Kỷ nguyên Thái Bình Dương chuyển động

Kỷ nguyên Thái Bình Dương chuyển động
TP - Tháng 10/2011, trong bài xã luận trên tạp chí Foreign Policy, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Hillary Clinton nhìn nhận châu Á-Thái Bình Dương (châu Á-TBD) là động lực mới của thế giới với những cỗ máy kinh tế trọng yếu của nền kinh tế toàn cầu.

Do vậy, “đến lúc Mỹ giúp châu Á-TBD xây dựng các cấu trúc, thể chế như từng làm ở châu Âu sau Thế chiến II, cấu trúc đã và đang đem lại vô vàn lợi ích cho Mỹ”.

Không phải đến khi chủ thuyết “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” được chính quyền Barack Obama nêu ra, vị thế địa-chính trị châu Á-TBD mới được đề cao. Lịch sử chứng minh, khi sức nặng kinh tế dịch chuyển, sức nặng chiến lược cũng dịch chuyển theo. Từ cuối thế kỷ 20, hàng loạt quốc gia Trung Á, Nam Á, Nam Mỹ, Bắc Mỹ không ngừng “biến hóa” để trở thành quốc gia thành viên.

Điển hình là Mỹ, quốc gia tự coi mình là một cường quốc châu Á-TBD sau khi chứng minh rằng, chiếc thuyền đầu tiên của nước này căng buồm tới Quảng Đông, Trung Quốc (TQ) từ năm 1783, sau Cách mạng Mỹ. Hiện nay, Ấn Độ cũng không giấu ý đồ “hướng Đông” để trở thành quốc gia thuộc khu vực này.

Theo những lập luận trên, số quốc gia góp mặt trong bản đồ châu Á-TBD ngày một đông đảo, với tổng dân số gần 4 tỷ người, chiếm hơn một nửa dân số thế giới, gồm những nước có diện tích lớn nhất thế giới (Nga, TQ, Mỹ), 3 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới (Mỹ, TQ, Nhật Bản), 3 trong 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Nga, TQ), 7 trong 10 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới (Mỹ, Nga, TQ, Ấn Độ, Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc).

Như vậy, châu Á-TBD trong kỷ nguyên này là hòa bình hay chiến tranh, ổn định phồn vinh hay rối ren nghèo đói… phụ thuộc vào diễn biến cục diện địa-chính trị, mà trong đó Mỹ và TQ nổi lên là hai cực chủ đạo. Theo chủ thuyết “Kỷ nguyên Thái Bình Dương”, Mỹ sẽ triệt thoái toàn bộ lực lượng ra khỏi Iraq và Afghanistan, tức là con đường duy trì thế mạnh toàn cầu của Washington không còn đi qua ngả Baghdad, Jerusalem, Tehran hay Kabul, mà chuyển qua các tuyến hàng hải hướng về châu Á-TBD, đối đầu trực diện cường quốc đang lên TQ.

Với tính chất trên, xung đột lợi ích giữa Mỹ-TQ trong “Kỷ nguyên Thái Bình Dương” ngoài đặc điểm tranh giành địa vị lãnh đạo, còn mang tính đối đầu trên biển và đất liền. Mức độ và quy mô đối địch Mỹ-TQ được nhận định không thua kém sự đối đầu Mỹ-Liên Xô thời Chiến tranh Lạnh.

Khủng hoảng bán đảo Triều Tiên đột nhiên bùng phát dữ dội sau nhiều năm im ắng (tháng 3/2013), kế đó TQ bất ngờ tuyên bố Vùng Nhận diện Phòng không (ADIZ) biển Hoa Đông (tháng 11/2013)… là những diễn biến bất thường ở châu Á-TBD, khiến người ta liên tưởng tới bước đà về một cuộc đối đầu Mỹ-TQ hiện tại và tương lai. Bởi lẽ, trước thời điểm bán đảo Triều Tiên căng thẳng, Washington đã không thể điều quân xuống châu Á-TBD do quan ngại phản ứng từ Bắc Kinh.

Khủng hoảng nổ ra, Mỹ lập tức triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa châu Á, tăng cường diễn tập quân sự với quy mô ngày càng lớn, liên tục đưa tàu sân bay, tàu chiến, máy bay ném bom chiến lược áp sát biên giới TQ. Trong khi đó, với tuyên bố ADIZ, Bắc Kinh cho thấy họ sẵn sàng đưa ra các giải pháp đáp trả buộc Tokyo và Washington phải “tôn trọng”. Bằng chứng là, ngoài một số chuyến bay quân sự của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc (đều nằm trong tầm quét của radar TQ), hàng chục hãng hàng không của nhiều quốc gia trong khu vực, kể cả Mỹ, đã phải đăng ký lịch bay trước khi qua ADIZ.

Năm 2011 được xem như dấu mốc, nhưng 2013 mới thực sự là khởi đầu của “Kỷ nguyên Thái Bình Dương”, khi cả Mỹ và TQ đã thực hiện những động thái đầu tiên theo các quy tắc riêng của mình nhằm chiếm lĩnh vị thế tại khu vực. 2014, khả năng xảy ra xung đột quân sự Mỹ-TQ kéo theo can dự của các bên liên quan là không cao. Tuy nhiên, như TS John Swenson-Wright, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế hàng đầu thế giới, từng nói: “Không ai muốn chiến tranh, nhưng đó cũng là những gì người ta nói đến cho tới trước năm 1914, thời điểm nổ ra Thế chiến I”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG