Kỷ nguyên siêu hàng không mẫu hạm có thể sắp kết thúc

Ảnh đồ họa tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D tấn công siêu tàu sân bay Mỹ. Đồ họa: Tiexue
Ảnh đồ họa tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D tấn công siêu tàu sân bay Mỹ. Đồ họa: Tiexue
Các chuyên gia nhận định, sự phát triển mạnh của tên lửa đạn đạo, hành trình chống hạm có thể khiến kỷ nguyên của các siêu tàu sân bay kết thúc như thiết giáp hạm trước đây.

Nhà phân tích Christopher Cowan, thuộc Viện Chính sách Chiến lược Australia (ASPI) nhận định, các siêu hàng không mẫu hạm năng lượng hạt nhân là biểu tượng quyền lực cuối cùng của Hải quân Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Những con tàu rất có năng lực, nhưng vô cùng tốn kém.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự mở rộng phạm vị của chiến lược chống xâm nhập/khu vực cấm (2A/2D) đang thu hẹp phạm vi hoạt động của hàng không hải quân quân Mỹ (CAW). Điều này đặt ra câu hỏi về tương lai của hạm đội tàu sân bay Mỹ, ít nhất trong một cuộc chiến tranh lớn,

Để triển khai sức mạnh một cách hiệu quả, Hải quân Mỹ phải tiếp cận và kiểm soát khu vực hoạt động. Trong khi đó, chiến lược 2A/2D được lập nên để ngăn chặn, hoặc cản trở đối phương tiến vào một khu vực nào đó và đảm bảo rằng, đối phương không thể kiểm soát hoàn toàn khu vực hoạt động ngay cả khi đã tiến vào thành công.

Hiểm họa từ tên lửa

Ông Cowan lập luận, sự phát triển của tên lửa đạn đạo chống hạm tầm xa (ASBM), tên lửa hành trình chống hạm, và các hệ thống phòng không tiên tiến cho phép các cường quốc quân sự thiết lập khu vực 2A/2D rộng lớn. Khu vực này được ví như những “pháo đài”, nơi mà các tàu sân bay, tàu mặt nước, hay máy bay đối mặt với nhiều nguy cơ.

Hai tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và DF-26 của Trung Quốc được ví là “sát thủ tàu sân bay” là những ví dụ điển hình. DF-21D có tầm bắn khoảng 1.700 km, trong khi phạm vi của DF-26 khoảng 3.000 – 4.000 km.

Những tên lửa ASBM làm gia tăng mối hoài nghi về tương lai tàu sân bay Mỹ. Phạm vi và tính đa dạng của hàng không Hải quân Mỹ giảm dần từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Khả năng tấn công sâu trong lãnh thổ đối phương của các máy bay cũng giảm đáng kể.

Mỗi tàu sân bay lớp Nimitz mang theo khoảng 62 tiêm kích trên hạm F/A-18 Hornet và F/A-18 E/F Super Hornet làm nòng cốt cho lực lượng tấn công trên không. Tiêm kích này có phạm vi hoạt động khoảng 918 km từ tàu mẹ. Tiêm kích tàng hình F-35C, trụ cột sức  mạnh tương lai của hàng không hải quân có phạm vi hoạt động nhỉnh hơn một chút, khoảng 1.166 km, nhưng tải trọng vũ khí ít hơn.

Các con số trên cho thấy, phạm vi mà tàu sân bay Mỹ có thể tấn công mục tiêu ngày càng giảm, trong khi cự ly mà họ có thể bị đối phương tấn công lại gia tăng. Sự mất cân bằng này làm cho vai trò của các tàu sân bay bị đặt vào tình thế nguy hiểm.

Có thể kết thúc như thiết giáp hạm

Làm thế nào để đảm bảo an toàn cho hoạt động của tàu sân bay trong môi trường 2A/2D trở thành câu hỏi lớn đối với các nhà hoạch định chiến lược Hải quân Mỹ. Mở rộng phạm vi hoạt động của máy bay để làm nhiệm vụ tấn công từ ngoài khu vực 2A/2D là rất quan trọng đối với sự tồn tại của các tàu sân bay.

Một số chuyên gia quân sự đề xuất giải pháp trang bị thùng nhiên liệu tàng hình treo ngoài cánh F-35C để mở rộng tầm bay. Phát triển máy bay tiếp nhiên liệu không người lái tàng hình để tiếp nhiên liệu cho F-35C ngay trong lãnh thổ tranh chấp.

Hoặc chế tạo máy bay tấn công không người lái tầm xa cũng là một lựa chọn hợp lý để tàu sân bay có thể tồn tại trong môi trường đe dọa mới. Ông Cowan cho rằng, Hải quân Mỹ cần suy nghĩ lại về vai trò của tàu sân bay.

Kỷ nguyên siêu hàng không mẫu hạm có thể sắp kết thúc ảnh 1 Những siêu tàu sân bay khó lòng tồn tại dưới sự phát triển mạnh của các loại tên lửa chống hạm. Ảnh: Hải quân Mỹ

Với sự phát triển mạnh của công nghệ tên lửa, một trong những vai trò tiềm năng của tàu sân bay là khởi động máy bay trinh sát không người lái tầm xa để cung cấp dữ liệu mục tiêu cho tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm, máy bay, hoặc bệ phóng trên đất liền trong thời gian thực.

Khu vực 2A/2D được ví như “quả bong bóng” khổng lồ đòi hỏi một mạng lưới lớn các hệ thống trinh sát hàng hải, bao gồm cả các vệ tinh để kiểm soát khu vực một cách hiệu quả. Mỹ có thể tấn công vào mạng lưới do thám này để làm “xẹp quả bóng” xuống mức có thể thực hiện cuộc tấn công bằng tiêm kích trên hạm. Đây là một giải pháp đang được Hải quân Mỹ xem xét.

Trong khi các mối đe dọa mới với tàu sân bay chưa được giải quyết, các chuyên gia quân sự tỏ ra lo lắng với việc Hải quân Mỹ đóng tiếp siêu hàng không mẫu hạm lớp Ford. Bryan McGrath, phó giám đốc Trung tâm Sức mạnh hàng hải Mỹ tỏ ra hoài nghi về khả năng hoạt động hiệu quả của siêu tàu sân bay lớp Ford trong môi trường đe dọa mới.

Ông McGrath cho rằng, Hải quân Mỹ nên chuyển từ hạm đội các siêu tàu sân bay sang những hàng không mẫu hạm nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí và giảm thiểu thiệt hại trong chiến đấu. Nhưng một số ý kiến khác cho rằng, việc chuyển sang hạm đội tàu sân bay nhỏ hơn sẽ làm giảm khả năng của Hải quân Mỹ trên toàn cầu.

Những thách thức và mối đe dọa đối với hoạt động của siêu hàng không mẫu hạm trong tương lai có thể không thể khắc phục. Kỷ nguyên của các siêu tàu sân bay có thể bị khai tử như thiết giáp hạm trước đây. 

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.