong lịch sử ngoại giao Mỹ, từng vừa là cố vấn an ninh quốc gia vừa là ngoại trưởng, thu hết sức bình sinh còn lại đọc diễn văn tại Hội châu Á (Asia Society) khuyên bảo hai bên Mỹ - Trung nỗ lực vượt qua thách thức kình chống nhau trở lại (1), sẽ thấy tấm lòng của ông đối với Trung Quốc như thế nào.

Càng đi xa càng thành đạt

Cuộc đời lưu lạc của chàng trai có tên khai sinh là Heinz Alfred Kissinger bắt đầu từ năm 1938, ở tuổi 15, với chuyến di cư cùng gia đình lánh chế độ quốc xã sang London (Anh), trước khi đặt chân đến New York (Mỹ) vào ngày 5-9 năm đó. Học xong trung học, chàng trai nói tiếng Mỹ giọng Đức này nhập ngũ cầm súng phục vụ quê hương mới trong Thế chiến thứ hai ở đơn vị phản gián quân sự số 970, rồi nhập quốc tịch Mỹ năm 20 tuổi với tên mới là Henry Kissinger.

Giải ngũ với cấp bậc trung sĩ, Kissinger trở về đại học và học thật xuất sắc, nổi tiếng với chức danh tiến sĩ, gia nhập chính trường Mỹ, leo lên đài danh vọng từ cuối thập niên 1960 như là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Nixon, làm nên lịch sử với chuyến công du Trung Quốc của Nixon tháng 1-1972 và Hiệp định hòa bình Paris chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Nam của quân đội Mỹ một năm sau đó, trước khi giữ chức ngoại trưởng sang cả thời Tổng thống Gerald Ford đến năm 1976.

Henry Kissinger tươi cười với bìa báo Time bình chọn 'Nhân vật của năm 1972' . Ảnh: wikimedia.org
Henry Kissinger tươi cười với bìa báo Time bình chọn 'Nhân vật của năm 1972' . Ảnh: wikimedia.org.

Ở Việt Nam, tên tuổi của Kissinger được biết đến từ năm 1968 khi ông trở thành cố vấn của tân Tổng thống Nixon, thậm chí rất vang dội ở miền Nam thời đó như là một “cáo già” chính trị, một chính khách “tiền trảm hậu tấu” đang đem đến hi vọng chấm dứt chiến tranh qua những cuộc mật đàm ở Gif-sur-Yvette, ngoại ô Paris (Pháp).

Cố vấn Kissinger càng nổi danh như cồn vào đầu năm 1972, khi bức màn bí mật của những chuyến “đi đêm” sang Bắc Kinh được vén lên với chuyến công du chính thức lần đầu tiên của một lãnh tụ thế giới tự do (Nixon) sang thăm đất nước mà vào thời đó vẫn còn được gọi là Trung Cộng (ChiCom, tiếng Anh), và cụng ly rượu Mao Đài với Mao Trạch Đông. Một năm sau, hiệp định kết thúc chiến tranh Việt Nam được ký kết tại Paris tiếp tục đưa Kissinger lên đài danh vọng của lịch sử.

Thật ra, sự nghiệp của Kissinger không chỉ gồm chừng đó mà còn cả những chuyến vận động “con thoi” như vào tháng 10-1973, sau khi chiến tranh Trung Đông lần thứ nhì bùng nổ: trong vòng 18 ngày, Kissinger đã bay đến và làm việc tại 17 nước, sau đó ở suốt 33 ngày tại Trung Đông để giúp can ngăn Israel và Syria một lần nữa đang huyết chiến một mất một còn (2).

Nói theo cách nói của tử vi, mạng của Henry Kissinger càng di chuyển, xa xứ càng hiển hách, càng học hành, càng đỗ đạt và quyền chức. Nay từ Đức đến Israel ráo riết gắn huân chương cao quý nhất cho người con “xa quê” ưu tú của mình nhân dịp sinh nhật thứ 90.

Thế nhưng, các “quê cha, đất mẹ” ấy đều không sánh với “tiếng sét ái tình” mà Henry Kissinger đã “trúng phải” khi được 48 tuổi. Thậm chí ông say đắm đến mức mỗi năm mấy chuyến sang thăm và làm việc: chỉ riêng tháng 3 và tháng 4 năm nay, Kissinger vẫn còn hai lần bay sang Bắc Kinh họp hành.

Cố vấn ở Bắc kinh

Đối với ai khác, gặp các lãnh đạo tối cao của Trung Nam Hải là chuyện trong mơ, còn đối với Henry Kissinger lại là chuyện cơm bữa. Gặp ông Tập Cận Bình bây giờ hay ông Hồ Cẩm Đào hôm qua, ông Giang Trạch Dân trước kia, hay các cựu lãnh đạo đã quá cố là chuyện thường tình.

Henry Kissinger còn gặp cả những lãnh đạo hạng nhì phụ trách “chuyên môn sâu” như phó chủ tịch quân ủy trung ương Phạm Trường Long sáng 22/4 tại Bắc Kinh (nguồn: ChinaMil, April 23, 2013), hay gặp Vương Kỳ Sơn - phó thủ tướng phụ trách chống tham nhũng ở Trung Quốc (Xinhua)...

Henry Kissinger (trái) và Đặng Tiểu Bình. Ảnh: thechinabeat.org
Henry Kissinger (trái) và Đặng Tiểu Bình. Ảnh: thechinabeat.org.

Kissinger hâm mộ các lãnh đạo Trung Quốc và không ngần ngại tuyên xưng điều đó. Chín năm trước, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Đặng Tiểu Bình, Tân Hoa xã đã phỏng vấn Kissinger và trích lại: “Lãnh đạo quá cố Đặng Tiểu Bình là một trong những vĩ nhân của thế kỷ 20... Cải cách ở Trung Quốc là do ông khởi sự. Tôi đã hân hạnh được nhiều lần nghe ông trình bày với tôi. Thật vinh dự cho tôi được có thể so sánh những gì ông nói với tôi vào năm 1974 và sau đó vào năm 1979 với những gì đang diễn ra. Chỉ có một số ít lãnh đạo có thể hoàn tất được những dự kiến của mình”.

 Tháng 4-1979, trong một chuyến thăm Bắc Kinh, tôi gặp riêng cả hai lãnh đạo (Chủ tịch Hoa Quốc Phong và Đặng Tiểu Bình). Cả hai đều đưa ra những ý kiến của mình về cải cách kinh tế. Đây là lần đầu tiên trong kinh nghiệm (làm việc) của tôi với các lãnh đạo Trung Quốc, bất đồng giữa lý luận triết học và thực tiễn lại hiển hiện rõ rệt như thế.

Henry Kissinger (On China, tr.330)

Tân Hoa xã kết thúc bài báo (3) bằng nhận xét sau về Kissinger: “Là một trong số các khách ngoại quốc đã nhiều lần gặp chủ tịch Đặng, Kissinger cho biết mình rất ấn tượng bởi sức cuốn hút của chủ tịch cả như một lãnh tụ lẫn một người thường. Kissinger mô tả chủ tịch Đặng như là một người có khả năng tóm gọn một đề tài trong vài câu, nhờ đó mà chủ tịch có thể giải quyết cả lô công việc chỉ trong một thời gian ngắn”.

Trên thế giới có mấy chính khách “gạo cội” cả phương Tây lẫn phương Đông có thể tán tụng hết lời Đặng Tiểu Bình hoặc cho phép Tân Hoa xã mượn lời mình như Kissinger? Có lẽ vì những đối đãi mà ông nhận được từ Bắc Kinh. Tân Hoa xã viết: “Kissinger kể lại chuyện chủ tịch Đặng mời thưởng thức món lẩu của mình như thế nào, món lẩu Mông Cổ, trong một nhà hàng, trong một phòng riêng.

Kissinger nói: Các lãnh đạo Trung Quốc không mấy khi mời khách ra nhà hàng đâu... Điều đó có nghĩa là chủ tịch Đặng xem tôi như là bạn và đối đãi một cách “không quan cách”. Kissinger còn kể rằng một lần khác, ông tình cờ có mặt ở Seattle đúng vào lúc chủ tịch Đặng đang ghé thành phố này. Kissinger gửi cho chủ tịch Đặng một mẩu tin nhắn, nói muốn chủ tịch đến thăm ông ấy tại khách sạn.

“Ông Đặng đi bộ từ khách sạn ông ấy đến khách sạn của tôi, lên phòng tôi, làm đám an ninh cứ rối tung cả lên” - Kissinger kể”.

Nói cho ngay, cũng có thể hiểu tại sao Kissinger lại “hể hả” với những quen biết lớn của mình ở Bắc Kinh như thế. Trước và cả sau Kissinger, hiếm có khách phương Tây nào có cơ hội gặp các lãnh tụ Trung Quốc. Năm 1965, Edgar Snow gặp Mao chỉ trong bốn giờ mà đã đi vào lịch sử với bài “Phỏng vấn Mao” (4) rồi.

Sau Kissinger, Alain Peyrefitte, ba lần làm bộ trưởng của Pháp trước khi sang Trung Quốc năm 1973, cũng đã để đời cả cuốn biên khảo dày 435 trang “Khi Trung Quốc tỉnh giấc... thế giới sẽ rúng động” (Quand la Chine s'éveillera... le monde tremblera, Nhà xuất bản Fayard 1973). Huống hồ là Kissinger, người đã gặp Mao, Chu (Ân Lai), Hoa (Quốc Phong), Đặng... không biết bao nhiêu lần, có viết bao cuốn sách ca tụng Trung Quốc mà cuốn cuối cùng là On China xuất bản năm 2001, có huynh huynh tự đắc vì “độc quyền” của mình cũng là dễ hiểu.

Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào mà một cựu cố vấn an ninh quốc gia, một cựu ngoại trưởng của hai thời kỳ tổng thống Mỹ, rời chức vụ tháng 1-1977 khi Tổng thống Gerald Ford trao quyền qua tân Tổng thống Jimmy Carter, lại có thể chỉ ba năm sau sang Bắc Kinh nghe các lãnh đạo Trung Nam Hải tham vấn chuyện chính sách như thế?

Có lẽ cái gốc gác “đa quốc gia” cộng với năng khiếu và quá trình làm phản gián đã giúp Kissinger trở thành “vua đi đêm”. Song, nhất định không chỉ vì chừng đó lý do mà còn vì lý do tiền bạc nữa. Song chuyện này lại là đương nhiên “hạ hồi phân giải”.

Theo Danh Đức
Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.