Kỷ nguyên của các nữ Tổng thống

Kỷ nguyên của các nữ Tổng thống
TPCN - Vào cuối năm ngoái và đầu năm nay đã bất ngờ xảy ra một “bước đột phá lịch sử”, khi hết phụ nữ này đến phụ nữ khác giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử để trở thành nguyên thủ quốc gia.
Kỷ nguyên của các nữ Tổng thống ảnh 1
Nữ Tổng Thống Liberia Johnson Serlif

Hơn nữa, bước đột phá này diễn ra trên hầu hết các châu lục: nữ Tổng thống đầu tiên ở châu Phi Hellen Johnson Serlif, nữ Tổng thống Chile Michelle Bachelet ở Mỹ La tinh, nữ Thủ tướng Đức Angel Merkel và nữ Tổng thống Phần Lan Tarja Halonen ở châu Âu.

Sắp tới đây rất có thể sẽ đến lượt nước Mỹ. Có nhiều khả năng là cuộc bầu cử Tổng thống năm 2008 sẽ không có chỗ cho nam giới mà sẽ là cuộc đối đầu giữa hai phụ nữ: Thượng nghị sĩ Hillary Clinton và Ngoại trưởng Condoleeza Rice.

Những cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất cho thấy chỉ có 7% người Mỹ tuyên bố là dứt khoát sẽ không bỏ phiếu cho phụ nữ trong cuộc bầu cử Tổng thống. Và một nửa số người Mỹ tin rằng họ sẽ có nữ Tổng thống ngay trong thập kỷ sắp tới.

“Tôi là người mẹ cô đơn theo thuyết bất khả tri”

“Cuộc đời chỉ bắt đầu vào năm 40 tuổi” - Câu nói đó đã được thực tế xác nhận: Bà Merkel 51 tuổi, bà Halonen 62 tuổi, bà Bachelet 54 tuổi, bà Johnson-Serlif 67 tuổi. Tất cả đều có học thức cao, đều thông thạo vài ngoại ngữ, đều có số phận phức tạp và cuộc sống riêng tư không đơn giản.

Kỷ nguyên của các nữ Tổng thống ảnh 2
Nữ Tổng Thống Chile Michelle Bachelet

Người ta thường nói những phụ nữ như vậy có “tính cách đàn ông” hoặc họ là những “nam giới mặc váy”, ý muốn nói đến việc họ không biết cách ăn mặc, trang điểm cẩu thả và đầu tóc không hợp thời trang.

Nhưng họ đâu có chú ý đến những thứ ấy. Mục đích cuộc đời họ ở chỗ khác. Họ đạt tới đỉnh cao sự nghiệp mà không cần có sự hỗ trợ của chồng hoặc người bảo trợ giàu có nào đấy.

“Tôi là người mẹ cô đơn theo thuyết bất khả tri. Tôi mang trong mình đủ mọi loại tật xấu” - Lời thổ lộ chân thành như vậy ngay trước ngày diễn ra cuộc bầu cử rất có thể khiến bà Michelle Bachelet thất bại.

Nhưng hàng triệu phụ nữ Chile thấy ở bà những nét của chính mình. Bà có 3 con với ba người chồng khác nhau. Bà đã từng hai lần ly hôn, hơn nữa lại ly hôn trong một nước cho tới năm 2004 vẫn cấm ly hôn. (Những vụ ly hôn của bà Michelle Bachelet được hợp pháp hóa ở nước ngoài).

Bố của bà bị tra tấn đến chết vì là người ủng hộ cố Tổng thống Aljende sau vụ đảo chính của tên tướng độc tài Pinoche năm 1973. Bản thân bà bị bắt giam và bị tra tấn trong ngôi nhà tù khét tiếng “Villa Grimaldi” ở thủ đô Santigo, rồi bà chạy trốn ra nước ngoài, lúc đầu sang Australia rồi sau đó sang CHDC Đức.

Ngoài tiếng Đức, bà nói thông thạo tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha và cả một ít tiếng Nga. Mãi đến năm 1979 bà mới trở về nước.

Năm 2003, tức là đúng 30 năm sau vụ đảo chính quân sự của Pinoche, bà lên tiếng kêu gọi toàn thể người dân Chile hãy thống nhất và hòa giải. Bà chưa bao giờ chiến đấu mặc dù bà biết cầm súng.

Bố bà đã tặng bà khẩu colt 38 ly và thậm chí bà còn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Chile trước khi đắc cử Tổng thống. Giờ đây, bà sống trong cùng một tòa nhà với kẻ đã hỏi cung và tra tấn bà trong nhà tù “Villa Grimaldi”. Và khi gặp kẻ đó, bà vẫn lịch sự chào hỏi. Bà muốn thuyết phục cả nước Chile tin rằng không thể sống mãi với lòng hận thù.

Người bà ở Liberia

Kỷ nguyên của các nữ Tổng thống ảnh 3
Nữ Tổng Thống Liberia Johnson Serlif

“Tất cả chúng ta trong quá khứ đều đã chịu nhiều đau khổ và thử thách. Nhưng chúng ta phải đoàn kết lại để đi tiếp” - đó là lời kêu gọi người dân Liberia của bà Hellen Johnson Serlif, một người mẹ đã ly hôn, có 4 con và là bà của 6 đứa cháu.

Bà đã trở thành tân Tổng thống Liberia và cũng là người đã trải qua cuộc xung đột đẫm máu tại đất nước châu Phi này khiến một phần tư triệu người bị chết.

Đất nước của bà hiện vẫn trong cảnh đổ nát, ngay tại thủ đô cũng không có điện và nước, tỷ lệ thất nghiệp lên tới 80%. Và lời kêu gọi của bà được người dân tin tưởng hơn cầu thủ bóng đá  triệu phú George Vea, người đã từng chơi cho hai câu lạc bộ bóng đá lừng danh là “Milan” và “Chelsea”.

Bà Hellen Johnson Serlif lấy chồng năm 17 tuổi rồi cùng gia đình chuyển sang Mỹ để học tập. Bà tốt nghiệp trường đại học danh tiếng Harvard.

Cuối những năm 1970 bà trở về nước, tham gia chính phủ, đứng đầu bộ Tài chính. Một phụ nữ làm Bộ trưởng là hiện tượng chưa từng có ở Liberia (và cũng là ở châu Phi nói chung).

Sau cuộc đảo chính quân sự vào những năm 80, bà buộc phải chạy sang Kenya. 5 năm sau bà trở về nước nhưng bị lùng bắt nên lại phải sang Kenya, rồi sang Mỹ và làm việc cho LHQ. Mãi đến năm 1997 bà mới trở về Tổ quốc và lập tức ra ứng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống.

Nhưng lần đó bà bị thất bại. Thất bại để rồi thành công, trở thành nữ Tổng thống đầu tiên trên lục địa Đen hồi trung tuần tháng giêng vừa qua.

Bà Tổng thống và “người bạn đời”

Kỷ nguyên của các nữ Tổng thống ảnh 4
Nữ Tổng Thống Phần Lan Tarja Halonen

Bà Tarja Halonen “hơi thất vọng” về kết quả cuộc bầu cử Tổng thống  vòng một diễn ra ở Phần Lan cách đây ít lâu. Bà chưa hội đủ được 50% số phiếu để đắc cử ngay trong vòng một.

Nhưng nỗi thất vọng của bà kéo dài không lâu bởi vì các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy bà vượt trội hơn hẳn đối thủ trong vòng hai của bà và sở dĩ bà chưa đắc cử ngay trong vòng một chỉ bởi vì tỷ lệ cử tri đi bầu quá thấp.

Thực tế đã diễn ra đúng như vậy. Bà Halonen đã đắc cử Tổng thống trong cuộc bầu cử vòng hai vừa diễn ra hôm 29 tháng 1 vừa qua.

Khác với các nữ Tổng thống tại các nước khác, cuộc đời bà Halonen có phần đơn giản hơn. Bà sinh ra tại một đất nước từ lâu đã có bình đẳng giới tính trong chính trị.

Bà trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Phần Lan vào năm 2000. Và cũng như các nữ Tổng thống Michelle Bachelet và Ellen Johnson Serlif, bà thuộc cánh tả, đại diện cho đảng Xã hội Dân chủ.

Việc bà Halonen tái đắc cử mang tính chất tượng trưng sâu sắc: đúng 100 năm trước, phụ nữ Phần Lan giành được quyền bầu cử và ứng cử vào các chức vụ Nhà nước.

Trong cuộc bầu cử lần trước cách đây 4 năm, “yếu tố phụ nữ” quả thật đã đóng vai trò không nhỏ. Nhiều người bỏ phiếu cho bà Halonen chỉ vì cho rằng đã đến lúc phụ nữ lên nắm quyền lực tối cao ở Phần Lan.

Sau khi bà Halonen lên làm Tổng thống, người dân Phần Lan đột nhiên bắt đầu đồng loạt “quan tâm” đến thanh danh của bà. Hóa ra, mặc dù chung sống không chính thức với “người bạn đời” Pentti Arajarvi đã 15 năm nhưng hai bên vẫn chưa làm thủ tục kết hôn chính thức.

Vậy thì làm sao nêu gương được cho thanh thiếu niên? Hơn nữa, cả hai đều có con riêng trong các cuộc hôn nhân trước đây.

Bà Halonen đã kiên cường chịu đựng những đợt tấn công của các tờ báo lá cải trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch tranh cử. Bà khẳng định một cách chính đáng rằng đó là đời tư của bà và nếu đã là đời tư thì không ai được phép can thiệp vào.

Nhưng báo chí vẫn không chịu yên, sôi nổi thảo luận xem nên gọi ông Pentti Arajarvi như thế nào – gọi là “bạn đời”, là “phu quân” hay “người đàn ông” của Tổng thống?

Thậm chí một cuộc thăm dò dư luận về vấn đề này được tổ chức. Kết quả cho thấy hơn một nửa người dân Phần Lan tán thành phương án thứ nhất. Hơn nửa năm sau, bà Halonen rút cuộc phải nhượng bộ và chính thức đăng ký kết hôn với “người bạn đời” Pentti Arajarvi.

Con gái đời chồng thứ nhất của bà và con trai đời vợ thứ nhất của ông đứng ra làm nhân chứng. Từ đó, hai vợ chồng Tổng thống được gọi đúng theo nghi lễ: nữ Tổng thống nước Cộng hòa Phần Lan Tarja Halonen và phu quân của Tổng thống.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.