Kofi Annan và ‘lời nhắn gửi cuối cùng’

Kofi Annan và ‘lời nhắn gửi cuối cùng’
TPO – Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama cần phải chứng tỏ lòng can đảm và phẩm chất lãnh đạo để cứu Syria khỏi tai họa.
Đặc phái viên Kofi Annan thất bại trong việc kiếm tìm giải pháp hòa bình cho Syria
Đặc phái viên Kofi Annan thất bại trong việc kiếm tìm giải pháp hòa bình cho Syria. Ảnh: Reuters

Ông Kofi Annan đã viết như vậy trong "Lời nhắn gửi cuối cùng của tôi" trước khi rời vị trí Đặc phái viên Liên Hợp Quốc và Liên đoàn Ả Rập về vấn đề Syria hôm 2-8 vừa qua.

Ông Kofi Annan cho rằng, các bên tham chiến tại Syria không sẵn sàng thỏa hiệp, đồng thời nhấn mạnh rằng dùng vũ lực không thể kết thúc cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này.

Theo Kofi Annan, tất cả các quốc gia có ảnh hưởng đến chính phủ và phe đối lập ở Syria đều phải tham gia nỗ lực thuyết phục các bên xung đột về giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng trong nước.

Việc từ chức của ông Kofi Annan đã giáng một đòn mạnh mẽ vào tiến trình hòa giải tại Syria vốn đang diễn biến ngày càng khó lường.

Người phát ngôn của Hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Nassir Abdulaziz Al- Nasser, cho biết “rất lấy làm tiếc về quyết định từ chức này”.

Ngoại trưởng của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton, thừa nhận việc từ chức của ông Annan thực sự là một mất mát lớn, tuy nhiên bà Ngoại trưởng cũng cho biết, Liên minh châu Âu cam kết tiếp tục hỗ trợ quá trình chuyển tiếp chính trị hòa bình ở Syria cũng như việc hoàn thành tốt kế hoạch hòa bình sáu điểm của ông Kofi Annan.

Trong khi đó, ông Jay Carney (phát ngôn viên của Nhà Trắng) lại quy trách nhiệm cho rằng phía Chính phủ Syria cũng như Nga và Trung Quốc là nguyên nhân chính dẫn đến việc ông Annan từ chức.

Theo ông Jay Carney, Nga và Trung Quốc đã đứng ra ngăn cản các nghị quyết tại hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về vấn đề Syria, trong khi Chính phủ Syria đã không tuân thủ theo những kế hoạch hòa bình mà ông Annan đã đặt ra. “Những điều này đã khiến cho việc tiến hành kế hoạch chính trị và giải pháp hòa bình gặp nhiều khó khăn và cuối cùng dẫn đến thất bại”, phát ngôn viên của Nhà Trắng nhấn mạnh..

Đáp lại chỉ trích của Mỹ, Nga khẳng định, các dự thảo Nghị quyết về Syria được các nước phương Tây và Ả Rập soạn thảo đệ trình lên Hội đồng Bảo an “mâu thuẫn với kế hoạch hòa bình Kofi Annan và các thỏa thuận đạt được tại Geneva về Syria”, đại diện thường trực của Nga tại Liên Hợp Quốc Vitaly Churkin tuyên bố.

Moscow cũng cho rằng, tuy ông Kofi Annan từ chức, nhưng sự hiện diện của quan sát viên Liên Hợp Quốc ở Syria phải được duy trì. Nga cũng kêu gọi các đối tác tham gia những nỗ lực ngăn chặn bạo lực và khởi động tiến trình chính trị.

Sự thất vọng của Kofi Annan trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình khiến cho việc rút lui khỏi vị trí “kiến tạo hòa bình Syria” của cựu Tổng Thư ký Liên Hợp là dễ cảm thông và hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Tuy nhiên, theo giới phân tích quốc tế, sự ra đi của Kofi Annan dường như “đặt dấu chấm hết” cho những nỗ lực ngoại giao của Liên Hợp Quốc cũng như cộng đồng quốc tế về một giải pháp phi quân sự cho tiến trình hòa bình ở Syria.

Đài tiếng nói nước Nga ngày 5-8 có bài bình luận, nhận định: Tháng 8 sẽ là tháng nóng bỏng ở Syria, khi mà giới quan sát quốc tế đang đồn đoán về việc liên minh chống Bashar al - Asad có thể bỏ qua Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để “giải quyết vấn đề Syria”.

Mỹ và phương Tây bỏ qua vai trò của Liên Hợp Quốc để chiếm đánh Syria?
Mỹ và phương Tây bỏ qua vai trò của Liên Hợp Quốc để tiến đánh Syria?. Ảnh: Reuters

Diễn biến bạo lực leo thang tại Syria những ngày qua cho thấy, nhận định của giới chức Nga không phải là không có cơ sở, đặc biệt là Aleppo, nơi đang diễn ra các cuộc đụng độ khốc liệt và mang tính chất sống còn đối với chính quyền Damascus.

Theo các chuyên gia, nếu các phiến quân có thể kiểm soát được Aleppo, tại Syria sẽ xuất hện một khu vực tự do không có ảnh hưởng của lực lượng chính phủ, lai kế gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Kết quả là, nguy cơ thực hiện "kịch bản Libya" tăng lên: Aleppo có thể là một Benghazi mới.

Ngày 6-8, báo Al - Watan đưa tin, máy bay của quân chính phủ đã ném bom xuống các vị trí do lực lượng chống đối chiếm giữ tại các quận Shaar, Sakhur ở thành phố Aleppo, chuẩn bị cho một cuộc tổng tấn công mang tính "quyết định" nhằm giành lại quyền kiểm soát thành phố này.

Theo nguồn tin từ quân đội Syria, khoảng 20.000 binh sỹ đã được triển khai tại các vị trí bên ngoài thành phố Aleppo chuẩn bị tấn công vào thành phố. Trong khi đó, chiến sự vẫn tiếp diễn khi xe tăng quân đội nã pháo vào các quận Salaheddin, Sukari, Hamdaniyeh, Ansari do lực lượng chống đối chiếm giữ.

Nguồn tin cũng cho biết, lực lượng chống đối hiện có 6.000 - 8.000 tay súng cố thủ tại Aleppo và lực lượng này đang bổ sung quân số để chuẩn bị đối phó với các cuộc tấn công sắp tới của quân chính phủ.

Sự tăng cường mạnh mẽ về cả quân đội lẫn khí tài của phe đối lập cho thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ từ nước ngoài.

Từ lấp lửng, các nước phương Tây và đồng minh Ả Rập công khai hoạt động viện trợ cho phe đối lập nhằm lật đổ Bashar al – Assad. Thậm chí, Washington và Ankara tuyên bố trong những ngày tới, sẽ phát triển các hoạt động quân sự với cường độ cao nhất xung quanh Syria.

Trong bối cảnh không có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy thỏa thuận ngừng bắn giữa các bên xung đột sau khi Kofi Annan từ chức, việc liên minh phương Tây và các nước Ả Rập sẵn sàng bỏ qua vai trò của Liên Hợp Quốc để chuẩn bị tiến hành cuộc xâm lược Syria có thể đã bắt đầu.

Tùng Dương

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.